.

Những cặp đôi "tát cạn biển Đông"

.

Trời đêm trở lạnh, có khi đến 16 độ. Một phụ nữ dừng xe máy trên cầu Rồng, bế đứa bé khoảng 6 tuổi xuống, nhờ một “phó nháy” bấm cho mấy kiểu. Đứa bé nghiêng mình làm dáng, đưa hai ngón tay lên theo hình chữ V và giữ mãi nụ cười cho đến khi ánh đèn flash nháy lên từ máy ảnh.

Gần 14 năm qua, nhiều cặp đôi làm nghề chụp ảnh vẫn gắn bó với cầu Sông Hàn. Ảnh: V.T.L
Gần 14 năm qua, nhiều cặp đôi làm nghề chụp ảnh vẫn gắn bó với cầu Sông Hàn. Ảnh: V.T.L

Tôn chồng làm “sư phụ”

Thới đang làm công nhân cho một doanh nghiệp tư nhân thì chồng chị, anh Hải, “rủ rê”: Hay là em nghỉ, về đi chụp ảnh với anh, để còn có thời gian chăm sóc con cái. Với nghề ảnh, Hải là tay ngang, theo học anh em rồi dần dần “lên tay”. Nghề chụp ảnh dù sao cũng nhẹ nhàng, không phải bị gò bó về thời gian như làm công nhân. Nghĩ thế, chị quyết định tôn chồng làm “sư phụ”.

Ngày khánh thành cầu Sông Hàn gần 14 năm trước, vợ chồng Thới tham gia “đội ngũ” các tay máy chụp ảnh dạo trên cây cầu đầu tiên sau năm 1975 bắc qua sông Hàn này. Có thể nói đó là thời hoàng kim của nghề phó nháy trên các cây cầu ở Đà Nẵng. Bởi, như chị phân tích, cầu Sông Hàn dáng đẹp, biết quay, rút ngắn hai bờ đông – tây dòng sông… nườm nượp khách trong và ngoài nước đổ về chụp ảnh lưu niệm. Ngày đó vợ chồng chị còn xài máy chụp phim, tuy vất vả chuyện chạy đi cắt phim tráng ảnh để kịp giao cho khách nhưng bù lại, thu nhập cũng đủ để trang trải cuộc sống.

Năm 2009, khi khánh thành cầu Thuận Phước thì vợ chồng chị “lên” máy kỹ thuật số và cùng “chuyển công tác” đến cây cầu treo dây võng dài nhất Việt Nam này. Cái nét mới lạ của cầu cộng với sự hùng vĩ của núi non, sông biển nơi tiếp giáp với bán đảo Sơn Trà này đã hút khách mạnh và là nguồn “tài nguyên” để những tay máy nơi này vô tư “khai thác”. Mới đây, khi cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý được khánh thành trong cùng một ngày thì vợ chồng Thới quyết định “ra riêng”, vợ đến cầu Rồng và chồng đến cầu Trần Thị Lý.

Cầu Rồng vừa hấp dẫn cái phun lửa, phun nước, lại vừa gần các khách sạn nên đông khách hơn so với cầu Trần Thị Lý. Tầm 7 giờ tối Thới đã có mặt cùng với gần 20 tay máy khác, “tác nghiệp” cho đến 11 giờ, khi cầu Rồng tắt điện “đi ngủ”. Chị đã quyết định đúng khi tôn chồng làm “sư phụ”, có điều cái nghề phó nháy, đối với phụ nữ, cũng phải trả một giá nhất định: “Ban đêm, nhất là những ngày lễ, Tết, trong khi con người ta được tung tăng chơi đùa thì con mình lại phải ru rú ở nhà với ông bà, nghĩ cũng xót lắm, nhưng vì công việc làm ăn đành chịu vậy”.

Không thể bỏ nghề

Có mặt trên cầu Sông Hàn từ ngày khánh thành và “bám trụ” mãi đến giờ còn có vợ chồng anh Tùng, chị Nga. Khác với cặp Hải - Thới, cặp này thì chồng gọi vợ là “sư phụ”.

