Những cái nhất ở Đà Nẵng
Hòa Vang huyện chí
Hòa Vang huyện chí tuy chỉ là địa chí của một huyện nhưng đã góp phần đáng kể trong việc tra cứu, khảo sát các chi tiết nhằm tránh nhầm lẫn thông tin về tỉnh Quảng Nam nói chung, huyện Hòa Vang nói riêng, trong bộ sách Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán Triều Nguyễn biên soạn.
Hòn Hành từ chân đèo Hải Vân nhô ra biển, một trong những địa danh được mô tả trong Hòa Vang huyện chí. Ảnh: Internet |
Tác giả Hòa Vang huyện chí là tú tài Trần Nhật Tỉnh, người xã Quan Nam, tổng Hòa An thượng, nay thuộc xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, không rõ năm sinh năm mất. Theo sách này thì ông đỗ tú tài suốt 4 khoa liền: khoa Canh Tuất (Tự Đức năm thứ ba - 1850), khoa Nhâm Tý (Tự Đức năm thứ năm - 1852), khoa Ất Mão (Tự Đức năm thứ tám - 1855), khoa Mậu Ngọ (Tự Đức năm thứ mười một - 1858). Tuy không đỗ cử nhân để được bổ làm quan, nhưng khi Bộ Lễ (triều vua Tự Đức) dâng sớ xin vua cho phép biên soạn Đại Nam nhất thống chí thì ông vinh dự được góp phần vào bộ địa chí giá trị tầm cỡ quốc gia này.
Theo bài viết “Giới thiệu bản văn Hòa Vang huyện chí” của nhà nghiên cứu Nguyễn Sinh Duy, vua sức các tỉnh trong nước, bao gồm cả phủ, huyện, làm địa chí gửi về để Quốc sử quán tổng hợp, biên soạn bộ Đại Nam nhất thống chí. Tại tỉnh Quảng Nam, các nhà khoa bảng địa phương khởi thảo các “huyện chí” và trình lên để tỉnh tổng hợp thành “tỉnh chí” rồi gửi về Quốc sử quán. Sau khi biên soạn xong bộ sách, Quốc sử quán Triều Nguyễn dâng vua Tự Đức duyệt lãm. Nhà vua châu phê, yêu cầu xem xét lại kỹ lưỡng trước khi đưa đi khắc bản in, hầu tránh những “thố ngộ” (sai lầm) đáng tiếc như các bộ sử đã ấn hành lúc bấy giờ.
Trên tinh thần cẩn trọng học thuật đó, Bộ Lễ đã tư về các tỉnh, kèm theo bản thảo “tỉnh chí” của mỗi tỉnh, yêu cầu Học chính quan phòng tỉnh sở tại “trát sức các nhà khoa bảng địa phương tra cứu, khảo sát lại các chi tiết thừa, thiếu, sai lầm hoặc bổ sung, đặc biệt về địa giới hành chính phân hiệp qua các đời”. Với Quảng Nam, Học chính quan phòng tỉnh đã ban tờ trát lệnh, có đoạn: “Các Cử nhân, Tú tài cần kiểm xét tường tận, trong có khoản nào không đúng, lầm lẫn, lờ mờ, qua loa, không đầy đủ, thì trích ra để cải chính cốt cho được mười phần xác thật”.
Tú tài Trần Nhật Tỉnh là một trong những người được giao nhiệm vụ chỉnh sửa và bổ sung quyển thứ 13 trong bộ Đại Nam nhất thống chí. Sau thời gian “tra cứu, khảo sát” ngoài thực địa, ông khởi viết Hòa Vang huyện chí từ năm Tự Đức thứ hai mươi mốt (1868) và bổ sung dần cho đến năm Thành Thái thứ mười bảy (1905). Đến năm này, 1905, người cháu ngoại của ông là Đỗ Thúc Nguyên đã chép tay thành sách, như lạc khoản ghi ở tờ đầu Hòa Vang huyện chí: “Ngoại tôn La Giang Đỗ Thúc Nguyên bái sao”.
Theo phân tích của tác giả Nguyễn Sinh Duy thì hai họ Trần ở Quan Nam và Đỗ Thúc ở La Châu (tổng Phước Tường thượng, huyện Hòa Vang) là thông gia. Môn đăng hộ đối, gia đình Đỗ Thúc Tịnh - vị tiến sĩ duy nhất của huyện Hòa Vang ở La Châu - đã chọn con gái của vị tú tài 4 khoa ở làng Quan Nam cùng huyện là Trần Nhật Tỉnh làm dâu. Người cháu ngoại đã không hổ danh hậu duệ của một vị tiến sĩ. Tuy Đỗ Thúc Nguyên khiêm tốn lấy tự là “Đốt sĩ” (người học trò vụng về) để “phụng biên” (kính vâng biên chép), nhưng nét bút sắc sảo tài hoa của ông, bất cứ ai có theo đòi chút ít chữ Nho được nhìn tận mắt cũng không thể không trầm trồ khen ngợi.
Theo mô tả của nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Đình Thảng trong bài “Hòa Vang huyện chí – một quyển địa chí có giá trị” đăng trên Thông báo Hán Nôm học 2002, từ trang 524 đến trang 529, thì sách này dày 64 trang chép tay, mỗi trang có 12 dòng, mỗi dòng có từ 20 đến 25 chữ, viết theo thể chân hành. Văn viết sáng sủa, mạch lạc, dễ đọc và dễ hiểu. Sách có chương mục hẳn hoi, có đầy đủ những điều cần biết về một địa phương cụ thể như: thành trì, học hiệu, hộ khẩu, điền phú, sơn xuyên, quan tấn, thi tập, từ miếu, tự quán, v.v... Đặc biệt có những mục như: nhân tài, khoa bảng viết rất cẩn thận, nghiêm túc và đầy đủ.
Trong bài viết hơn 3 nghìn chữ của mình, tác giả Nguyễn Sinh Duy kết luận: “Thâm nhập nội dung huyện chí, người đọc sẽ thấy biên giả không chỉ tham khảo “nguyên sách chú” mà còn đích thân xông pha, len lỏi đến tận các đầu nguồn của núi sông, vực thẳm để ghi chép, thu thập từng chi tiết, sự kiện mà sách vở đã tồn nghi, khiếm khuyết. Cung cách học thuật đó thật đáng trân trọng biết bao!”.
Nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Đình Thảng nhìn nhận ở một góc độ khác: “Hòa Vang huyện chí” là một quyển sách có giá trị trong việc nghiên cứu lịch sử và địa lý của một địa phương cụ thể, hiện được lưu trữ ở Bảo tàng Đà Nẵng.
LÊ GIA LỘC