Sáng tác

TRUYỆN NGẮN

Bên kia đường

20:22, 28/02/2016 (GMT+7)

Từ khi quán phở của mụ Tư “béo” chuyển về giữa phố, chềnh ềnh với những chậu rửa bát đầy ậc bọt mỡ và cuống hành, dân phố chẳng mấy ngày được yên ổn. Cái giọng san sát của người đàn bà bốn mươi góa chồng sa sả phung phí cạnh tiếng dao thớt cành cạch khiến cho những gã đàn ông chớt chát nhất cũng không dám đi quá đà.

Với Tư béo - hãy quên đi việc cắm quán hay quờ quạng chân tay vớ vẩn! “Thương tình” thì mụ bớt cho tiền nửa chén rượu uống dở hay tăng thêm lưng bát hành chần và cục xương cuối nồi. Từ tờ mờ sáng đến tận 11 - 12 giờ đêm không lúc nào thấy ngơi tiếng của người đàn bà ghê gớm ấy.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

“Đằng này bán phở, bán mồ hôi nước mắt, không bán phấn bán hương! Tử tế thì vào ăn trả tiền không thì cuốn xéo!”.

“Này nhé, úm cho chị mày ốm, chị mày nằm liệt một chỗ ư? Còn khuya nhé!”.

Đấy, đã dám nói gì đâu mà quân “đầu gấu” ấy đã chặn ngang cổ họng người ta rồi! - Thì các bà già hay thẽ thọt vào tai nhau thế. Đám trẻ thì bụm miệng cười rồi lắc đầu quầy quậy.

“Bà chị có anh chồng tử vì nạn sớm hả? Gớm, thế là còn may đấy!”.

“Cha bố nhà chú! Rồi chú cũng kiếm được con vợ cố lắm thì bằng tôi!”.

Cứ đôi co, thân thiết chẳng ra thân thiết, chửi bới chẳng ra chửi bới, mà cứ rinh hết cả tai hàng xóm. Ấy vậy mà quán phở của Tư béo vẫn nườm nượp khách suốt ngày. Doanh thu có giảm đột ngột trong “sự cố phở phoóc-môn” nhưng đâu lại vào đấy.

Đám giúp việc nhà hàng “chị Tư” chẳng tốn xu nước bọt nào cho những sự mời mọc lách cách. Gớm, cái sự thích của thiên hạ biết đâu mà mời với mọc. Khoái thì chén, không khoái thì em cũng “bai bai” bác, dù bác có là anh di động kêu èng èng suốt ngày hay là tụi trẻ con thò lò, mắt toét vừa ăn vừa tải rác ra bàn.

Bởi tóm lại, tiêu chí của Tư béo là: chỉ với 25.000 đồng - bạn đã được đón tiếp và cảm thấy ngon miệng. Đôi bên cùng có lợi! Còn bác có tiền triệu ư? - đây đâu cần nhiều thế. Khách không thấy xót, không có cảm giác mình như bị trấn lột - thế là đạt yêu cầu, khả năng quay lại lớn.

Quan điểm rất thoáng của “chị Tư” có lẽ là điểm nhấn đáng yêu nhất của người đàn bà ngót nghét 70 ký, khuôn mặt vuông vức đến mức không còn có thể vuông vức được hơn, và luôn bất ổn với những hơi thở dồn ép, nặng nhọc.

Quán phở - thực ra cũng chẳng lịch sự cho lắm. Ba mươi mét vuông mái bằng xây theo kiểu ki-ốt, nhưng hệ thống thoát nước kém nên trước cửa quán và dọc rãnh bếp lúc nào cũng ướt lép nhép, vặn lỡ tay thì vòi nước phun phì phì xuống tận lòng đường.

