.

Mua bán thời hội nhập

.

Có thể nói không quá rằng, thông qua lối ứng xử trong mua bán có thể đánh giá trình độ văn hóa của một đất nước.

Thông qua lối ứng xử trong mua bán có thể đánh giá trình độ văn hóa của một đất nước. TRONG ẢNH: Chợ Hàn được công nhận là chợ đạt chuẩn văn minh thương mại năm 2013, 2014.  (Ảnh do Sở Công thương Đà Nẵng cung cấp)
Thông qua lối ứng xử trong mua bán có thể đánh giá trình độ văn hóa của một đất nước. TRONG ẢNH: Chợ Hàn được công nhận là chợ đạt chuẩn văn minh thương mại năm 2013, 2014. (Ảnh do Sở Công thương Đà Nẵng cung cấp)

Trong dịp lễ 30-4, 1-5 vừa qua, lượng khách đến Đà Nẵng đông chưa từng thấy. Trên cái nhìn tổng thể thì Đà Nẵng đã đón khách du lịch trong vai một chủ nhà trọng thị, chu đáo… và đã để lại trong lòng khách phương xa những ấn tượng chân chất, hiền hòa về một “thành phố đáng sống”. Nhiều người ra về cứ tấm tắc khen lấy khen để: “Cảnh đẹp, thức ăn ngon, giá cả rẻ, con người thì thân thiện… Tất cả chỉ có ở Đà Nẵng”.

Thế nhưng, thực lòng mà nói, vẫn còn chỗ này chỗ khác những mảng xám không đáng có làm cho bức tranh văn hóa, văn minh đô thị của Đà Nẵng bị xuống sắc ít nhiều. Cung cách kinh doanh, mua bán của một số người còn thiếu tầm văn hóa hiện nay cũng là một thách thức lớn trong việc hấp dẫn khách du lịch đến tham quan, mua sắm.

Nhiều khách du lịch đã rất ái ngại khi đi ngang các “phố vẫy” của Đà Nẵng: Cà-phê vẫy, quán ăn vẫy, thậm chí có cả... giữ xe vẫy. Các nhân viên cửa hàng vô tư đứng hẳn ra phần làn xe chạy để vẫy đón khách. Nhiều người trở về thăm quê hương trong dịp lễ, Tết đã rất buồn lòng khi bỗng nhiên bị lôi kéo, giành giựt như một “miếng mồi” khi bước vào các phố ăn uống, các chợ trung tâm thành phố.

Làm sao có thể tận hưởng niềm hạnh phúc mua sắm, lựa chọn những món hàng, những món ăn mà mình yêu thích khi bên tai cứ léo nhéo lời mời chào, thậm chí còn bị nắm tay lôi vào cửa hàng. Nếu có thái độ kháng cự thì nhẹ nhất cũng được nếm mùi những cái liếc xéo với ánh mắt “mang hình viên đạn” và nặng đô hơn sẽ là câu chửi vỗ vào mặt giữa chốn đông người…

Dù đã chấn chỉnh rất nhiều nhưng tình trạng tranh giành khách dẫn đến “khẩu chiến” giữa nhân viên các cửa hàng, quán ăn vẫn còn rơi rớt đâu đó. Đó là chưa kể thái độ phục vụ thiếu niềm nở, trả lời cụt lủn, thiếu tế nhị, tiết kiệm sử dụng hai tiếng cám ơn, xin lỗi… của đội ngũ bán hàng khiến không ít “thượng đế” thấy mình không còn là… thượng đế  nữa. Một lần khi đi mua sắm tại chợ Cồn, chúng tôi đã chứng kiến cảnh nhân viên giữ xe nạt nộ, chửi thề khi khách tỏ ý không vừa lòng vì phục vụ đã chậm còn cẩu thả quăng xe khách vào bãi. Chả là người khách vừa mới tậu chiếc xe SH cáu cạnh nên của đau con xót. Kết quả là của vẫn đau mà “thượng đế” thì bị mắng tả tơi hoa lá…

