.

Thời trang là văn hóa

.

Đã đến lúc xã hội cần quan tâm đến thời trang sạch để không làm mai một cái hồn tinh túy của dân tộc trong văn hóa mặc xưa nay.

Duyên dáng áo dài ở Hội làng Hòa Mỹ. Ảnh: N.H
Duyên dáng áo dài ở Hội làng Hòa Mỹ. Ảnh: N.H

Đầu tháng 11 vừa qua, nhà thiết kế thời trang Công Trí làm nao lòng giới mộ điệu khi giới thiệu bộ sưu tập “Cảm ơn Sài Gòn” trên nền chiếc áo dài truyền thống. Một chương trình thời trang không chỉ quẩn quanh với vải vóc, kiểu dáng mà còn là một câu chuyện đậm sắc màu văn hóa Việt. Không chỉ người trong nghề mà những kẻ “ngoại đạo” cũng đã thực sự khâm phục tài năng của nhà thiết kế khi anh đưa hơi thở của một Sài Gòn đương đại vào đôi tà áo dài mỏng manh mang đậm dấu ấn của tâm hồn phụ nữ Việt.

Dư luận đã từng bàn tán xôn xao về bộ ảnh “Nét đẹp xuân thì” của hoa hậu Mai Phương Thúy. Trong bộ áo dài trắng gần như trong suốt, người đẹp đã tạo hình thật gợi cảm khoe vẻ đẹp mơn mởn xuân xanh. Cuộc tranh luận giữa gợi cảm và phản cảm của bộ ảnh đã từng làm ảnh hưởng ít nhiều về hình ảnh của hoa hậu Mai Phương Thúy trong công chúng. Thế mới biết sự dung tục và thanh cao chỉ cách nhau một đường tơ, kẽ tóc!

Thời gian gần đây, những cụm từ như thời trang gây sốc, thời trang khoe thân, thời trang xuyên thấu… trở nên quá quen thuộc với những người quan tâm đến vấn đề ăn mặc của bản thân và xã hội. Trên mặt báo, mạng xã hội nhan nhản những hình ảnh, tin tức cập nhật về cách ăn mặc không giống ai của nghệ sĩ, người đẹp Việt. Những cái tên như người mẫu trẻ Hồng Quế, diễn viên Phương Trinh, ca sĩ Hoàng Thùy Linh… được nhắc đến không phải vì tài năng mà vì cách ăn mặc đầy nổi loạn. Nếu như Hồng Quế dẫn đầu trào lưu xuyên thấu và quên mặc nội y trong giới diễn viên, người mẫu thì Phương Trinh và Hoàng Thùy Linh cũng làm nên tai tiếng với sự kiệm vải đến mức tối đa…

Từ lâu, mọi người đã mặc định rằng thời trang luôn gắn liền với nghệ sĩ. Tuy nhiên không phải nghệ sĩ nào cũng có biểu hiện tốt gu thời trang. Viện mẫu Fadin thường có hoạt động thường niên về việc bình chọn nghệ sĩ ăn mặc phản cảm và nghệ sĩ ăn mặc đẹp nhất trong năm và công bố vào cuối tháng 12. Khi bàn về vấn nạn ăn mặc phản cảm của nghệ sĩ, nhà thiết kế gạo cội Minh Hạnh đã bày tỏ quan điểm: “Việc ăn mặc cũng thể hiện tâm hồn, học vấn văn hóa của người nghệ sĩ. Trong mỗi cách ăn mặc, xuất hiện, người nghệ sĩ đã thể hiện với công chúng phông văn hóa và tâm hồn mình”.

Vậy nghệ sĩ ăn mặc phản cảm không chỉ cho thấy về lỗ hổng văn hóa mà còn đồng nghĩa với việc không tôn trọng công chúng và xã hội của bản thân họ nữa.

