.

Biển, đảo qua từng trang sách

.

Hơn một năm trước, ông Nguyễn Thùy, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hòa Nhơn 2 nói rằng, thư viện (TV) nhà trường có trên 10.000 đầu sách nhưng không cuốn nào nói về đề tài biển đảo.

Mô hình Nhà giàn Việt Nam của Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng. (Ảnh do Thư viện cung cấp)
Mô hình Nhà giàn Việt Nam của Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng. (Ảnh do Thư viện cung cấp)

Nay, một niềm vui nhẹ dâng đến với ông và với nhiều TV trường học trên địa bàn thành phố khi có thông tin sẽ có thêm những đầu sách nội dung này.

Ngóng sách

Ngày 18-7-2014, HĐND TP. Đà Nẵng ra Thông báo số 59/TB-HĐND về việc đưa Hoàng Sa vào nội dung dạy học tại các trường trung học trên địa bàn thành phố. Tiếp sau đó, Công văn số 6882/UBND-VX của UBND thành phố ban hành ngày 5-8-2014 yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai việc này trước ngày 5-9-2014. Tuy nhiên đến thời điểm này, khi năm học 2014 - 2015 gần kết thúc, 2 cuốn Giáo khoa Lịch sử Đà Nẵng, trong đó có nội dung về Hoàng Sa vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện.

Ông Phan Văn Tánh, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám cho biết, có nhiều khả năng nội dung dạy về Hoàng Sa trong tiết học Lịch sử địa phương phải dời sang năm học 2015 - 2016, vì hiện nay học sinh (HS) khối lớp 12 đã bước vào giai đoạn nước rút, tập trung ôn thi tốt nghiệp, thi đại học nên việc đưa vào giảng dạy sẽ không đạt hiệu quả như mong muốn. Tuy nhiên, việc dời lại năm học sau sẽ giúp thầy cô có thêm thời gian tiếp cận kiến thức.

Nhiều giáo viên, HS cho biết họ rất háo hức chờ đợi sự ra đời của tập sách này. Cách đây 7 năm, Bộ GD&ĐT từng ban hành Công văn số 5977/BGDĐT-DGTrH ngày 7-7-2008 hướng dẫn thực hiện nội dung giáo dục địa phương ở cấp THCS và THPT, trong đó yêu cầu các đơn vị trực thuộc tiến hành việc biên soạn tài liệu giáo dục địa phương đối với nhiều môn học. Theo đó, thời lượng dành cho việc giảng dạy nội dung giáo dục địa phương ở môn lịch sử khối lớp 6, 8, 10, 11 là 1 tiết, khối lớp 7 dạy 3 tiết, khối lớp 9 và 12 dạy 2 tiết/năm học.

Cô  Phan Thị Hải, giáo viên môn Lịch sử tại Trường THCS Phan Đình Phùng cho biết: “Thời gian qua, để đáp ứng nội dung theo quy định của Bộ, ngoài việc tham khảo tài liệu lịch sử Đảng bộ địa phương, tôi tự tìm thêm nguồn sách, báo có nói về những trận đánh, những sự kiện lịch sử rồi tổng hợp viết thành bài giảng cho HS. Vì thế, việc  phát hành sách giáo khoa Lịch sử địa phương chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều cho thầy và trò nhà trường trong việc tiếp cận kiến thức một cách khoa học, có hệ thống, khái quát hơn về lịch sử hình thành và phát triển Đà Nẵng, lịch sử huyện đảo Hoàng Sa”.

Hiện nay, mỗi TV trường học có ít nhất từ 20 đến 30 đầu sách về biển, đảo nhưng số lượng trên vẫn quá ít so với nhu cầu thực tế của HS. Cô Trần Thị Phương Loan, cán bộ TV Trường THCS Đỗ Thúc Tịnh cho biết, 22 đầu sách về biển đảo tại TV hiện nay chỉ mới đáp ứng nhu cầu đọc tại chỗ của giáo viên và HS.

