Đà Nẵng cuối tuần

70 NĂM ĐIỆN BIÊN PHỦ

Về miền hoa ban

16:32, 04/05/2024 (GMT+7)

Hoa ban không rực rỡ như hoa phượng, ngào ngạt như hoa sữa, mà trắng trong, mộc mạc, bình dị, mang tới vẻ đẹp gần gũi, tạo cảm giác ấm áp, nên thơ. Đó là hình ảnh đặc trưng của núi rừng Tây Bắc nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng. Có lẽ chưa bao giờ đường về miền hoa ban nhộn nhịp, đông vui như trong dịp này. Đơn giản bởi nơi đây đã, đang và sẽ diễn ra nhiều hoạt động tri ân, lễ hội, văn hóa, nghệ thuật hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Cách đây 70 năm, quân và dân Việt Nam đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trải qua hàng thập kỷ, Điện Biên đã có nhiều sự thay đổi. Ảnh: S.T
Cách đây 70 năm, quân và dân Việt Nam đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trải qua hàng thập kỷ, Điện Biên đã có nhiều sự thay đổi. Ảnh: S.T

Đường bay Hà Nội - Điện Biên Phủ dịp này dù tăng chuyến gấp đôi nhưng vẫn không đáp ứng yêu cầu của du khách thực hiện những chuyến đi mang ý nghĩa về nguồn nên chúng tôi buộc lòng phải đi đường bộ, theo quốc lộ 6. Hóa ra, lên Điện Biên bằng cách này, lại có lắm điều hay, bởi có thể tha hồ ngắm nhìn phong cảnh vừa nên thơ vừa hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc, đồng thời, có dịp dừng chân tìm hiểu những địa danh đã từng đi vào sách sử, thơ văn.

Biết rõ mục đích chuyến đi của chúng tôi, bác tài xế mở các bản nhạc chuyên về Điện Biên Phủ với giai điệu lúc sôi nổi, tươi vui, lúc trầm hùng, sâu lắng, nào là “Qua miền Tây Bắc núi vút ngàn trùng xa/ Suối sâu đèo cao bao khó khăn vượt qua…”, rồi đến: “Hò dô ta nào, kéo pháo vượt qua đèo/ Hò dô ta nào, kéo pháo vượt qua núi…”, lại tiếp : “Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về/ Giữa mùa này hoa nở, miền Tây Bắc tưng bừng vui…”. Thực ra, các bài hát về chiến dịch Điện Biên Phủ rất phổ biến, từng được nghe không biết bao lần, nhưng lần này trong lòng dâng trào nhiều cảm xúc.

Đèo Pha Đin - một trong “tứ đại đỉnh đèo” ở phía Bắc (cùng với các đèo Khâu Phạ, Mã Pí Lèng, Ô Quy Hồ) gợi nhớ thơ Tố Hữu: "Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ/ Đèo Lũng Lô anh hò chị hát/ Dù bom đạn xương tan thịt nát/ Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh…".

Đèo Pha Đin nối hai tỉnh Sơn La và Điện Biên, có chiều dài 32km - gấp rưỡi đèo Hải Vân, có độ cao 1.648m - hơn gấp 3 lần đèo Hải Vân. Qua đèo này mới cảm nhận rõ hơn thế nào là “ngàn thước lên cao ngàn thước xuống” và mới hình dung phần nào công sức, máu xương của bộ đội, dân quân hỏa tuyến trong việc kéo pháo, vận chuyển đạn dược, lương thực, thuốc men để phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.

Là nơi làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, tỉnh Điện Biên thực hiện rất tốt công tác bảo tồn, bảo tàng để lưu giữ ký ức lịch sử, nhằm phục vụ công tác giáo dục và phát huy truyền thống của quê hương. Vào Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi thực sự bị choáng ngợp khi trực tiếp chiêm ngưỡng bức tranh toàn cảnh (panorama) tái hiện những khoảnh khắc điển hình về Chiến dịch Điên Biên Phủ. Đây là bức tranh về đề tài chiến tranh lớn nhất Đông Nam Á, là một trong ba bức tranh lớn nhất thế giới cho đến nay.