Cha chị Nga công tác ngành văn hóa-thông tin, mở hiệu ảnh Photo Toàn trên đường Lý Thái Tổ thời còn ảnh đen trắng. Chị theo cha học nghề, làm trợ lý cho ông từ việc rửa phim, tráng ảnh trong buồng tối cho đến việc làm “phó nháy”. Thế nhưng, cha chị lại không khuyến khích, ông bảo phụ nữ làm nghề này cực lắm. Lúc chị mới quen anh Tùng và bày anh nghề ảnh, vẫn chưa biết “cực” là gì; mãi đến khi sinh con, hơn 20 năm trước, mới thấy cha mình “nhìn xa trông rộng”. Vừa nuôi con, vừa phải mưu sinh, nếu vợ chồng không cùng nhau sẻ chia công việc thì thực tế cuộc sống có lẽ đã không ánh lên nét lãng mạn như những tấm hình họ chụp được.

Cầu Rồng có đến 5 cặp đôi phó nháy “tác nghiệp”. TRONG ẢNH: Du khách đến từ Đà Lạt chờ lấy ảnh vào chiều muộn hôm thứ bảy 28-12 vừa rồi (ảnh trái), và “Sông quê”, một trong những tác phẩm ưng ý gần đây của ông Chung.Ảnh: V.T.L
Cầu Rồng có đến 5 cặp đôi phó nháy “tác nghiệp”. TRONG ẢNH: Du khách đến từ Đà Lạt chờ lấy ảnh vào chiều muộn hôm thứ bảy 28-12 vừa rồi (ảnh trái), và “Sông quê”, một trong những tác phẩm ưng ý gần đây của ông Chung.Ảnh: V.T.L

Tối tối, khách đi dạo qua đầu cầu Sông Hàn phía bên đường Bạch Đằng sẽ thấy một phụ nữ đeo chiếc máy ảnh Canon “đồ cổ” mời chụp hình. Đó là chị Nga, vừa mời khách vừa giữ nhiệm vụ in và giao ảnh. Công nghệ tiên tiến ra đời, các tay máy giờ không phải chạy đôn chạy đáo tới các lab kỹ thuật số nữa, mà in ngay tại chỗ bằng máy in ảnh mi-ni chỉ sau 1 phút như bảng quảng cáo đeo bên hông xe máy. Có điều, máy in ảnh mi-ni rất dễ hỏng hóc, chỉ cần ảnh in ra bị xước nhẹ một đường là coi như mất đứt 3 - 4 triệu đồng mua máy mới.

Có lần tôi nghe ông Quang, một tay máy tuổi thất tuần, kể về những cặp đôi phó nháy nhà ông. Vợ chồng người con lớn chụp ảnh ở cầu Sông Hàn, con gái và con rể thì hành nghề tận trên Bà Nà, vợ chồng người con út thì cùng ông “trụ” ở cầu Thuận Phước. Đêm xuống, khi những cây cầu rực rỡ ánh đèn thì những phó nháy làm một công đôi việc, vừa mưu sinh, vừa tranh thủ quảng bá hình ảnh của Đà Nẵng đến với du khách.

Mưu sinh bằng nghề phó nháy giờ cũng khó. Khi mà việc sắm một máy ảnh du lịch dễ như mua rau thì du khách “lơ đẹp” những lời mời chào chụp ảnh. Nhiều hôm, chị Nga bảo, gần nửa đêm trắng tay ra về nhưng hai vợ chồng vẫn vui, bởi chụp ảnh dạo cũng như đi câu, lúc được lúc không. Những hôm mưa nhẹ, gió lạnh, dù biết khó có khách chị cũng giục chồng chở mình qua cầu. Nhớ cái không gian quen thuộc, nhớ dòng người ngược xuôi... yêu nghề mấy chục năm rồi, giờ không thể bỏ được – chị chia sẻ.