Dầu vậy, đây cũng là cái quán tươm nhất suốt dọc phố cũ, nhà cửa san sát và các ngõ ngách thì bé tin hin và ngoằn ngoèo như vết rắn bò. Ai đời bố mẹ đuổi đánh lúc con hỗn xược, chạy bình bịch, toát mồ hôi phổi gần một giờ đồng hồ vẫn chưa thoát được ra ngoài các lối nhỏ tối hum hủm. Quán phở - vì ở giữa phố nên trở thành trạm thông tin bất đắc dĩ.

Đại loại: “Bác có thấy ông xã nhà em vừa đi qua đây không?” - “Thằng em cháu nó mặc cái quần soóc ca-rô xanh xanh ấy” - “Thằng ăn trộm nó vừa dắt cái xe đạp của tôi về hướng này mà”... Bà chị Tư béo lại có cơ bổ sung vào nguồn chuyện bất tận của mình những bản tin thời sự nóng hôi hổi - dễ chừng qua cái mồm xoèn xoẹt của người đàn bà ấy các câu chuyện cũng bốc khói và trộn đều vào trong những bát phở vốn rất nhiều hương vị.

“Thằng oắt con, sao tệp 100.000 này chỉ có 4 tờ 20.000 đồng? Mày tưởng mày qua mặt tao được đấy à?”.

“À, của chú, một tái một rượu, chị xin chú 30.000 đồng”.

“Thế nào, thằng ranh con, đưa 20.000 đồng nữa ra đây. Liệu hồn, tao lại xách tai về báo cáo với bố mẹ mày bây giờ”.

“Này thằng Cúc, cái Hạnh, bát sạch bê lại đây mau. Dọn bàn cho 4 khách mới vào đấy!...”.

“Không ăn thì để xe chỗ khác nhá, đây không phải là cái sân vận động nhá!”.

“À, chị ngồi vào bàn đi. Chị dùng gì nhỉ?”.

Cái mồm bà chủ xoen xoét như cái máy khâu chạy không biết mệt. Khách ngồi ăn chỉ biết lắc đầu, tặc lưỡi: “Gớm cái con mẹ diết dóng và lắm mồm! Tốt nhất đừng có dại mà dây vào với nó!”.

Thì có ăn mới phải sang bên đường, không thì cứ ở bên này đường, tránh voi chẳng xấu mặt nào!
Rồi sự khó chịu của dân hàng phố cũng thành quen, quen thì chẳng mất công để ý nữa. Hối hả bữa sáng và đi làm, đến chiều tối mịt mới lại nhìn thấy những rãnh nước đặc quánh bọt mỡ và cuống hành và người đàn bà 70 ký với chiếc khăn mặt dài ngoằng, màu nâu xỉn, trơn nhẫy như một con lươn, vắt ngang cổ mải mốt múc nước dùng vào bát cho khách.

Con ốm khóc trèo trẹo lại sai đứa lớn xách cặp lồng ra quán của Tư béo. Thế nghĩa là đã chấp nhận nhau rồi nhá. Tiền nong sòng phẳng. Chẳng cần thân thiết, cũng chẳng lo phải thù ghét gì nhau.

Nhưng với Tư béo - mọi sự vẫn như thế, nghĩa là giống như cái rễ hành mà mụ chẳng thèm quan tâm. Thích chửi nhau? Đây chấp hết. Còn không, cái quán phở là “lẽ sống” của người đàn bà hộ pháp – nên đương nhiên mụ phải sống chết với nó.

Đừng có hòng ai lấy được của Tư dù chỉ một đồng bạc lẻ. Con cái không có, Tư béo dành dụm tiền chỉ để nhét đầy vào cái hộp sắt tôn đựng gạo cũ. Nếu đạt yêu cầu thì mang đến ngân hàng. Có lần cô thu ngân ở ngân hàng – trẻ măng, xinh đẹp với ngón tay trắng trẻo, thuôn dài đã “vô ý rùng mình” trước cục tiền 50.000, 10.000 đồng... nhầu nhĩ và gây gây mùi ống xương bò của “chị Tư béo”.

