Bên ấm chè thơm

.

Trong những mùi hương thân thuộc của miền quê, tôi thích nhất là mùi vị của nước chè xanh bởi nó là linh hồn, là đặc sản của nơi đây, nó cũng là miền ký ức tuổi thơ ngọt ngào của tôi bên những người thân yêu.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Ngày ấy, sáng nào mẹ tôi cũng thức dậy từ rất sớm. Công việc đầu tiên của mẹ là đỏ lửa nấu ấm nước chè cho ông bà và bố tôi thưởng thức. Loại nước này tuy không khó nấu nhưng lại đòi hỏi sự cầu kỳ khéo léo của đôi tay, sự kiên nhẫn tỉ mỉ của người nấu thì nước mới xanh và thơm ngon được. Vì thế, mẹ luôn chọn những lá chè tươi có độ dày và già vừa phải, xanh đậm, giòn và thơm, nước nấu chè phải hứng từ những cơn mưa giữa mùa hay nước giếng khơi đầu làng trong vắt. Củi phải khô nỏ, cháy đượm và ít khói. Lúc nấu, mẹ cẩn thận hái và lật từng chiếc lá kiểm tra để không bị sót sâu bọ hay những loài cây rong rêu và thân leo làm lẫn mùi pha tạp. Sau khi rửa sạch, mẹ vò nhỏ cho vào ấm sành thau qua một lần nước sôi nữa, đổ đi rồi mới chính thức dội nước mới vào đầy ấm, đậy kín và nén ủ vào trấu hoặc trong chăn, trong rơm rạ. Gần một tiếng sau thì nước chín tới, mẹ mang ra đặt lên bàn cho mọi người thưởng thức. Ấm nước uống hằng ngày bình dị ấy không chỉ là công việc hằng ngày mà còn là cả tấm lòng mẹ gửi trao trong đó. Đó là sự tôn kính dành cho ông bà, sự ân cần dành cho bố và sự yêu thương mẹ dành cho gia đình. Chính sự chăm lo ân cần và hết mực chân thành trong từng chi tiết ấy đã làm cho tổ ấm của mẹ luôn êm đềm và vững chãi trước mọi giông tố cuộc đời.

Ký ức sâu đậm trong tôi về ấm chè thơm là những phút giây mọi người quây quần bên nhau trò chuyện sau giờ làm mệt nhọc. Đó còn là những phút giây ngắn ngủi trước lúc ra đồng, các ông bà thường tạt qua nhà nhấp lấy vài ngụm nước cho sảng khoái, chuẩn bị tinh thần phấn chấn cho một ngày làm việc mới. Đó là những buổi trưa hè nóng nực hay những đêm trăng gió mát rượi trước sân nhà, bố mẹ tôi cùng những người xung quanh lối xóm lại quây quần bên nhau trò chuyện. Ai cũng thư thái nhâm nhi từng ngụm nước một cách chậm rãi như để cảm nhận vị chát thanh tao của chè hòa lẫn cùng vị ngọt của nước giếng khơi từ lòng đất mẹ. Niềm vui cứ thế nhân lên, cái bức bối ngày hè hay giá buốt ngày đông cũng không còn là nỗi sợ của người quê. Ấm nước chè xanh cứ thế từng ngày thấm vào vị giác, vào thịt da và cả tâm hồn mỗi người con sinh ra trên đất mẹ để suốt đời gắn bó, nâng niu.

Khi lớn lên, mối duyên lành đã mang tôi đến với vùng đất mới. Đó là một miền quê có núi đồi bát ngát, có dòng sông thơ mộng, hữu tình, có ruộng đồng cò bay thẳng cánh và có những con người nhân nghĩa, bao dung. Ấm nước chè xanh thân thuộc bao năm từ quê mẹ lại hiện hữu nơi đây. Nhờ đến nơi đây mà tôi hiểu được cội nguồn của loài cây bao năm dài hương thơm cùng tôi khôn lớn. Sự kết tinh giữa đất trời, nắng gió nơi miền sơn cước với giọt mồ hôi chát mặn của người trồng đã làm nên thứ sản vật bình dị, thân thương nhưng mang hương vị đặc trưng không nơi nào có được. Đó là món quà tuyệt diệu của thiên nhiên khiến những đứa con trên mảnh đất này dù đi đâu cũng khao khát trở về nhấp ngụm nước chè xanh và đắm đuối trong làn hương ngạt ngào, vương vấn ấy.

Quê tôi, đất cằn đá sỏi, mưa nắng quanh năm, nhưng nhờ bàn tay cần mẫn và sự thông minh của con người đã biến nơi đây thành vùng đất có nhiều sản vật quý hiếm làm nên linh hồn, bản sắc quê hương. Trong số ấy, chè xanh là một loại thức uống tinh hoa được chưng cất, gạn lọc từ sản vật, từ tấm lòng người nhân nghĩa, thảo thơm. Bên ấm chè xanh tình người như thắm lại, càng yêu thương càng gắn bó không rời.

LÊ THỊ XUÂN

;
;
.
.
.
.
.