Nghệ thuật hay cơm áo

Trong khi hầu hết các phó nháy hành nghề trên các cây cầu thì vợ chồng ông Trần Văn Chung lại chọn nơi cao hơn: ngọn Thủy Sơn trong khu danh thắng Ngũ Hành Sơn.

16 tuổi, ông học nghề ở hiệu ảnh King gần chợ Thanh Khê. Rửa phim, tráng ảnh, chấm ảnh... tất cả hoàn toàn thủ công, buộc con người phải động não rất nhiều. Những gì chưa rõ, ông thức đêm mày mò làm cho bằng được mới chịu đi ngủ. Đam mê nghề ảnh, chẳng mấy chốc ông trở thành thợ chính, quán xuyến hết mọi công việc của hiệu ảnh. Sau, ông về làm riêng tại nhà trên đường Nguyễn Trường Tộ.

Sau ngày thống nhất đất nước, ông trúng tuyển vào ngành Văn hóa – Thông tin tỉnh QN-ĐN (cũ),  được phân công về Công ty Nhiếp ảnh QN-ĐN, đứng điểm ở Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn. Vợ ông, bà Ông Thị Xử, bộ đội chuyển ngành về công ty. Cưới nhau xong, ông dạy bà cách chụp ảnh. Ngày đi chụp dạo, tối về rửa ảnh. Lúc đó chưa có lab ảnh màu, chụp được bao nhiêu gom lại chuyển một lần vô Sài Gòn làm ảnh với giá đắt khủng khiếp. Thấy thế, ông bỏ thời gian đi học cách làm ảnh màu. Vợ ông ngày đi chụp ảnh, tối về vừa giữ con vừa giúp ông sấy ảnh, cái chính là động viên ông tìm ra “bí quyết” của công nghệ ảnh màu.

Vợ chồng ông đồng sàng nhưng không… dị mộng. Đêm đêm, ông góp ý cho bà từng bức ảnh về bố cục, chủ đề chính đưa vào chỗ nào cho mạnh...  Bà thì khuyên ông chụp ảnh đừng nặng tính nghệ thuật quá mà bị người ta chê. Ví như chụp ngược sáng, có người không hiểu gì cả cứ la toáng lên là ảnh bị hư và chê thợ… quá dỏm! Chụp ảnh dạo không có chỗ cho nghệ thuật, chỉ đơn giản là “tóc đen, mặt trắng, lấy tiền”. Nghệ thuật hay cơm áo? Đó là nỗi ray rứt của ông sau hơn 40 năm cầm máy.

Tôi gặp ông lần đầu khi ông là thành viên ban giám khảo cuộc thi ảnh do Ban quản lý Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn tổ chức năm rồi. Ông kể, có lần gặp mấy cô gái chuẩn bị đi dự lễ hội Quán Thế Âm, ông đề nghị và được họ đồng ý làm một chuyến ngao du trên sông nước. Đợt đó, bức ảnh Sông quê chính ông bấm máy đã ít nhiều làm ông nguôi ngoai nỗi ray rứt, dù con đường tìm đến với ảnh nghệ thuật còn ở phía trước. Ông treo tấm ảnh này ở hiệu ảnh của mình, 360 Hoàng Diệu, để nụ cười của hai cô gái giữa mênh mông sông nước Ngũ Hành Sơn luôn nhắc ông điều ông đang tìm kiếm.

Hai người con ông đều thành công khi nối nghiệp nhà. Vợ ông và đôi lúc là ông vẫn ngày ngày leo hàng trăm bậc đá ngọn Thủy Sơn, ông nói “để vui với nghề” nhưng tôi đùa là “để tát cạn biển Đông”. Mà thực vậy, những cặp đôi làm nghề chụp ảnh đồng thuận, sẻ chia từ chuyên môn cho đến kỹ năng sống như vợ chồng ông sẽ làm được điều mà mình mơ ước. Chính sự “thuận vợ, thuận chồng” đã giúp ông vượt lên nợ cơm áo, để đằng sau ống kính của ông không phải những kiểu ảnh “trắng mặt, lấy tiền” mà là những tác phẩm thực thụ…

Phóng sự của VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.