.

Trả món nợ ký ức(*)

.

Ký ức về chiến tranh trong tôi, đó là những ngày giải phóng Quảng Nam-Đà Nẵng. Tôi chỉ còn nhớ mẹ gồng gánh, kéo anh em tôi bò men bờ ruộng để đi tránh bom rơi đạn lạc… Sau này, lớn lên và cảm nhận được cuộc sống chung quanh, tôi chỉ biết đến chiến tranh, đến thảm sát… qua phim ảnh, báo chí.

Vậy mà, trong những giấc chiêm bao vật vã với mệt nhọc của cơ thể, tôi hay bị ám ảnh bởi những màn rượt đuổi, bắn súng, chém dao… mà mình là nạn nhân; khi tỉnh giấc mới thở phào nhẹ nhõm vì đó chỉ là chiêm bao. Chừng đó thôi là cũng mệt mỏi, lo âu, đau đớn… đến rã người.

Thế nên, khi cầm trên tay cuốn Về từ hành tinh ký ức của nhà văn Võ Diệu Thanh, lật giở trang bìa cuối, với dòng trích “Chúng tôi không muốn bị giết. Chúng tôi càng không thể để cho mấy chục người cùng trốn trong hang bị giết vì tiếng khóc của con mình…”; tôi bất chợt rùng mình, nên bỗng nảy ra ý nghĩ: “Liệu đọc cuốn sách này từ cuối ra đầu thì sự sợ hãi về chiến tranh, chém giết… có giảm đi không?”.
Và tôi quyết định thử, với chương cuối “Những mối tình”, qua lời kể của chú Sáu Khệnh, ở xã Bãi Thơm, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang-một cựu cán bộ Khmer Đỏ thời kháng chiến chống Mỹ, cho đến tận chương mở đầu là Người ngoài cuộc.

Thật may mắn, dường như việc đọc ngược đó hóa giải bớt phần nào những câu hỏi, những trăn trở, dằn vặt mà với người đọc từ trang đầu đến cuối vấp phải khi nghiền ngẫm tập ký sự này.

Bởi, có đi ngược chiều như vậy, người đọc mới hiểu sự dã man, tàn độc trong việc tra tấn, sát hại bằng súng, bằng dao, bằng gậy tầm vông vót nhọn và độc ác nhất là bằng những nhát búa lạnh lùng giáng xuống đầu 3.000 mạng sống-không từ già-trẻ-gái-trai ở Ba Chúc, An Giang. Đó là việc vì sao bộ đội biên phòng, quân chủ lực và cả du kích của ta không thể can thiệp kịp thời trước sự tấn công của quân Pol Pot, để số người thiệt mạng quá lớn và dưới sự thảm sát dã man như thời trung cổ vậy…

Có đi ngược như vậy, mới hiểu thấu hơn vì sao thủ lĩnh Pol Pot tàn độc nhưng vẫn nhiều người nghe và làm theo. Hãy nghe chú Sáu Khệnh lý giải: “Cô đừng tưởng Pol Pot không tốt không tài ba. Ông ta rất tốt. Ông không tư lợi, không háo sắc, không lợi dụng quyền lực gom góp tài lộc cho riêng mình. Ông chỉ muốn xây dựng thế giới tốt đẹp theo ý mình. Chính vì vậy mà có đông người theo ông, ông mới bước lên ngôi cao. Nhưng, cô đừng tin người giỏi. Họ có thể dựng nên những mục tiêu lý thuyết rất đẹp đẽ và lớn lao. Lớn tới mức có thể che đậy những con đường đầy cạm bẫy để cô cắm đầu bước theo họ. Lớn tới mức họ nhìn thấy máu người trải đầy bước chân mà tưởng là hoa lá, bướm ong đang chào đón…”

“Cô thấy đó, họ trở thành những người vô cảm. Nếu không vô cảm, làm sao bàn tay họ có thể đập đầu hết người này đến người khác, đập không gớm tay. Có thể cô đúng. Có lẽ do bị bẻ gãy bản năng yêu thương và được yêu thương nên họ bị rối loạn đâu đó trong tâm tính mà bản thân họ cũng không biết”. Đó là lời giải thích của chú Sáu Khệnh về “họ”-những người lính Pol Pot trẻ măng mà tàn độc. “Bản năng của Pol Pot hay bản năng của những người lính Pol Pot đều bị bẻ gãy trong một điều kiện khắc nghiệt. Để rồi bản năng tật nguyền. Dị tật không được điều trị cho tới lúc nó lành lặn trong dáng dấp mới vô nhân tính. Và cái ác trở thành bản năng từ đó”, chú Sáu Khệnh chia sẻ với tác giả vậy đó.

Vậy là đã rõ. Đọc Về từ hành tinh ký ức từ sau ra trước như vậy, đã hóa giải rõ ràng sự tàn độc đến man rợ, mất hết nhân tính của quân Pol Pot trong sự kiện thảm sát hơn 3.000 người ở Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang- mà cho đến nay, Võ Diệu Thanh đã khắc họa một cách tương đối đầy đủ, rõ ràng. Đó không phải chỉ để lưu dòng lịch sử, để góp thêm tiếng nói lên án chế độ diệt chủng Pol Pot-mà quan trọng là góp phần lý giải một cách có khoa học về sự tồn tại và có lúc trỗi dậy mạnh mẽ của cái ác trong đời sống xã hội.

Không chỉ ở chương cuối này, mà rải rác trong tập ký sự về một sự kiện đã lùi xa tròn 30 năm ở biên giới Tây Nam Tổ quốc, người đọc có thể cảm nhận được những triết lý cuộc sống chảy tràn: “Khi bước chân ra khỏi cửa địa ngục, chúng tôi chỉ còn lại thân tàn. Nhưng chúng tôi cảm thấy mình đã đạt được mục tiêu. Còn sống! Thân tàn cũng là một kho báu”. Hay đơn giản như chân lý của cô Năm Chăm, nguyên Xã đội trưởng Phước Hưng, huyện An Phú, tỉnh An Giang-người dám lăn xả vào bãi chiến trường để cứu lấy dân lành: Sống hay chết cũng là mình làm những việc mình thấy đúng thấy thích. Thấy thích cứ đi, thấy đúng cứ bước. Dám đi thì dám chịu gai góc, phải trả giá. Ai cũng vậy mà. Đường làm người sao cho tránh khỏi đau đớn. Ăn uống bậy bạ cũng đau bụng, đau răng. Nghĩ không thông cũng đau đầu…”. Đó chính là điều quan trọng người đọc rút ra, khi lặn sâu vào sự trải nghiệm trong tập ký sự đầy rẫy cái chết dày gần 220 trang này.

Thế nên, dù là ký sự về một trận thảm sát tàn khốc không thể nào quên, về những cái chết đớn đau tận cùng và không giống ai,… nhưng trong đó, người đọc tìm thấy một niềm tin:“Không ai có thể tận diệt trọn vẹn được mầm sống trừ đấng tạo hóa. Nên, trong ngôi làng tận thế, những mầm sống vẫn bám trụ ngay chính nơi đẫm máu của họ. Kệ các thứ ám ảnh, quê hương vẫn là nơi nuôi dưỡng mỗi mầm người”…

Anh Quân

(*) Đọc Về từ hành tinh ký ức, ký sự của Võ Diệu Thanh, Tao Đàn và NXB Hội Nhà văn, tháng 11-2018.

;
;
.
.
.
.
.