* Báo Đà Nẵng cuối tuần số ra ngày 10-7-2016 vừa rồi có nói về hàng không giá rẻ. Xin cho hỏi, nếu bán giá vé máy bay rẻ như thế thì các hãng hàng không có bị lỗ không? (Trương Ngọc Quang, Hải Châu, Đà Nẵng).
- Vận tải giá thấp hay hàng không giá rẻ (trong tiếng Anh gọi là một hãng chuyên chở/hãng hàng không no-frills hay discount) là hình thức vận tải hàng không có mức giá vé nhìn chung thấp để đổi lại việc xóa bỏ các dịch vụ khách hàng truyền thống. Thông qua phương tiện truyền thông, thuật ngữ này đã trở thành từ để định nghĩa bất cứ hãng chuyên chở nào có giá vé thấp và các dịch vụ hạn chế bất kể chi phí vận hành như thế nào.
Vé máy bay được bán với giá rẻ là để “lấp đầy” số ghế trên chuyến bay. Thực tế có rất ít chuyến bay được lấp đầy chỗ, trừ những dịp lễ, Tết. Ở Việt Nam, tính đến tháng 10-2015, hệ số sử dụng ghế trung bình của các hãng bay chỉ đạt 83% - 88%, nghĩa là luôn có khoảng 5% - 15% số ghế trống trong các chuyến bay. Để việc khai thác đường bay có hiệu quả, các hãng hàng không luôn có một lượng vé giá rẻ nhất định trên mỗi chuyến bay, cơ cấu giá vé rẻ tùy thuộc vào lợi nhuận của từng hãng.
Trên chuyến bay thông thường có hơn 10 loại giá vé khác nhau, việc mua vé với mức độ rẻ nhiều hay ít tùy thuộc vào thời điểm hành khách đặt vé: Đặt vé trong thời gian khuyến mãi, đặt vé trước thời gian khởi hành trên 3 tháng sẽ có giá vé rẻ nhất (muốn bay với giá rẻ, hành khách phải “mai phục” trường kỳ trên mạng và được bay ngày/giờ nào với giá rẻ là do quyết định của hãng hàng không). Việc bán vé giá rẻ này sẽ bảo đảm khi máy bay cất cánh, số ghế trống gần như bằng 0.
Như đã nói ở trên, trên chuyến bay thông thường có hơn 10 loại giá vé khác nhau, vì thế tuy ngồi cùng một hàng ghế trên máy bay nhưng giá vé lại chênh lệch nhau. Điều này khiến cho một số hành khách trên chuyến bay cảm thấy không có sự công bằng khi người trả cao, người lại trả thấp cho một tấm vé với cùng dịch vụ giống nhau.
Bài viết “Lý do chênh lệch giá vé máy bay dù ngồi cùng hàng ghế” đăng trên VnExpress (thứ bảy, 29-11-2014) đưa ra một giả định. Rằng có một chiếc máy bay 100 chỗ chuẩn bị bay từ thành phố Hồ Chí Minh đi Hà Nội. Tổng chi phí phải trả cho toàn bộ chuyến bay là 80 triệu đồng. Nếu các hãng hàng không cùng quy định một mức giá vé cho chuyến bay, mỗi hành khách sẽ phải chi ít nhất 850.000 đồng thì hãng mới đạt doanh thu 85 triệu đồng và có lãi.
Tuy nhiên, không phải ai trong 100 hành khách này cũng sẵn sàng trả 850.000 đồng để bay. Ví dụ có 80 sinh viên muốn bay chuyến này nhưng chỉ có thể trả mức 650.000 đồng một vé. Trong khi đó, nếu 20 doanh nhân cũng muốn bay cùng chuyến và sẵn sàng trả tới 1,65 triệu đồng/vé (nếu hãng có niêm yết mức này).
Nếu bán với giá 650.000 đồng cho 80 sinh viên và 1,65 triệu đồng cho 20 doanh nhân thì máy bay kín chỗ và hãng thu về đủ 85 triệu đồng. Giá vé máy bay khác nhau là vì thế.
Tác giả bài báo nhận định: “Nói cách khác, bạn đang mua những chiếc vé khác nhau. Sinh viên thì bay vào những ngày không thích hợp để được giá rẻ và phải chốt lịch từ trước. Doanh nhân trả tiền để mua những chỗ cuối cùng sát giờ bay với mức cao. Dù khi nghe qua, bạn có thể thấy sinh viên dường như được hưởng lợi vì doanh nhân phải bù giá vé cho họ. Nhưng thực tế, doanh nhân lại đạt lợi ích cao hơn nếu lên được những chuyến bay vào phút cuối”.
Tuy bán vé giá rẻ, nhưng qua các báo cáo tài chính cho thấy những hãng hàng không giá rẻ này thường có biên độ lợi nhuận rất lớn, đôi khi hơn cả hãng hàng không truyền thống. Đây là một thị trường rất hấp dẫn và thu hút nhiều công ty, việc cạnh tranh giữa các hãng hàng không với nhau còn giúp giá vé lại càng rẻ hơn nữa cho khách hàng.
ĐNCT