.
KỶ NIỆM 191 NĂM NGÀY SINH CÁC MÁC (5-5-1818 – 5-5-2009)

Các Mác - người sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học

.

.

Hoạt động cách mạng và khoa học của Các Mác (1818-1883) bắt đầu ở Đức vào những năm 40 của thế kỷ XIX. Đó là thời kỳ phát triển như vũ bão của chủ nghĩa tư bản, xã hội đã được thiết lập một cách vững chắc trong hàng loạt các nước châu Âu và Bắc Mỹ, thời kỳ phát triển của một giai cấp mới - giai cấp vô sản công nghiệp, thời kỳ mà giai cấp đó bước lên con đường đấu tranh cách mạng. Giai cấp tư sản đã thắng chế độ phong kiến, tin tưởng ở thắng lợi và tính vững vàng của những nguyên tắc về chế độ tư hữu mà nó thiết lập.

Vào thời kỳ này, dường như vương quốc của chủ nghĩa tư bản là vĩnh viễn, bất khả xâm phạm, nhưng vào năm 1848 - khi “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” ra đời - đó là sự tuyên án đối với chủ nghĩa tư bản, trong đó Mác và Ăngghen đã chứng minh rằng xã hội tư bản chủ nghĩa dựa trên tư hữu và bóc lột phải nhường chỗ cho một xã hội mới -  xã hội không có bóc lột và nô lệ, rằng nhân loại đang tiến tới cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Với sự ra đời của tác phẩm này, thời kỳ của chủ nghĩa xã hội không tưởng đã kết thúc, và thời đại của chủ nghĩa xã hội được bắt đầu.

Sự khác biệt về cơ bản giữa chủ nghĩa xã hội khoa học với chủ nghĩa xã hội không tưởng là ở chỗ nếu chủ nghĩa xã hội không tưởng dựa trên những ý tưởng tốt đẹp, những mong muốn sẽ có một xã hội tương lai tươi sáng nhưng không dựa trên cơ sở những quy luật vận động khách quan của lịch sử, và sự luận chứng thiếu cơ sở khoa học, thì chủ nghĩa xã hội khoa học dựa trên cơ sở của hiện thực thực tế, trên sự hiểu biết khoa học về quy luật phát triển của xã hội cũng như về bản chất của con người. (1)­
Quá trình sáng lập và phát triển của chủ nghĩa xã hội khoa học của Mác có thể chia làm 3 thời kỳ:
 
Thời kỳ thứ nhất từ năm 1844-1848, thời kỳ thứ hai từ cuộc cách mạng 1848-1851 đến Công xã Pari, thời kỳ thứ ba từ Công xã Pari cho đến cuối đời. Đó là quá trình chuyển từ chủ nghĩa dân chủ cách mạng sang chủ nghĩa xã hội, từ chủ nghĩa duy tâm sang chủ nghĩa duy vật biện chứng. Là sản phẩm của thời đại mình, Mác đã phát huy cao độ vai trò của nhân tố chủ quan trong những điều kiện khách quan có sự thay đổi so với thời kỳ của chủ nghĩa xã hội không tưởng trước đó.
 
Sự uyên bác về trí tuệ là chiếc cầu sớm hòa  nhập hoạt động của Mác vào dòng “tư duy của thời đại” ở thời điểm bước ngoặt của nền văn minh tư bản. Khác với các nhà xã hội không tưởng, Các Mác không chỉ là nhà lý luận, mà còn là lãnh tụ của phong trào cách mạng đang phát triển của giai cấp công nhân. Đứng trên lập trường của giai cấp bị áp bức, bóc lột nặng nề nhất trong xã hội tư bản, Mác đã phát hiện được lực lượng xã hội có thể và cần phải đóng vai trò chủ đạo trong công cuộc đổi mới cách mạng toàn bộ xã hội - về điểm này đã được Lênin khẳng định:
 
“Điểm chủ yếu trong học thuyết của Mác là ở chỗ nó làm sáng tỏ vai trò lịch sử thế giới của giai cấp vô sản là người xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa”(2). Trong những điều kiện như vậy, Mác đã sáng lập ra lý luận mà lý luận này là vũ khí tinh thần của giai cấp công nhân trong cuộc đấu tranh cách mạng với chủ nghĩa tư bản, với những điều kiện xã hội hạ thấp, làm hư hỏng con người, là phương tiện mạnh mẽ để con người cải biến hiện thực vì lợi ích của con người.