Đâu đó vẫn có một số chủ cửa hàng, nhân viên phục vụ còn ấu trĩ trong văn hóa mua bán, nghĩ rằng khách lạ chỉ đến một lần rồi “một đi không trở lại” nên thỏa sức làm mưa làm gió. Một số nơi bán hai giá trên một sản phẩm. Một giá cho khách địa phương; một giá cho khách du lịch theo kiểu “nhìn mặt đặt tên”, thấy khách “sộp” thì hét giá cao hơn chút. Cái tâm lý “cơ hội” này như hạt sạn làm cho bữa ăn hoặc buổi mua sắm của khách kém đi hương vị.

Đà Nẵng tuy không nổi danh với “bún mắng”, “cháo chửi, “ốc lắm mồm”... như ở nơi khác nhưng vẫn còn kiểu phục vụ cộc lốc thậm chí còn nặng nhẹ khi khách có yêu cầu phát sinh. Có khi chỉ là những việc nhỏ như que tăm, giấy lau miệng... cũng sinh ra cãi vã. Hay như tâm lý mua mở hàng, nói thách, mặc cả… trong mua bán hiện nay tuy là nét văn hóa mua bán lâu đời của người Việt nhưng cũng là một rào cản trong văn hóa hội nhập hôm nay.

Thực ra việc nói thách và mặc cả vốn nơi nào cũng có. Ai đã đi chợ đêm ở Hồng Kông, Thái Lan, Singapore hay các nước châu Âu đều được nếm trải cảm giác này. Tuy nhiên ở những nơi này khách tha hồ mặc cả trước cái giá trên trời của người bán nhưng không gặp một phản ứng phi văn hóa nào. Thậm chí, khách có thể mặc sức xem, thử… rồi không mua gì vẫn được “khuyến mãi” hai chữ cám ơn và nụ cười tươi rói.

Vậy có thể nói tình trạng không biết cám ơn/xin lỗi hay mắng chửi vô tội vạ không phải là do ít học mà là do thói quen mua bán của một thời kinh tế bao cấp còn rơi rớt lại. Muốn chấn chỉnh tình trạng này, có người đề nghị rằng cần phải đào tạo nhân viên bán hàng đạt chuẩn văn hóa, phạt nặng hành vi chặt chém, tẩy chay các địa chỉ bán hàng phi văn hóa, đưa môn văn hóa ứng xử vào học đường…

Mặt khác, cũng cần nhìn lại hành vi, thái độ của khách mua hàng. Bởi mua bán là hoạt động diễn ra dưới sự tác động qua lại từ hai phía. Người tiêu dùng Việt Nam vẫn có nhiều thói quen phi văn hóa như chen lấn, xô đẩy khi mua hàng, nhất là mua hàng siêu thị, mua vé phim, vé tàu xe... Tại các hàng quán, khu giải trí, khách hàng không tuân thủ quy tắc vệ sinh như xả rác, khạc nhổ bừa bãi… Nhiều khách còn ăn nói thô tục, quát nạt nhân viên bán hàng gây phản cảm cho cả người mua kẻ bán.

Một trong những nguyên tắc vàng trong kinh doanh là thỏa mãn khách hàng một cách tối đa có thể, đi ngược lại nguyên tắc ấy là đi ngược lại văn minh thương mại. Văn hóa tiêu dùng là một phần văn hóa ứng xử của xã hội. Có thể nói không quá rằng, thông qua lối ứng xử trong mua bán có thể đánh giá trình độ văn hóa của một đất nước. Điều này luôn được đánh giá là “xưa như trái đất” nhưng lại là vấn đề nóng bỏng không riêng gì Đà Nẵng mà còn là của cả nước trong thời kỳ hội nhập, nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế.

NHƯ HẠNH

;
.
.
.
.
.