Ngay lập tức cô nàng được “nếm đòn” của bà chị vốn nổi tiếng ghê gớm. Sao, chê tiền chị hả? Tiền mồ hôi nước mắt của chị đấy em ạ. Sạch hay bẩn hả em? Chị chỉ làm con bán phở thôi, không bán cái khác nhá. Sao, em có nhận không?

Cô thu ngân lí nhí chẳng nói được nửa lời. Bài học rút ra? Đừng có dại mà dây vào Tư béo!

Trời đột ngột đổ mưa rền rĩ nên quán hàng phở của Tư béo khá vắng vẻ. Ngoài một số khách quen có cái thú nhắm rượu bằng những câu chuyện vô thưởng vô phạt của bà chị su-mô, chỉ còn thêm dăm ba khách trú mưa bất đắc dĩ bằng cách nhẩn nha ăn bằng thìa nhỏ và nhấm nhá mấy cọng hành tươi.

Đợi cả tiếng đồng hồ, trời vẫn xối xả tuôn nước như tháo cống. Cả chủ và khách đều nhìn ra ngoài ngao ngán. Bỗng hai bóng người ướt lướt thướt liêu xiêu bước chậm chạp vào trong vùng sáng của quán hàng khiến cho mụ Tư béo quan tâm. Chăm chắm nhìn mãi, hóa ra bà cháu nhà ăn xin mù lòa.

“Có trú mưa thì đứng ở đấy, đừng có bước vào chỗ bán hàng của tôi đấy, mẹ già mẹ trẻ ạ!” - Người đàn bà su-mô suồng sã ngáp dài và dắng dỏ với những người mới xuất hiện.

“Không, bà cháu tôi muốn ăn!” - Bà cụ già run rẩy bước tiếp và nói bằng cái giọng cố ra vẻ cứng rắn.
“Sự lạ đấy! Nhưng đây không phải nhà từ thiện, mẹ ơi!”.

“Nhưng bà cháu tôi có xin đâu. Chúng tôi mua mà. Chúng tôi có tiền mà. Có một anh tốt lắm cho bà cháu tôi những 100.000 đồng cơ. Tôi sẽ cho con bé cháu này ăn hai bát. Gần 2 năm rồi nó chưa được ăn một bát phở nào”.

“À, vậy thì khác!” - Bà chị Tư béo thả đôi chân đang khoanh tròn, rung rung trên ghế xuống - “Vậy thì khác, mẹ già ạ! Cụ ăn gì nào? Mà đừng có lừa con này đấy nhé”.

“Không, không, để tôi lấy tiền luôn cho cô. Tôi muốn xin thì tôi phải bảo là xin chứ. Nói dối phải tội chết”.

“Cụ nắm ní nuận nắm” - Mụ Tư béo cười ồng ộc rồi với tay lấy hai chiếc bát to - “Hai bà cháu ăn gì nào?”.

“Cháu ăn gì cũng được bà ạ” - Đứa bé giật đuôi mắt, đoạn túm chặt lấy ống chân tong teo của bà cụ - “Cháu ăn hai bát thật bà nhé!”.

Cảnh hai bà cháu ăn mày cuống quýt bên bát phở bốc khói nghi ngút khiến cho tất cả mọi người đều cười rộ. Tư béo khoái chí tiếp tục khoanh chân lên ghế, cả khối người rung rung theo giai điệu một bản tình ca ri rỉ thoát ra từ cổ họng đầy ứ ngấn mỡ.

“Thế cụ và con bé này ở đâu vậy?” - Tư béo ngỏng cổ vào trong, gặng hỏi sau khi đã nhìn thấy vẻ mặt thỏa thuê của họ.

“Ở bên kia đường cô ạ” - Con bé nhanh nhảu trả lời. Một bên mắt nó lồi ra và trắng nhờ nhờ như cùi nhãn, tiếp tục co giật: “Ngày nào cháu cũng ngửi thấy mùi phở ở bên này bốc sang, thèm đến đau cả bụng ấy cô ạ”.

