Cuộc tụ nghĩa trên sông Yên

.

Mùa Xuân năm Bính Thìn 1916, có một cuộc họp quan trọng diễn ra lúc nửa đêm của các lãnh tụ Việt Nam Quang phục hội trên dòng sông Yên thơ mộng của Hòa Vang. Đây được xem là cuộc họp “dự bị” cho cuộc Tổng khởi nghĩa vào đêm 4-5-1916.

Đập dâng An Trạch trên sông Yên và đình làng Cẩm Toại. Ảnh: L.T
Đập dâng An Trạch trên sông Yên và đình làng Cẩm Toại. Ảnh: L.T

Yên là tên gọi một đoạn sông ngắn trên 20km nối liền sông Vu Gia với sông Cẩm Lệ chảy qua địa phận hai huyện và một thị xã: Đại Lộc, Hòa Vang và Điện Bàn. Đây là dòng sông đặc biệt, vừa là phụ lưu vừa là chi lưu: Sông là một nhánh (chi lưu) tách ra từ sông Vu Gia và lại là phụ lưu của sông Cẩm Lệ (Cầu Đỏ). Tại địa phận xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, sông Yên gặp sông Túy Loan và nhập lại để làm thành (phụ lưu) sông Cẩm Lệ hay còn gọi là sông Cầu Đỏ. Đặc biệt hơn sông được bắt đầu từ một ngã ba sông (Vu Gia, Yên) và nơi kết thúc cũng là một ngã ba sông (Yên, Túy Loan, Cẩm Lệ).

Sông Vu Gia khi chảy đến địa phận giáp ranh giữa ba xã Đại Cường, Đại An và Đại Nghĩa (huyện Đại Lộc) thì tách ra một dòng nhỏ với dòng chảy hiền hòa (nên được gọi là sông Yên, chứ không dữ dội như dòng sông mẹ Vu Gia). Từ đây dòng sông hiền hòa chuyển hướng lên phía Bắc chảy qua thị trấn Ái Nghĩa, sau đó tiếp tục theo hướng Bắc - Đông Bắc chảy qua ranh giới của các xã Đại Hiệp (Đại Lộc) với các xã Điện Hồng, Điện Tiến của Điện Bàn rồi đổ vào địa phận của Hòa Vang qua các xã Hòa Khương, Hòa Tiến, Hòa Phong. Tại đây nước sông Yên hòa cùng nước sông Túy Loan đổ vào sông Cẩm Lệ.

Trên sông Yên đoạn qua xã Hòa Tiến từ thời Pháp đã có đập dâng An Trạch thường được gọi là Bara An Trạch, nơi dòng sông bị chặn để nâng cao mực nước ở thượng lưu nhằm lấy nước tưới cho “đồng xôi ruộng mật” của vùng Hòa Vang, Điện Bàn. Chính con đập là “duyên cớ” cho món đặc sản cá mòim vào mùa xuân thường di cư theo “tiếng gọi về Nguồn”. Cá từ vùng nước lợ ở hạ lưu sông Hàn đến mùa đẻ trứng ngược sông Hàn vào sông Cẩm Lệ rồi theo sông Yên để lên thượng nguồn, bị đập An Trạch ngăn không cho lên thượng nguồn nên đẻ trứng rồi sau đó quay lại ven biển.

Ngày nay trên sông Yên thuộc địa phận xã Hòa Khương đang thực hiện dự án cây cầu Quảng Đà nối Đà Nẵng với Quảng Nam với sự hợp tác đầu tư của hai địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng.

Trên địa phận xã Hòa Phong giữa hai làng Cẩm Toại và La Châu có một dòng khe nhỏ đổ nước vào sông Yên được dân gian trìu mến gọi bằng tên: khe Ông Tú. Vào một năm Thìn cách đây 108 năm, con khe là nơi các lãnh tụ Việt Nam Quang phục hội đã xuống ghe để ra giữa sông Yên tham gia một cuộc họp quan trọng.

