Cột cờ giới tuyến

* Ở phía bắc cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải có một cột cờ khá to, dưới chân kỳ đài có ghi 4 chữ “Cột cờ giới tuyến”. Xin cho hỏi, cột cờ này đã được xây dựng như thế nào và để lại dấu ấn lịch sử gì? (Trần Hoàng, Hải Châu, Đà Nẵng).

- Sau thất bại trên chiến trường, người Pháp và đồng minh buộc phải ký Hiệp định Genève về Đông Dương vào tháng 7-1954. Theo đó, nước Việt Nam tạm thời chia cắt thành hai miền qua vĩ tuyến 17, nơi có dòng sông Bến Hải làm giới tuyến quân sự tạm thời.

Ngày nay, mỗi khi du khách gần xa đến với mảnh đất Quảng Trị, không thể bỏ qua cụm di tích đôi bờ Hiền Lương - sông Bến Hải - vĩ tuyến 17. Trong kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975), vĩ tuyến 17 chính là nơi đánh dấu sự chia cắt đất nước thành 2 bên: Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Việt Nam cộng hòa.
Ở phía bắc cầu Hiền Lương có một ngọn cờ nhân dân ta dựng từ ngày 10-8-1954, ban đầu bằng cây phi lao cao 12m, với lá cờ rộng 15,36m2. Ở bờ Nam, quân Pháp cũng tức tốc cắm cờ của mình lên nóc lô cốt Xuân Hòa, cao 15m. Không để cờ ta thấp thua cờ địch, các chiến sĩ nơi đầu cầu phía bắc lại lặn lội lên rừng tìm được cây gỗ cao 18m về làm cột cờ, trên đỉnh cột treo lá cờ 24m2.

Từ đó, cuộc chiến “chọi cờ” diễn ra nhiều năm liền. Đỉnh điểm là năm 1962, Chính phủ điều Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam gia công một cột cờ rồi chuyển vào dựng ở Hiền Lương. Cột cờ mới này cao 38,6m, kéo lên lá cờ rộng 134m2, nặng 15kg. Cách đỉnh cột cờ 10m có một ca-bin để chiến sĩ ta đứng thu và treo cờ.

Quyết hạ cột cờ cao nhất giới tuyến đó cho bằng được, ngày 17-9-1965, Mỹ cử một đội máy bay đánh bom bắn phá khu vực cầu Hiền Lương. Mặc cho mưa bom bão đạn, cột cờ vẫn hiên ngang đứng vững.
Gần 2 năm sau, ngày 2-8-1967, Mỹ tiếp tục tập trung nhiều tốp máy bay thay nhau ném bom, làm cho cầu Hiền Lương bị sập và cột cờ giới tuyến bị gãy. Ngay đêm đó, chiến sĩ ta dùng một cột điện nối thêm cây gỗ làm cột cờ mới và dựng lên. Đồng thời, các chiến sĩ đặc công thủy Đoàn 126A và dân quân vùng Bắc giới tuyến đã dùng bộc phá đánh sập cột cờ bờ Nam, đặt dấu chấm hết cho lá cờ của chế độ Sài Gòn trên bầu trời giới tuyến.

Theo tài liệu lưu tại Nhà trưng bày “Vĩ tuyến 17 và Khát vọng thống nhất” ở phía bắc cầu Hiền Lương, chỉ tính riêng từ tháng 5-1956 đến tháng 10-1967, đã có 267 lá cờ đỏ sao vàng được treo trên kỳ đài Hiền Lương. Để bảo vệ toàn vẹn lá cờ Tổ Quốc ở đầu cầu giới tuyến, quân và dân ta đã đổ không biết bao mồ hôi công sức và xương máu.

Với rắp tâm muốn hủy diệt lá cờ nơi phía bắc giới tuyến, địch đã đổ xuống Bến Hải hàng ngàn tấn bom đạn các loại trong hơn 1.000 ngày đêm. Người ta ước lượng số bom đạn này có sức công phá lớn hơn hai quả bom nguyên tử mà Mỹ từng ném xuống Hiroshima và Nagashaki ở Nhật Bản.


 

;
;
.
.
.
.
.