.

Thành tựu phát triển kinh tế thành phố Đà Nẵng giai đoạn 1997-2009

.

Nền kinh tế thành phố có tốc độ tăng trưởng cao liên tục

Đối với thành phố Đà Nẵng, sau khi chia tách từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương ngày 1-1-1997, tăng trưởng kinh tế có tầm quan trọng hàng đầu, không chỉ do xuất phát điểm của Thành phố còn thấp so với các thành phố trực thuộc Trung ương khác, phải tăng trưởng nhanh để sớm trở thành một đô thị hiện đại của khu vực miền Trung - Tây Nguyên mà còn làm tiền đề để thực hiện nhiều mục tiêu kinh tế - xã hội như phát triển kết cấu hạ tầng đi trước một bước, tạo việc làm mới và giảm thất nghiệp, phát triển y tế, giáo dục, thực hiện các chính sách an sinh xã hội…

Về quy mô, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của thành phố năm 1997 theo giá so sánh là 2.589,8 tỷ đồng, đến năm 2009 đã tăng lên 9.236 tỷ đồng, tăng 3,5 lần, bình quân đạt 11,1%/năm (bình quân cả nước là 7,2%/năm). Do vậy, những thành tựu về tăng trưởng kinh tế của Đà Nẵng trong giai đoạn 1997-2009 là rất ấn tượng và đáng tự hào. 

 Biểu đồ 1: Tốc độ tăng trưởng kinh tế TP Đà Nẵng  

Tăng trưởng của nền kinh tế thành phố trong giai đoạn 1997 – 2009 thể hiện rõ nét qua việc tăng trưởng của cả ba nhóm ngành: Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp hầu như liên tục đạt 2 chữ số; quy mô giá trị sản xuất công nghiệp năm 2009 gấp 5,77 lần năm 1997, bình quân tăng 15,72%/năm. Tăng trưởng của ngành dịch vụ khá cao, đạt 10,3%/năm. Riêng các năm 2006-2009, tăng trưởng GDP của ngành dịch vụ rất cao, đạt 2 con số và cao hơn nhiều so với tăng trưởng GDP của thành phố. Giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản tăng bình quân 3,48%/năm.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực

Xét cơ cấu kinh tế theo 3 nhóm ngành thì tỷ trọng nông, lâm, thuỷ sản đã giảm đều đặn từ mức 9,7% năm 1997 xuống còn 3,5% năm 2009; tỷ trọng công nghiệp và xây dựng đóng vai trò quan trọng, tăng nhanh trong thời kỳ đầu nhưng đã chậm lại, đạt mức 46,2% năm 2009; tỷ trọng dịch vụ giảm xuống trong thời kỳ đầu nhưng đã tăng lên trở lại trong những năm gần đây, chiếm tỷ trọng cao nhất là 50,3% năm 2009. Các ngành dịch vụ chất lượng cao phát triển đa dạng hơn, đáp ứng cao nhu cầu của sản xuất và đời sống. Ngành du lịch đang từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Các ngành Bưu chính- Viễn thông, Vận tải - Kho bãi, Thương mại, Tài chính - Ngân hàng phát triển nhanh; các dịch vụ y tế, đào tạo, khoa học công nghệ, tư vấn pháp lý, … có bước phát triển khá.

Biểu đồ 2: Cơ cấu kinh tế TP Đà Nẵng phân theo nhóm ngành  

Cơ cấu thành phần kinh tế của thành phố có sự chuyển biến khá rõ nét, thể hiện sự tham gia ngày càng sâu rộng của khu vực ngoài nhà nước, đặc biệt là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Xét về cơ cấu đóng góp thì kinh tế ngoài nhà nước đóng góp nhiều nhất (55,62%), sau đến kinh tế nhà nước (44,05%), thấp nhất là kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (5,84%) trong năm 2008.

Chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần của thành phố thông qua việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đăng ký kinh doanh, tiếp cận đất đai; ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư; triển khai các chưong trình hỗ trợ doanh nghiệp, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh… đã huy động được các nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư, khuyến khích người dân và các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh.

Đến cuối năm 2009, thành phố có trên 11.800 doanh nghiệp dân doanh, tổng vốn đăng ký đạt 28,5 ngàn tỷ đồng và 164 dự án FDI, tổng vốn đầu tư 2,62 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện ước đạt 1,29 tỷ USD, chiếm 49,2% tổng vốn đầu tư với 96 dự án đã đi vào hoạt động, từ đó tạo nên những giá trị gia tăng mới cho nền kinh tế thành phố phát triển lâu dài và bền vững.