Như vậy, lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học là kết quả của sự nghiên cứu sâu sắc và sự khái quát hóa không chỉ khoa học, mà cả thực tiễn lịch sử xã hội, cả hoạt động cách mạng của quần chúng mà Các Mác đã tham gia trực tiếp và tích cực. Lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học là khoa học về những con đường và những phương tiện xóa bỏ chủ nghĩa tư bản, về những quy luật xây dựng xã hội mới – xã hội cộng sản chủ nghĩa, xây dựng những điều kiện kinh tế, xã hội và tinh thần cho sự phát triển toàn diện của con người; là khoa học về xã hội cộng sản chủ nghĩa với tính cách là kết cấu xã hội phức tạp; là khoa học về sự quản lý có ý thức, có mục đích những quá trình xã hội vì lợi ích của con người.

Đó cũng là những vấn đề mà chủ nghĩa xã hội không tưởng chưa thể thực hiện được. Cùng với những phát kiến lớn như: Quan niệm duy vật về lịch sử; học thuyết về giá trị thặng dư; và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Dưới góc độ của chủ nghĩa xã hội khoa học nổi bật lên những nội dung sau:

Chủ nghĩa xã hội thay thế chủ nghĩa tư bản thông qua cách mạng là tất yếu, kết luận này đã làm tiêu tan những ảo tưởng của các nhà xã hội không tưởng về khả năng chuyển hóa chủ nghĩa tư bản thành chủ nghĩa xã hội trên cơ sở đạt được “sự hài hòa” về lợi ích giữa các giai cấp bằng con đường cải lương. Quan niệm duy vật về lịch sử cho phép Mác rút ra kết luận rằng để tạo ra những điều kiện cho con người phát triển mạnh mẽ, trước hết cần phải lật đổ chế độ xã hội cũ – tức chủ nghĩa tư bản.

Trong điều kiện của chủ nghĩa tư bản, cùng với quá trình tích tụ và tập trung tư bản, cùng với cuộc chạy đua giành lợi nhuận, của quá trình hoàn thiện kỹ thuật, cải tiến công nghệ... bản thân chủ nghĩa tư bản đã tạo ra mâu thuẫn giữa tính chất xã hội của quá trình sản xuất và hình thức chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa.

Đó là mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất đã đẻ ra khủng hoảng và thất nghiệp, gây nên cuộc đấu tranh giai cấp không thể điều hòa được giữa tư sản và vô sản, và kết quả của cuộc đấu tranh này là cách mạng xã hội chủ nghĩa, là sự thay thế chủ nghĩa tư bản bằng chủ nghĩa xã hội. Cách mạng xã hội chủ nghĩa là phương tiện cần thiết và duy nhất để thay thế chủ nghĩa tư bản bằng chủ nghĩa xã  hội, đó là kết quả của sự tác động của những quy luật khách quan vốn có trong lòng của chủ nghĩa tư bản, những mâu thuẫn nội tại của nó.

Bản chất con người và khuynh hướng phát triển của nó, lật đổ chủ nghĩa tư bản là tạo ra tiền đề để xây dựng xã hội cộng sản, xây dựng xã hội cộng sản không phải là mục đích tự thân, mà là vì con người; ngay cả việc xây dựng xã hội cộng sản quy đến cùng cũng phụ thuộc vào bản thân con người, phụ thuộc vào tính hướng đích và tính tổ chức của con người.

Vì con người, nhưng đồng thời Mác lại bác bỏ sự tôn thờ con người trừu tượng, con người chung chung ngoài thời gian và không gian, bởi lẽ theo quan niệm của Mác con người luôn là con người cụ thể, luôn gắn với những chỉnh thể nhất định về mặt lịch sử - hình thái kinh tế-xã hội; gắn với một cộng đồng xã hội nhất định: giai cấp, dân tộc... Hoạt động sản xuất vật chất, sản xuất của xã hội, quan hệ kinh tế được hình thành trong quá trình sản xuất quy định con người là ai: nô lệ hay chủ nô, nông dân hay chúa phong kiến, công nhân hay tư bản...
 