Xã hội chúng ta đang bỏ lại sau lưng cái thời gian khổ, chỉ dám bằng lòng với “ăn no mặc ấm” và đang hướng đến tiêu chí “ăn ngon, mặc đẹp”. Tuy nhiên, mặc thế nào là đẹp, là có văn hóa lại là một vấn đề luôn gây tranh cãi. Trang phục từ trước đến nay đối với mỗi người không chỉ là tiện ích mà còn biểu hiện của quan điểm thẩm mỹ của người mặc. Người xưa có câu: “Quen sợ dạ, lạ sợ áo quần”. Cái sợ ở đây được hiểu là sự kính nể của người đối diện trước lối ăn mặc tươm tất, kín đáo, lịch sự phù hợp với hoàn cảnh…

Vậy mà cái sự mặc ngày nay cũng lắm chuyện nhiễu nhương. Một người bạn tôi vốn là chủ tiệm may nổi tiếng trên đường Ông Ích Khiêm, thành phố Đà Nẵng, đã từng thở dài ngao ngán khi cắt may áo quần cho giới trẻ. Mọi nguyên tắc trong may mặc bị phá bỏ bởi thị hiếu thẩm mỹ có vấn đề của các cô cậu choai choai đang cắp sách đến trường. Áo hở rốn cả hai mươi phân, quần trễ cạp… thậm chí chỉ còn mười phân. Quần ren mỏng tang bó sát chỉ được lót phần cần lót. Mặc vào cứ như là không mặc… “Thời trang kiểu này dễ may, dễ lấy tiền… nhưng thấy lòng bức bối lắm” - người thợ may ngao ngán.

Làm sao không bức bối cho được khi làn sóng thời trang khoe thân, phản cảm không chỉ rộ lên trong giới nghệ sĩ mà đang xâm chiếm học đường và xã hội. Nhiều bậc phụ huynh và thầy cô giáo đau đầu vì con em mình đang phớt lờ lời dạy dỗ của cha mẹ và sự ngăn cấm của nhà trường để lao vào cách ăn mặc tầm thường, dung tục. Những chiếc áo dài trắng tinh khôi ngày nào giờ đây đang ngày một mỏng dần và lấp ló nội y đủ màu sắc. Nhiều giáo viên ở các trường THPT trong thành phố cho biết: Sau giờ học ở trường, nhiều học sinh nữ mang theo áo quần thường ngày để thay trước khi vào lớp học thêm. Và, thoắt một cái, bộ áo dài trắng bị nhét vào cặp sách, thay vào đó là quần soóc, áo thun cũn cỡn trên đôi giày cao gót nghễu nghệu lướt qua cổng trường…

Nhiều người đổ lỗi cho những người nổi tiếng đã cổ xúy cho lối ăn mặc phản cảm này. Có người lại cho rằng do gia đình và xã hội không dạy cho giới trẻ kiến thức cần thiết. Thời gian gần đây, dư luận cũng rất hoan nghênh động thái xử phạt cách ăn mặc phản cảm của giới nghệ sĩ khi biểu diễn của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch. Nhưng còn trong đời thường thì sao?

Tựu trung, đã đến lúc xã hội cần quan tâm đến thời trang sạch để không làm mai một cái hồn tinh túy của dân tộc trong văn hóa mặc xưa nay. Nói đến điều này, tự dưng lại nhớ đến quyết định của nữ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye khi bà táo bạo thông qua một sắc lệnh của chính phủ, theo đó những người được cho là mặc váy quá ngắn nơi công cộng sẽ bị phạt 50.000 won (khoảng 45 USD)… Và không phải ngẫu nhiên mà những tràng pháo tay vang lên sau đêm diễn thời trang áo dài “Cảm ơn Sài Gòn” của nhà thiết kế Công Trí chấm dứt. Cũng sau đêm ấy, các nhà thiết kế, nghệ sĩ hàng đầu đều cùng nhau nhất trí rằng: Thời trang chính là văn hóa…

NHƯ HẠNH

;
.
.
.
.
.