Theo Nguyễn Phước Tương trong Xứ Quảng - Vùng Đất & Con Người (NXB Hồng Đức, 2012) thì trong ngày 21-4-1916, chỉ hơn 10 ngày trước cuộc Tổng khởi nghĩa, các yếu nhân của tổ chức Việt Nam Quang phục hội đã có một cuộc họp quan trọng gọi là “lễ tụ nghĩa” tại nhà của ông Lâm Nhĩ ở làng Cẩm Toại, nay là thôn Cẩm Toại Đông, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang. Sở dĩ chọn ngày này vì đây là dịp đám giỗ thân phụ của ông Lâm Nhĩ, có thể lấy đó “tạo vỏ bọc để che mắt bọn quan lại địa phương và mật thám Pháp”. Mặt khác, “ở đây địa điểm thuận lợi dễ dàng đón được khách từ Huế vào, Quảng Ngãi ra, Đà Nẵng lên. Nếu có động thì dễ dàng rút nhanh lên ngã Lâm Viên, Hậu Vực hoặc đi xa hơn nữa đến tận Phú Túc, nơi có căn cứ bí mật xây dựng trong đồng bào Cơ tu…” (sđd, trang 547).

Trước đó, hai lãnh tụ Trần Cao Vân và Thái Phiên đã tin tưởng giao cho Lâm Nhĩ nhiệm vụ tổ chức lễ tụ nghĩa này.

Nguyễn Phước Tương cho biết: “Trước ngày 19 tháng Hai Bính Thìn tức ngày 21-4-1916, ông Lâm Nhĩ cho dựng rạp trước sân nhà mình ở Gò Lòi, Cẩm Toại, rước các sư từ chùa Non Nước lên tụng kinh cầu siêu cho thân phụ suốt ba ngày đêm… Trong khi ở ngoài sân đang cúng chay, bà con đến dự đông đúc thì ở nhà trong là cuộc họp bí mật đang được tiến hành kín đáo. Chủ trì “lễ tụ nghĩa” có các ông Trần Cao Vân, Thái Phiên, Phan Thành Tài, Lâm Nhĩ, Lê Cơ… Dự lễ còn có đại biểu của các tỉnh Thừa Thiên và Quảng Ngãi, ngoài ra còn có nhiều nhân vật yêu nước của tổng An Phước… Trưa đó ông Lâm Nhĩ tự mình đi thuê một chiếc ghe lớn, đến chiều thì đậu trên bến Bà Tư Kiều bên bờ sông Túy Loan. Đêm xuống các yếu nhân của tổ chức lên ghe ra giữa sông Yên để họp. Đích thân Lâm Nhĩ chèo ghe, trên ghe hoàn toàn không có người phục vụ”. (sđd, trang 547, 548).

Cuộc họp đã đi đến những quyết định và phân công cụ thể. Trần Cao Vân nhận nhiệm vụ ra Huế yết kiến vua Duy Tân trình bày kế hoạch khởi nghĩa và xin chiếu chỉ của nhà vua. Lê Cơ được giao nhiệm vụ cùng ra Huế để vận động binh lính người bản xứ ở đây tham gia khởi nghĩa và chuẩn bị cho việc phát pháo lệnh khởi nghĩa ở Huế cũng như đốt lửa báo hiệu trên đèo Hải Vân trong đêm khởi nghĩa (rạng sáng ngày 4-5-1916).

Riêng Phan Thành Tài và Lâm Nhĩ vận động lính khố xanh và 1.500 lính thợ mới chiêu mộ đang tập trung ở Đà Nẵng chờ ngày xuống tàu sang Pháp tham gia nổi dậy. Trong ngày khởi nghĩa sau khi thấy lửa đốt trên đèo Hải Vân thì Phan Thành Tài lập tức đánh chiếm tỉnh thành Quảng Nam ở La Qua còn Lâm Nhĩ đánh chiếm cảng Đà Nẵng sẵn sàng tiếp nhận vũ khí viện trợ của Đức từ Thái Lan đưa về. Y sĩ Lê Đình Dương có nhiệm vụ đánh chiếm Hội An.

Cuộc “tụ nghĩa” trên sông Yên là cuộc họp trù bị chuẩn bị những nội dung quan trọng cho kế hoạch Tổng khởi nghĩa vào ngày 4-5. Sau đó 6 ngày, vào ngày 27-4-1916, một cuộc họp khác được triệu tập tại Miếu Bông và đây được xem là cuộc họp cuối cùng trước khi diễn ra tổng khởi nghĩa.

LÊ THÍ

;
;
.
.
.
.
.