Tất cả những điều đó tác động đến con người như là những nhân tố tạo nên các thuộc tính của họ. Như vậy, theo quan niệm của Mác, con người là sản phẩm của môi trường, nhưng không hòa tan cá nhân vào xã hội. Con người được hoàn cảnh tạo ra, nhưng chính nó cũng tạo ra hoàn cảnh xã hội, và cùng với xã hội nó cũng tạo ra chính mình bằng lao động của mình, và bằng tính tích cực chính trị của mình, đồng thời lực tác động của con người đến môi trường, đến xã hội, và có nghĩa là tự do của cá nhân cũng tăng lên theo tiến bộ của xã hội.

Vạch ra được bản chất xã hội của con người, Mác còn chỉ ra xu hướng cơ bản của sự phát triển của con người trong quá trình tiến bộ lịch sử. Đó là sự phong phú không ngừng của nhiều nét, nhiều biểu hiện khác nhau của cuộc sống, sự phát triển gắn liền với tiến bộ xã hội, với sự hoàn thiện các quan hệ xã hội, với tiến bộ của văn hóa vật chất và tinh thần. Việc đạt được sự phát triển tự do và sự thể hiện đầy đủ nhất tất cả những biểu hiện của đời sống con người – là khuynh hướng phát triển của lịch sử nhân loại – khuynh hướng ấy sẽ được thể hiện đầy đủ trong môi trường của xã hội mới – xã hội xã hội chủ nghĩa.

Trong điều kiện của chủ nghĩa xã hội, kết quả của công cuộc cải tạo cách mạng trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội sẽ dần dần làm cho đối kháng giai cấp, các giai – tầng xã hội sẽ từng bước xích lại gần nhau hơn trên cơ sở lợi ích chung và mọi quan hệ xã hội dần dần được điều tiết theo lợi ích của tất cả những người lao động. Đó là quá trình khách quan của sự hội nhập ngày càng cao hơn những lợi ích giai cấp chân chính, những bản sắc dân tộc phong phú, đa dạng, những giá trị nhân loại vĩnh hằng để tạo nên động lực của sự tiến hóa. Chỉ trên mảnh đất của sự hội  nhập đó, mỗi con người mới có đủ điều kiện thuận lợi để tìm cho mình con đường đạt tới sự phát triển toàn diện và không ngừng hoàn thiện.

Giải phóng người lao động là sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, sự phân tích khoa học của Mác về các quy luật phát triển xã hội đã chỉ ra rằng trong xã hội có giai cấp đối kháng, trên cơ sở của chế độ tư hữu, đã hình thành hai loại người thuộc hai cực xã hội: người bóc lột và người lao động bị bóc lột. Trong xã hội tư bản, sự phân cực ấy biểu hiện đặc biệt rõ nét: giai cấp tư sản quan hệ với người lao động như đối tượng để bòn rút lợi nhuận.

Tư bản cố biến người lao động thành cái đinh ốc không có quyền hành gì trong guồng máy kinh tế. Như vậy, để con người phát triển tự do và toàn diện đòi hỏi phải giải phóng con người, giải phóng lao động khỏi quan hệ sở hữu tư bản chủ nghĩa – đó là sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Giai cấp công nhân chính là lực lượng xã hội do chính chủ nghĩa tư bản sinh ra có sứ mệnh thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa và bằng việc đó giành lại con người, giải phóng nó khỏi áp bức và bóc lột.

Sở dĩ Mác kết luận như vậy là vì giai cấp công nhân là giai cấp cách mạng nhất, gắn liền với phương thức sản xuất tiến bộ - sản xuất lớn bằng máy móc, và chính trong điều kiện ấy đã làm cho giai cấp công nhân trở thành giai cấp có tổ chức nhất, có kỷ luật và giác ngộ nhất. Những người công nhân cùng lao động là những tập thể lớn, và vì vậy, khi tiến hành đấu tranh với giai cấp tư sản, họ hiểu rất nhanh sự cần thiết của tổ chức và kỷ luật. Họ tin tưởng rằng điều kiện lao động và cuộc sống của họ ở đâu cũng nặng nhọc, ở đâu họ cũng có cùng một kẻ bóc lột – nhà tư bản.

