Sáng tác

Thơ Phạm Ngọc Lư

14:40, 17/01/2016 (GMT+7)

Phạm Ngọc Lư sinh năm 1946 ở Vinh Xuân, Phú Vang, Thừa Thiên; đang sống ở Đà Nẵng, là cựu sinh viên Viện Hán học - Huế; có một thời đi dạy học.

Phạm Ngọc Lư là người khiêm tốn, nhưng độ trải nghiệm thì sâu sắc, thâm trầm. Và chừng mực, người đọc có thể tinh tế nhận ra trong thơ anh sự hoài niệm da diết khôn nguôi “Đời trôi lũ lượt một dòng/ Căm căm tâm sự ôm lòng không trôi!”.

Một thời để yêu đã qua, biết bao giờ gặp lại, nó trôi đi lặng thầm như chính nỗi lòng tác giả: “Nước đau từng sợi ngậm ngùi/ Cuốn tình tôi chiếc lá vùi đáy sông”. Gần cả đời thơ Phạm Ngọc Lư cứ khắc khoải tỏ bày, ký thác tâm hồn mình cho mênh mông đất trời trong đơn độc, trải sạch lòng với thơ đến thế mà có lúc anh cũng thảng thốt: “Thấm lòng bùn đọng nước chua/ Ễnh ương đâu biết... tôi vừa bật kêu...”.

Vô thanh

Có tiếng ai kêu tên tôi cuối chân trời tiềm thức
Tiếng chim xưa âm vang trong rừng sâu ký ức
Rơi xuống giữa vườn trăng
Lan tỏa trong thinh không
Màu tóc xưa huyền hoặc
Có cánh hoa nào bay ngậm nỗi tàn phai câm nín
Có con bướm đoạn trường kêu không thành tiếng
Lạnh lẽo bạc màu trăng
Ngan ngát hương sầu đông
Chờ nhau chờ nhau khắc khoải
Có tiếng lòng tôi giữa ngàn khơi sóng vỗ
Tiếng gió qua thành xưa
Tiếng mưa về mái cũ
Mà không còn không bao giờ còn nữa
Một tiếng hoàng uyên
Muôn thuở tình ta vô ngôn
Một phút đời em dâu bể
Nỗi buồn rơi...
Không rơi thành giọt lệ
Sao vỡ nát lòng... tiếng khóc vô thanh!

Cảm ngộ

Hoa rụng vô tình nghiêng chén rượu
Xuân tàn bất chợt trắng bài thơ
Tóc nhuộm khói chiều thù mây bạc
Ai lau nhan sắc để gương mờ
Hoa nở bao giờ? Chiều nay rụng
Xuân đến bao giờ? Sáng nay đi!
Chén rượu thuyền quyên cầm tôi lại
Thoáng hương xưa bối rối xuân thì
Cứ tưởng gặp nhau trong vạn cổ
Ngỡ ngàng em: thục nữ Kinh Thi
Ngỡ ngàng tôi: nho phong hàn sĩ
Rượu hồng đào nặng chén tương tri
Cứ tưởng giang đầu giao giang vĩ
Sông Tương cạn đấy hết đôi bờ
Sao tôi ngơ ngác, hoài Tương thủy
Giọt rượu tương phùng chết đuối thơ!
Đâu biết xuân già hoa khai muộn
Vô tình tôi mọc trái tim non
Em ngó lại rơi màu tóc biếc
Chén rượu tan tành vỡ khói sương.

Hoàng hôn

Người đi neo bóng bên bờ
Có sông thêm tội nước chờ thuyền lui
Nước đau từng sợi ngậm ngùi
Cuốn tình tôi chiếc lá vùi đáy sông
Người đi hồn chẳng đi cùng
Khói sương chẳng đậu, đèo bòng chi tôi
Tà dương như thể trêu ngươi
Chờ chi... chưa rụng chưa trôi chưa chìm
Người đi! Con nước đứng tim!
Chết tôi chiếc bóng ngồi im bên bờ...

Nhớ Làng

Dài đêm rả rích mưa suông
Bỗng đâu dăm tiếng ễnh ương
dội về...
Làng quê?
Phải, tiếng làng quê!
Ao khô hồ cạn não nề kêu mưa
Làng xưa?
Ôi tiếng làng xưa!
Tiếng trong tiếng đục mấy mùa
nước nôi
Lòng tôi? Bao tiếng lòng tôi
Tiếng câm tiếng nghẹn một thời
tang thương
Mấy mươi năm ở phố phường
Đêm nay nghe tiếng ễnh ương
nhớ nhà
Nhớ làng vời vợi xót xa
Nhớ quê muôn dặm chắc là đang mưa
Thấm lòng bùn đọng nước chua
Ễnh ương đâu biết... tôi vừa bật kêu...

Chẵn mười năm

Qua sông, nhẵn mặt nhìn sông
Đời trôi nước chảy suông lòng nào hay
Ngày qua hối hả theo ngày
Cứ giang đông sớm - thoắt tây ngạn chiều
Thoắt mười năm chảy xiết theo
Còn trơ nước bọt mây bèo bám chân
Qua về hổn hển phong vân
Hồn như núi dựng mà thân trôi hoài
Trôi trôi... lầm lũi miệt mài
Ngờ đâu mây nổi trên vai bồng bềnh
Đâu ngờ cạn cợt nhân sinh
Mà chao lượn gớm! Dập dềnh cũng ghê!
Ngày trôi tháng chảy ê hề
Mười năm nhẵn mặt qua về ngó sông
Đời trôi lũ lượt một dòng
Căm căm tâm sự ôm lòng không trôi!

PHẠM NGỌC LƯ

.