Cũng theo cô Loan, việc tìm kiếm nguồn sách về biển, đảo phù hợp với môi trường giáo dục hiện nay không còn khó khăn như trước bởi trong những năm trở lại đây, nhiều nhà xuất bản liên tục phát hành các tập sách hết sức giá trị, cung cấp bằng chứng xác thực, cụ thể về chủ quyền của nước ta đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa qua các giai đoạn lịch sử như NXB Giáo dục phát hành bộ sách Biển - đảo Việt Nam gồm các tựa sách như Kể chuyện biển đảo Việt Nam (4 tập), Những bằng chứng về chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Giáo dục về biển đảo Việt Nam (3 tập), Hoàng Sa - Trường Sa khát vọng hòa bình… Điều này sẽ giúp nhà trường có thêm sự lựa chọn trong quá trình tìm kiếm, bổ sung nguồn sách quý cho TV.

Bạn đọc tìm hiểu sách về chủ quyền biển, đảo tại Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng. Ảnh: T.Y
Bạn đọc tìm hiểu sách về chủ quyền biển, đảo tại Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng. Ảnh: T.Y

Hướng về biển, đảo

Để góp phần nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí chiến lược cũng như các giá trị to lớn của biển đảo Việt Nam, đồng thời khơi gợi lòng tự hào, tình yêu quê hương đất nước, TV Khoa học tổng hợp TP. Đà Nẵng đã tổ chức biên soạn thư mục chuyên đề “Sách với biển đảo” gồm 164 đầu sách nhằm phục vụ công tác tìm kiếm của bạn đọc được tốt hơn.

Ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc TV cho biết thư mục Sách với biển đảo tập hợp những tài liệu nói về biển đảo Việt Nam, trong đó có phần thông tin tóm lược nội dung từng tài liệu giúp bạn đọc dễ dàng tiếp cận, khai thác. Hằng năm, TV còn dành từ 5 đến 10% nguồn kinh phí để mua bổ sung nguồn sách về biển, đảo. Có thể nói, mỗi cuốn sách là một cẩm nang cần thiết giúp công dân Việt Nam có cái nhìn tổng quan về biển, từng bước nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí biển, đảo trong tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhận thấy tầm quan trọng trong việc giới thiệu, quảng bá những cuốn sách có nội dung tuyên truyền về biển, đảo, tháng 8-2014, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp cùng tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Liên hoan cán bộ TV tuyên truyền giới thiệu sách về biển đảo Việt Nam lần thứ nhất. Hàng trăm đầu sách về biển, đảo được trưng bày tại Liên hoan nhằm giới thiệu đến báo giới và bạn đọc trong cả nước. Mô hình sách “Nhà giàn Việt Nam” đã được Ban tổ chức trao giải nhất cho TV Khoa học tổng hợp Đà Nẵng tại liên hoan này.

Mô hình nổi bật với  phần “nhà” được xếp theo hình bát giác với hình thức xếp xen kẽ các tầng sách quay về bốn phương, thể hiện “lính nhà giàn” luôn dõi mắt theo 4 phương, 8 hướng nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Mô hình sách “Nhà giàn Việt Nam” sẽ được TV Khoa học tổng hợp Đà Nẵng tái hiện tại Ngày Sách Việt Nam 2015 diễn ra ở Công viên 29-3 trong hai ngày 18 và 19-4 tới đây nhằm giới thiệu đến bạn đọc Quảng Nam, Đà Nẵng.

Mỗi cuốn sách về biển, đảo được xuất bản trong thời gian qua đã nói lên tấm lòng của triệu triệu người Việt Nam hướng về vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc. Khi đọc những cuốn sách ấy, lời dạy của vị vua Trần Nhân Tông như văng vẳng đâu đây: “Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được lọt vào tay kẻ khác. Ta để lời nhắn nhủ đó như một lời di chúc của muôn đời con cháu”.

Sách giáo khoa Lịch sử Đà Nẵng do Ban Tuyên giáo Đà Nẵng phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo Đà Nẵng biên soạn có nội dung tổng quan về thành phố Đà Nẵng; Đà Nẵng từ thế kỷ XIV đến XIX; Đà Nẵng trong cuộc vận động giải phóng dân tộc và thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1919 - 1954); Đà Nẵng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975); thời kỳ xây dựng đất nước sau 1975 và Đà Nẵng từ 1997 đến nay.

Nội dung về Huyện đảo Hoàng Sa được miêu tả từ khi còn là vùng lãnh thổ cực Đông của Đại Việt đến triều Nguyễn (1802 - 1884), giai đoạn từ năm 1919 đến 1954 và từ 1954 đến nay. Trong mỗi cuốn sách có 50% số trang dành cho các bài học của học sinh, phần còn lại dành để hướng dẫn phương pháp dạy học, cách thức tổ chức dạy học của giáo viên.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.