Từ đó, người công nhân nảy sinh và phát triển sự giác ngộ giai cấp, ý muốn thống nhất lại không chỉ trong phạm vi của ngành sản xuất, mà cả trong phạm vi dân tộc, quốc tế. Điều kiện lao động và đời sống của giai cấp công nhân đã làm cho họ có khả năng tiếp thu những tư tưởng cách mạng tiên tiến, nắm vững lý luận tiền phong; nhưng bản thân họ lại không có thời giờ, không có phương tiện, không đủ tri thức để sáng tạo ra lý luận. Do đó, phải có nhiệm vụ đưa vào phong trào công nhân ý thức xã hội chủ nghĩa, kết hợp chủ nghĩa xã hội với phong trào công nhân –chính đảng chính trị của giai cấp công nhân sẽ đảm đương nhiệm vụ này.

Sự thống nhất của phong trào và cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân không bó hẹp trong khuôn khổ các dân tộc, mà mang tính quốc tế. Bởi lẽ, bản chất của giai cấp công nhân là họ không có lợi gì trong việc gây ra sự thù địch giữa các dân tộc. Họ đem sự đoàn kết quốc tế, cuộc đấu tranh chung của các dân tộc chống lại xã hội có chế độ tư hữu và bóc lột để đối lập với giai cấp tư sản thống nhất trên quy mô thế giới. Chính điều đó đã đưa đến kết luận trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” – vô sản tất cả các nước đoàn kết lại.

Các quá trình xã hội được quản lý, theo Mác: Tất cả mọi lao động trực tiếp hay lao động chung nào tiến hành trên một quy mô tương đối lớn thì ít nhiều cũng đều cần đến một sự chỉ đạo để điều hòa những hoạt động cá nhân và thực hiện những chức năng chung phát sinh từ sự vận động của toàn bộ cơ thể sản xuất khác với sự vận động của những khí quan độc lập của nó. Một người độc tấu vĩ cầm tự mình điều khiển lấy mình, còn một dàn nhạc thì cần phải có nhạc trưởng.

Chủ nghĩa xã hội không thể tự nó thay thế cho chủ nghĩa tư bản mà không có đấu tranh; sự diệt vong của chủ nghĩa tư bản và việc xây dựng một chế độ xã hội mới công bằng và dân chủ không chỉ có sự tác động của những quy luật khách quan, mà còn là của hoạt động chủ quan của con người, là kết quả của sự cải biến xã hội có ý thức, có mục đích.

Việc Mác phát hiện ra những quy luật của sự phát triển xã hội đã cho ta chìa khóa để quản lý một cách khoa học các quá trình xã hội vì lợi ích của con người. Nhưng cũng cần nhấn mạnh – theo Mác – chỉ có thể quản lý một cách khoa học các quá trình xã hội sau thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa, sau khi thủ tiêu chế độ tư hữu, xã hội hóa nền sản xuất trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân. Chỉ có hoàn thành những cải cách xã hội chủ nghĩa mới xóa bỏ được tính tự phát và bảo đảm được sự phát triển theo kế hoạch nền sản xuất và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội.

Lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học, cũng như chủ nghĩa Mác nói chung, là khoa học đang phát triển, sáng tạo. Nghiên cứu hiện thực, tìm tòi một cách sâu sắc các quá trình diễn ra trong đời sống của xã hội tư bản cũng như của chủ nghĩa xã hội, phát triển và làm sáng tỏ những kết luận lý luận trên cơ sở thực tiễn cách mạng – đó là một trong những đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa xã hội khoa học. Điều này đã được Lênin và những người cộng sản sau này tiếp tục thực hiện.

PGS-TS NGUYỄN VĂN NAM

(1) Quá trình hoạt động lý luận, cách mạng và sự sáng lập ra chủ nghĩa xã hội khoa học của Mác gắn liền với tên tuổi của Ăngghen, tuy nhiên, trong khuôn khổ của bài viết nhân kỷ niệm 191 năm Ngày sinh của Các Mác, nên chỉ tập trung nhấn mạnh vai trò của Mác mà thôi!

(2) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb TB, M 1980, tập 23, trang 1.

;
.
.
.
.
.