Ngôi đình to nhất nhì xứ Quảng

.

Để so sánh mức độ to lớn, hoành tráng của đình làng, dân gian xứ Quảng truyền miệng câu “Thứ nhất La Qua, thứ nhì Thành Mỹ, thứ ba Chiên Đàn”. Ngôi đình xếp thứ hai này có nhiều câu chuyện rất thú vị…

Tam quan (ảnh trái) và đình Thành Mỹ hiện nay. Ảnh: A.T
Tam quan (ảnh trái) và đình Thành Mỹ hiện nay. Ảnh: A.T

Đình Thành Mỹ ngày trước tọa lạc tại xã Thành Mỹ, tổng Vĩnh Quý, huyện Hà Đông, sau đổi thành phủ Tam Kỳ (nay thuộc xã Tam Phước, huyện Phú Ninh). Danh xưng Thành Mỹ do người dân bản xứ đặt từ khi bắt đầu lập làng khoảng thế kỷ thứ XV. “Thành” là nên, là chân thành; “Mỹ” là tốt, đẹp; nghĩa là mọi thứ đều trở nên tốt đẹp, con người nơi đây chân thành, có phẩm chất tốt.

Các vị cao niên thôn Thành Mỹ cho biết, tiền hiền làng Thành Mỹ xưa gồm các tộc Phạm, tộc Võ, tộc Huỳnh; Hậu hiền là các tộc họ Nguyễn, Lê, Đoàn, Phan... là những cư dân vùng Thanh, Nghệ, Tĩnh vào đây khai đất, lập làng. Sau khi đời sống ổn định, kinh tế phát triển, ruộng đồng phì nhiêu, để tưởng nhớ các bậc tiền nhân có công khai cư, khai canh tạo nên vùng đất trù phú, các thế hệ hậu hiền góp công, góp của xây dựng đình làng.

Lúc ban đầu, đình được xây dựng trên ngọn đồi cao của Núi Trọc. Theo tương truyền, ban đầu đình làm bằng tranh tre gỗ, một đêm trời bỗng nổi gió to thổi bay một tấm tranh trên mái đình và sau đó rơi ngay xuống khu đất của một người dân trong làng có tên là Võ Thuyền. Người dân trong làng thấy vậy cho rằng thần linh, tiền nhân đã chỉ đường, dẫn lối và muốn cho dân làng xây dựng đình tại nơi tấm tranh rơi xuống. Không đắn đo suy nghĩ, ông Võ Thuyền đã hiến toàn bộ khu đất ấy cho làng xây dựng đình.

Thời gian sau, các hương mục, kỳ hào, lý trưởng chủ chốt cùng với những người dân có uy tín trong làng phát động nhân dân chung tay xây dựng đình Thành Mỹ với quy mô, bề thế to nhất vùng thời đó. Dân làng cho rằng đã xây đình thì phải tầm “đình tổng, đình huyện” nên dân cả làng, đặc biệt là những người giàu có từ bậc trung nông trở lên đi đầu trong việc đóng góp công sức của cải, tiền bạc. Do quy mô, diện tích lớn nên phải mất khoảng 5 năm mới xây dựng xong đình. Khi xây dựng xong, đình Thành Mỹ thuộc loại lớn nhất nhì xứ Quảng vào thời bấy giờ và được dân làng gọi bằng một tên khác là đình Quán Yến, vì ngôi đình nằm gần chợ Quán Yến.

Người dân làng Thành Mỹ cho biết, trước đây ngôi đình được xây dựng theo hướng Tây-Bắc trên một khu đất rộng, cao, bằng phẳng, trước đình có một cây đa lớn. Lúc bấy giờ, vật liệu để xây dựng đình chủ yếu là vôi trộn giấy quyến, đường đen, mè giã lấy nước nhớt, tất cả trộn đều vào nhau để xây tường và cổng. Kiến trúc đình được xây dựng theo hình chữ Nhất với đình gồm 5 gian 2 chái, 38 cột bằng gỗ mít, bờ nóc trang trí hình “lưỡng long tranh châu”.

Trước tam quan có câu đối: Thành âm thọ uất y quan địa/ Mỹ hóa ba truyền lý nghĩa môn” với hàm ý giới thiệu vùng đất Thành Mỹ tâm linh vững mạnh, có nhiều nhân vật khá nổi tiếng, đất có quan tước, người giàu có nhiều… Sân đình là bãi đất rộng, bên trong đình có 3 gian thờ và 1 gian lui về phía sau gọi là hậu tẩm dùng để thờ các vị thần bổn xứ. Phía dưới đình có nhà Hương hội - là ngôi nhà để dân làng chuẩn bị đồ lễ khi mở tiệc khai hội làng. Bên phải có miếu Ông, bên trái là miếu Bà để thờ thần linh để phù hộ, độ trì cho dân làng tránh những thiên tai, địch họa.

Bên cạnh việc thờ cúng, thể hiện sự tri ân của dân làng đối với công đức của các bậc tiền nhân thì đình Thành Mỹ còn là nơi sinh hoạt hội hè, vui chơi của người dân trong các ngày lễ, Tết. Đã thành thông lệ, hằng năm vào rằm tháng Ba, rằm tháng Bảy âm lịch, nhân dân tổ chức hội làng tại đình. Vào dịp Tết Nguyên đán, dân làng tổ chức rước sắc từ nhà Thủ sắc (luân phiên giữa các họ Phạm, Huỳnh, Võ) đến đình làm lễ tế, cúng bái sau đó rước trở về nhà Thủ sắc để thờ, sau phần lễ là phần hội đông vui, sôi nổi với các hoạt động vui xuân, đón Tết. Ngày nay để phù hợp với đời sống văn hóa mới, dân làng tổ chức lễ hội Kỳ yên, kết hợp giữa ngày hội làng với ngày vui đoàn kết với mục đích “Cầu cho mưa thuận gió hòa/ Nhân dân làm ruộng được mùa ấm no...”.

Đình làng Thành Mỹ còn gắn liền với bao sự kiện và ghi dấu ấn về lịch sử đấu tranh cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong giai đoạn tiền cách mạng, khu vực làng Thành Mỹ từng là trung tâm dấy nghĩa của một bộ phận dân chúng và các sĩ phu yêu nước, đứng đầu là tiến sĩ Trần Văn Dư hưởng ứng Phong trào Cần Vương chống Pháp. Nhóm nghĩa quân này đã hoạt động tích cực một thời, gây nhiều tiếng vang trong dân chúng và từng làm cho thực dân Pháp nhiều phen kinh hoàng. Năm 1945, ngôi đình được dùng để huấn luyện dân quân tại địa phương, hội họp kín...

Trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, đình Thành Mỹ bị đốt cháy. Một số vị cao niên kể lại rằng do hệ thống cột mít to và một khối lượng gỗ đồ sộ nên ngôi đình cháy âm ỉ đến nửa tháng mới hết… Sau vụ tàn phá đó, dấu tích duy nhất vẫn còn tồn tại là cổng tam quan Thành Mỹ vẫn còn đứng vững cùng với thời gian.

Vào năm 2007, ngôi đình đã được nhân dân Thành Mỹ cùng chung sức xây dựng lại. Mặc dù không được nguyên vẹn và đồ sộ như xưa nhưng đã làm thỏa lòng ước mơ, niềm mong mỏi của các chư tộc phái và bà con dân làng. Đình Thành Mỹ đã được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng Di tích cấp tỉnh vào tháng 8-2021.

AN TRƯỜNG

;
;
.
.
.
.
.