Bức tranh được vẽ bằng chất liệu sơn dầu, bố cục hình tròn, dài 132m, cao 20,5m, đường kính 42m, tổng diện tích 3.25m2. Nội dung bức tranh gồm 4 trường đoạn: Toàn dân ra trận, Khúc dạo đầu hùng tráng, Cuộc đối đầu lịch sử, và Chiến thắng Điện Biên. Bức tranh do cả trăm họa sĩ nước ta vẽ suốt 18 tháng trời, tái hiện hơn 4.500 nhân vật cùng khung cảnh núi rừng Tây Bắc hùng vĩ kết hợp với mô hình đắp nổi nên rất hoành tráng, sống động, chân thật, và nhờ vậy, tính thuyết phục rất cao.

Đồi A1, nơi được coi là “cuống họng” của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, nơi diễn ra cuộc chiến đấu nhiều ngày đêm ác liệt nhất, có tính quyết định nhất trong toàn bộ chiến dịch, nay được bảo tồn và phục dựng gần như nguyên trạng. Chúng tôi lặng người khi nghe có đến hơn 2.000 chiến sĩ ngã xuống trong 39 ngày bao vây và tấn công Đồi A1 này. Nằm cạnh Đồi A1 là nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ, đa số mộ liệt sĩ trong nghĩa trang này chưa xác định được tên tuổi. “Nhang trầm một thẻ - biết làm sao/ Thắp lên đành cắm nơi đầu gió/ Hương khói đừng quên nấm mộ nào…” (Nguyễn Thái Sơn).

Di tích hầm De Castries được bảo tồn khá nguyên vẹn. Nơi đây, ngày 7-5-1954, viên tướng chỉ huy cao nhất của quân đội Pháp tại chiến trường Điện Biên Phủ bị quân ta bắt sống, kéo theo sự ra hàng của cả chục ngàn tên lính viễn chinh, góp phần kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược. Hình dung cảnh mấy tháng trời, bọn chúng chui rúc trong các hầm hào, công sự tối tăm, rồi buộc phải giương cờ trắng, mà thấy tự hào, hả dạ. Không hả dạ sao được khi suốt quá trình cai trị, chúng dìm phong trào yêu nước của nhân dân ta trong biển máu. Biết bao chí sĩ và đồng bào ta ngã xuống trước họng súng và lưỡi gươm bạo tàn của quân xâm lược cùng bọn phong kiến tay sai.

Riêng ở đất Quảng, cụ Hoàng Diệu buộc phải tự vẫn theo thành Hà Nội. Cụ Trần Quý Cáp bị chém ngang lưng ở Khánh Hòa, các cụ Nguyễn Duy Hiệu, Thái Phiên, Trần Cao Vân bị chém đầu ở Huế, cụ Phan Thành Tài bị chém đầu ở Vĩnh Điện… Nhưng tại Điện Biên Phủ này 70 năm trước, bọn chúng đã bị quân dân ta đánh cho tan tác.

Sở chỉ huy chiến dịch của ta ẩn mình trong khu rừng già thuộc xã Mường Phăng, cách thành phố Điện Biên Phủ 40km. Lán ở và nơi làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lán giao ban hằng ngày của Bộ chỉ huy chiến dịch, hầm Tổng đài điện thoại, nơi làm việc của Ban thông tin chiến dịch, đường hầm trú ẩn khẩn cấp… được giữ gìn cẩn thận hoặc phục dựng giống như nguyên gốc, giúp chúng ta hình dung được điều kiện sống và làm việc của cán bộ lãnh đạo và chỉ huy thời kỳ đó, cũng như sự thương mến, chở che, đùm bọc của nhân dân đã góp phần to lớn cho chiến thắng của dân tộc.

Về miền hoa ban trong dịp này, chúng tôi được sống trong âm vang chiến công của quân dân ta 70 năm trước, được nghe những câu chuyện thú vị, được tham quan, trải nghiệm những di tích văn hóa, lịch sử lưu giữ ký ức về cuộc kháng chiến gian khổ, đầy mất mát, hy sinh nhưng rất đỗi anh hùng của ông cha ta thời “Chín năm làm một Điện Biên”. Và điều có ý nghĩa hơn, chúng tôi đã chứng kiến “Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam/ Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng”.

Đèo Pha Đin nối hai tỉnh Sơn La và Điện Biên, có chiều dài 32km - gấp rưỡi đèo Hải Vân, có độ cao 1.648m - hơn gấp 3 lần đèo Hải Vân. Qua đèo này mới cảm nhận rõ hơn thế nào là “ngàn thước lên cao ngàn thước xuống” và mới hình dung phần nào công sức, máu xương của bộ đội, dân quân hỏa tuyến trong việc kéo pháo, vận chuyển đạn dược, lương thực, thuốc men để phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.

NSND HUỲNH HÙNG

.