“Đâu nào!” - Bà cụ quờ quạng bám vào cạnh bàn, lẩy bẩy đứng dậy - “Phố nào hai bà cháu mình đi qua chẳng có hàng phở. Thôi, đi nào cháu, mưa tạnh rồi đấy”.

Tư béo hờ hững nhìn ra ngoài:

“Ừ, mà tạnh thật rồi đấy! Gớm, mưa với gió phát khiếp lên được. Hết 75.000 đồng, mẹ ạ”.

Bà lão lần mần trong cái túi áo trong, lôi ra một đống tiền vụn nhàu nát, đoạn khe khẽ kêu lên:

“Đây, nó đây rồi! Tôi nhận ra nó ngay. Chưa bao giờ bà cháu tôi có được tờ tiền to như thế. Những 100.000 cơ mà. Cũng còn có người tốt lắm, cô ạ. Đây tôi gửi cô”.

Tư béo nhìn xói vào tờ tiền gấp làm tư trên tay người đàn bà mù lòa, giọng rin rít:

“Đây phỏng? Mẹ già, mẹ trẻ? Những một... trăm... cơ đấy!”.

Trong quán, lác đác có người đứng dậy ra về. Mọi người bất chợt cười ồ lên:

“Nhiều tiền thế, mang sang thế giới bên kia tiêu không hết đâu cụ ạ!”.

Bà cụ cười hiền lành:

“Vâng, chưa bao giờ tôi có tờ tiền to thế này. Ăn đến ba bát phở đầy ninh ních mà vẫn còn tiền”.

Tư béo lừ lừ nhìn đám khách nhốn nháo, đoạn nhẩn nha gom đống bát ngổn ngang trước mặt:
“Mẹ cứ đợi đấy, để Tư béo này giải quyết xong chỗ này đã!”.

“Vâng, bà cháu tôi đợi được”.

“Mấy lão kia, nhả nhớt gì lắm thế?” - Tư béo vứt xoảng con dao xuống dưới bàn - “Ăn xong thì về hết đi! Được rồi, tiền thừa của mẹ đây”.

Tư béo thoắt rút một tờ 20.000 và một tờ 5.000 đồng, giúi vào tay bà lão, đoạn lùa tờ tiền “to lắm” gấp làm tư vào một ngăn kéo khác.

“Chuyến này nhà chị Tư tiêu nhòe nhé!”.

“Im cha mấy cái mồm thối lại” - Tư cục cằn nhìn xéo vào đám khách:

“Động gì đến nhà các người”.

Hai bà cháu người ăn mày mù lòa đã đi sang phía bên kia đường. Hai cái bóng nhợt nhạt trong quầng đèn cao áp vàng vọt vừa bật sáng trở lại khiến cho con phố nhỏ càng thêm hun hút.

“Thằng Cúc, cái Hạnh đâu, khách về hết rồi, còn không ra mà dọn hàng đi à! Phim ảnh gì mà suốt ngày dán mắt vào cái vô tuyến ấy hả?”.

Hai đứa trẻ mải mốt xô ra giữa bãi chiến trường của những bát đũa ngả nghiêng và lép nhép giấy ăn vứt vô tội vạ trên sàn nhà ẩm thấp.

“Này, con Hạnh từ từ đã! Mang tờ tiền này đặt lên bàn thờ để cuối tháng cô hóa vàng!”.

Con bé “dạ, dạ”, đoạn cầm tờ tiền âm phủ 100 đô gấp làm tư của người ăn xin chạy biến lên gác.

Quán hàng ăn còn lại cuối cùng của khu phố đã tắt đèn, ngủ yên, chuẩn bị cho một ngày mới ồn ào và sà sã tiếng nói vào đầu sáng hôm sau...

PHONG ĐIỆP

.