Về địa danh Bàu Sấu

.

* Rẽ trái đường DT605 nơi giáp ranh giữa xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) với xã Điện Hòa (thị xã Điện Bàn), chạy trên đường bê-tông tầm 1km tôi thấy có một cây cầu đường sắt bắc qua con sông hẹp. Nghe người địa phương nói tên cầu, nhưng không rõ đây là cầu Bàu Sáu hay Bàu Sấu và vì sao lại mang tên như thế? (Trương Văn Quả, quận Thanh Khê, Đà Nẵng).

- Tên gọi đúng của cây cầu này là cầu Bàu Sấu, nằm trên địa bàn thôn Xóm Phường, xã Điện Hòa. Cầu Bàu Sấu bắc ngang sông Bàu Sấu, theo thông tin trên bảng đính trên thành cầu, được khôi phục trong 2 năm 2010-2012, dài 131,6m.

Cầu Bàu Sấu bắc qua sông cùng tên, trên địa bàn xã Điện Hòa, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: V.T.L
Cầu Bàu Sấu bắc qua sông cùng tên, trên địa bàn xã Điện Hòa, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: V.T.L

Bài viết “Điện Hòa và những mảnh ghép nhân dân bi tráng” đăng trên Báo Nông Nghiệp Việt Nam mô tả: “Điện Hòa có sông Bàu Sấu chia đôi xã thành 2 khu vực Bắc và Nam, phía Bắc giáp với Đà Nẵng, nơi có đồn Mỹ đóng tại Bàu Sấu và căn cứ trung đoàn Mỹ đóng tại Trảng Nhật. Cái tên Bàu Sấu được ông cha đặt tự bao giờ, chẳng rõ, nhưng đến thời chống Mỹ chẳng gặp con cá sấu nào mà là một dòng sông trong xanh rộng chừng 70 - 100m, hai bên bờ những hàng tre soi bóng”.

Từ Sấu ở đây liên quan đến một loài thủy quái được từ điển tiếng Việt mô tả là “bò sát lớn, tính dữ, hình dạng giống thằn lằn, mõm dài, đuôi khỏe, thường sống ở các sông lớn vùng nhiệt đới”. Vì thế, ngày trước các con sông có loài “bò sát lớn, tính dữ” này được dân gian đặt tên kèm từ tố Sấu theo kiểu thấy gì gọi nấy.

Bài “Tiếng thét trên sông Hà Sấu” đăng trên Báo Đà Nẵng cuối tuần có đoạn: “Sông Cổ Cò, sách chép là Lộ Cảnh Giang, bắt nguồn từ nơi hợp lưu giữa sông Hàn và sông Cẩm Lệ, chảy qua địa phận quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) rồi đi vào các vùng đất thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam trước khi hợp lưu với sông Thu Bồn và đổ ra biển Cửa Đại. Đoạn sông đi qua địa phận phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam ngày nay có tên là Hà Sấu. Các cụ trưởng thượng quanh vùng kể rằng, thuở tiền nhân đến quy dân lập điền, nơi này có nhiều cá sấu sinh sống, vì thế mới đặt tên sông là Hà Sấu”.

Cũng trên Báo Đà Nẵng cuối tuần, bài “Truyền thuyết làng Bích Trâm” nói rõ hơn về con sông có tên là Bàu Sấu này. Theo đó, làng Bích Trâm xưa thuộc huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, dinh Quảng Nam; nay thuộc thôn Bích Bắc, xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Tương truyền rằng, xưa có một cô gái cùng mẹ theo đoàn người từ Thanh - Nghệ vào khai phá vùng đất mới. Một hôm, sau một ngày làm việc mệt nhọc, cô gái ra bàu để tắm. Mẹ cô gái và mọi người chờ mãi đến khuya mà không thấy cô gái trở về, liền chia đổ xô đi tìm. Khi đến bàu nước nơi cô gái thường hay tắm, mọi người phát hiện ra áo quần và tư trang của cô, bèn cho người lặn xuống tìm, nhưng vô vọng. Cho rằng cô gái xấu số đã bị cá sấu ăn thịt, người mẹ cho đoàn người ngày đêm ngăn bàu, tát cạn nước để tìm giết cá sấu nhằm tìm thi hài cô đem đi chôn cất. Khi mổ bụng cá sấu, không tìm bất cứ thứ gì còn lại của thể xác cô gái… Từ đó, con sông nơi cô gái bị cá sấu ăn thịt mất xác được dân gian gọi là sông Bàu Sấu.

Nhiều nơi trên cả nước có địa danh Bàu Sấu như sông Bàu Sấu ở thôn Phú Châu, xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Huyện Đức Huệ, tỉnh Long An có cầu Bàu Sấu. Riêng vùng đất Quảng Nam có cầu Bàu Sấu ở xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, được UBND huyện Đại Lộc tổ chức lễ gắn biển công trình cầu Bàu Sấu để chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Đại Lộc lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) vào hạ tuần tháng Bảy năm 2020.

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.