Việc chuyển đổi cơ cấu lao động là một bước tiến bộ trong phân bổ nguồn lực lao động xã hội nhằm chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Kết quả của việc chuyển dịch hoạt động nông nghiệp sang các ngành khác đã làm cho lao động trong nông nghiệp giảm xuống còn 9,63% trong tổng số lao động có việc làm trong năm 2008 so với mức 33% năm 1997, lao động trong nhóm ngành công nghiệp tăng từ 29,8% lên 33,52%, lao động trong nhóm ngành dịch vụ tăng từ 37,2% lên 57,01% năm 2008. Trong giai đoạn 1997-2008, số lao động có việc làm tăng thêm 102.427 người, tăng bình quân gần 2,6%/năm; tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 5,42% năm 1997 xuống còn 5% năm 2008.

Đầu tư phát triển xã hội tăng nhanh

Nếu năm 1997, tổng vốn đầu tư phát triển xã hội là 1.088,26 tỷ, thì đến năm 2009, tổng vốn đầu tư phát triển xã hội là 15.300 tỷ, gấp hơn 14 lần, bình quân tăng 24,64%/năm trong giai đoạn 1997-2009, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng GDP thực tế của thành phố trong cùng giai đoạn là 18,64%/năm; đồng thời tỷ lệ vốn đầu tư so với GDP cũng tăng mạnh qua các năm, từ mức 33,91% năm 1997 lên 61,29% năm 2009. Do vậy, vốn đầu tư xã hội đã trở thành yếu tố vật chất trực tiếp quyết định tăng trưởng của nền kinh tế trong nhiều năm. Điều này chứng tỏ tiềm lực kinh tế của thành phố đã tăng lên, đồng thời đây là động lực chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng và phát triển nền kinh tế thành phố.

Cơ cấu đầu tư cũng thể hiện sự chuyển dịch cơ cấu ngành theo hướng dịch vụ, công nghiệp và nông, lâm, thuỷ sản. Tính đến cuối năm 2008, vốn đầu tư cho ngành nông, lâm, thuỷ sản chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, khoảng 2%; vốn đầu tư cho ngành công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng đáng kể, đạt 36,08%; vốn đầu tư cho ngành dịch vụ tăng mạnh nhất và cũng chiếm tỷ trọng cao nhất là 61,91%. Đầu tư tập trung vào các dự án trọng điểm nhằm xây dựng kết cấu hạ tầng; bổ sung thiết bị và hiện đại hóa một số ngành công nghiệp; phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao; đào tạo nguồn nhân lực…

Biểu đồ 3: Cơ cấu đầu tư của TP Đà Nẵng phân theo nhóm ngành kinh tế  

Xét về cơ cấu nguồn vốn thì nguồn vốn ngân sách Nhà nước vẫn chiếm tỷ trọng đáng kể là 30,7% năm 2008, tăng bình quân 29,4%/năm; nguồn vốn dân cư và doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng bình quân 22,7%/năm, có tỷ trọng cao nhất là 44,8% năm 2008; nguồn vốn đầu tư nước ngoài tăng khá, bình quân là 20,4%/năm, chiếm tỷ trọng 24,4% năm 2008.

Phát triển cơ sở hạ tầng đi trước một bước

Trong giai đoạn đầu của tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, thành phố đã huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển. Chủ trương khai thác quỹ đất, tạo vốn để phát triển cơ sở hạ tầng và phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” được thực hiện có hiệu quả, tạo ra nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển

Trên cơ sở hệ thống kết cấu hạ tầng khá hoàn chỉnh gồm sân bay quốc tế Đà Nẵng, cảng biển nước sâu Tiên Sa, các tuyến đường quốc lộ 1A, 14 B, … thành phố đã tập trung phát triển đồng bộ nhiều công trình trọng điểm về kết cấu hạ tầng đô thị làm tăng tiềm lực và cơ sở vật chất kỹ thuật của nền kinh tế như đường Điện Biên Phủ, cầu Sông Hàn, đường ven biển Sơn Trà - Điện Ngọc, đường Nguyễn Tất Thành, cầu Thuận Phước, đường Nguyễn Văn Linh, … kết hợp với các công trình kiến trúc có quy mô lớn như Trung tâm Công nghệ phần mềm, Nhà hát Trưng Vương, Sân vận động Chi Lăng… và các công trình do Trung ương đầu tư như Hầm đường bộ Hải Vân, cầu Tuyên Sơn, nâng cấp cảng biển Tiên Sa, mở rộng nhà ga sân bay quốc tế Đà Nẵng… đã hình thành nên diện mạo “đô thị trẻ” theo hướng hiện đại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện điều kiện sống của người dân.

Tiêu dùng trên địa bàn thành phố gia tăng cả về quy mô và tốc độ, trở thành động lực của tăng trưởng kinh tế

Quy mô bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội năm 2009 là 21.520 tỷ đồng, gấp 10,76 lần năm 1997, tăng bình quân 19,12%/năm. Điều này không chỉ thể hiện qua kết quả tăng trưởng kinh tế cao, thu nhập và sức mua có khả năng thanh toán cao lên, tiêu dùng thông qua thị trường nhiều hơn, mà còn có tác dụng mời gọi các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, khi mà thành phố Đà Nẵng không chỉ có quy mô dân ngày càng tăng mà còn tiềm ẩn là một thị trường có dung lượng ngày càng lớn.

Ảnh: Ngọc Hợi 

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Tthành phố năm 2009 ước thực hiện là 580 triệu USD. Tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu so với GDP thực tế bằng khoảng 40%, chứng tỏ độ mở của nền kinh tế đạt khá cao, phù hợp với định hướng xuất khẩu của nền kinh tế. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng bình quân 11,64 %/năm. Thị trường xuất khẩu ngày càng mở rộng, cơ cấu mặt hàng ngày càng phong phú, đa dạng, tập trung vào các mặt hàng như điện - điện tử, dệt may, thuỷ sản, da giày…

Chất lượng phát triển kinh tế của thành phố Đà Nẵng ngày càng được nâng cao

+ Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 4,6 triệu đồng/người (420 USD/người) năm 1997 lên 28,1 triệu đồng/người (1.706 USD/người) năm 2009, tăng hơn 6 lần về quy mô và tăng bình quân 16,1%/năm.

+ Năng suất lao động xã hội của thành phố Đà Nẵng có xu hướng tăng nhanh, bình quân là 14,11%/năm, đạt khoảng 53,97 triệu đồng/người năm 2008.

+ Vấn đề việc làm được giải quyết theo chiều hướng ngày càng tốt hơn. Trong giai đoạn 1997-2009, đã giải quyết việc làm cho 305.459 người. Riêng số lao động được giải quyết việc làm trong 5 năm 2005-2008 (giai đoạn thực hiện Đề án “Có việc làm” của thành phố) tăng cao, bình quân trên 3 vạn lao động/năm.

+ Trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) từ năm 2005 đến nay, Đà Nẵng luôn nằm trong nhóm rất tốt, có năng lực cạnh tranh hàng đầu, đặc biệt hai năm 2008-2009 được xếp hạng nhất. Việc Đà Nẵng luôn đạt thứ hạng cao đối với từng chỉ số thành phần là nhờ môi trường kinh doanh liên tục được cải thiện; chính sách phát triển đối với khu vực kinh tế ngoài Nhà nước, đặc biệt là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài thông thoáng; thủ tục hành chính được cải cách và đơn giản hoá; kết cấu hạ tầng được đầu tư hiện đại và đồng bộ; chính sách đào tạo lao động được triển khai diện rộng, … đây là những yếu tố cơ bản tạo nên sức cạnh tranh cao cho nền kinh tế thành phố.

Bên cạnh những thành tựu to lớn đạt được, tăng trưởng và phát triển kinh tế của thành phố Đà Nẵng vẫn còn bộc lộ những tồn tại, bất cập, đó là: Mô hình tăng trưởng vẫn theo chiều rộng, chủ yếu dựa vào sự tăng vốn đầu tư, sử dụng lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên và gia công hàng xuất khẩu. Nền kinh tế thành phố vẫn còn chậm trong việc rút ngắn khoảng cách so với các thành phố phát triển trong khu vực Đông Nam Á. Trong nội bộ mỗi nhóm ngành kinh tế, sự chuyển dịch cơ cấu diễn ra chậm. Cơ cấu lao động vẫn còn bất hợp lý. Năng suất lao động xã hội còn thấp so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Nguồn nhân lực của thành phố chưa đáp ứng kịp với tốc độ tăng trưởng và nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao của các ngành kinh tế mới…

Võ Duy Khương

;
.
.
.
.
.