SẮP XẾP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH

Cẩn trọng các trường hợp đặc thù

.

UBND thành phố vừa ban hành kế hoạch về thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn thành phố. Hiện nay, Đà Nẵng có 56 đơn vị hành chính cấp xã gồm 45 phường, 11 xã. Dự kiến, giai đoạn 2023-2025, sau sắp xếp, Đà Nẵng còn 47 đơn vị hành chính cấp xã gồm 36 phường, 11 xã. Riêng với phường Thạch Thang (quận Hải Châu), UBND thành phố cho rằng chưa hoặc không sắp xếp vì đây là đơn vị hành chính có nhiều yếu tố đặc thù về văn hóa, lịch sử, an ninh quốc phòng.

UBND thành phố đưa phường Thạch Thang (quận Hải Châu) vào diện đặc thù về lịch sử vì nhiều yếu tố, trong đó có việc trên địa bàn có di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải. Ảnh: ST
UBND thành phố đưa phường Thạch Thang (quận Hải Châu) vào diện đặc thù về lịch sử vì nhiều yếu tố, trong đó có việc trên địa bàn có di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải. Ảnh: ST

Trao đổi với Báo Đà Nẵng, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử thành phố cho rằng, cần xem xét cẩn trọng hơn các trường hợp được xem là có yếu tố đặc thù nhằm tạo sự công bằng giữa các địa phương, tránh tình trạng sắp xếp triệt để theo kiểu chỗ thì triệt chỗ thì để, thiếu thuyết phục.   

* Thưa ông, tiêu chí nào cần quan tâm trong việc sắp xếp đơn vị hành chính? Yếu tố đặc thù cần xem xét cẩn trọng trong việc sắp xếp đơn vị hành chính ra sao?

- Đương nhiên hai tiêu chí cần được xem xét trước tiên là diện tích và dân số. Tuy vậy, nếu chỉ chăm chăm một cách cơ học vào hai tiêu chí này thì có thể dẫn đến một số trường hợp sắp xếp không hợp lý. Do vậy, cần phải có tiêu chí đặc thù hoặc về lịch sử, hoặc về vị trí địa lý, hoặc về cả hai.  

Chỉ đơn thuần căn cứ hai tiêu chí diện tích và dân số thì vẫn cần cẩn trọng trong việc sắp xếp đơn vị hành chính, chẳng hạn đặt tên đơn vị hành chính mới sao cho hợp lý, có ý nghĩa, đặc biệt cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất sự thay đổi dữ liệu công dân liên quan đến sự thay đổi địa danh hành chính.

Trong các trường hợp có yếu tố đặc thù, càng cần cẩn trọng hơn để xem đấy là trường hợp đặc thù về lịch sử, về vị trí địa lý, hay đặc thù về cả hai - nhằm tạo sự công bằng giữa các địa phương, tránh tình trạng sắp xếp triệt để theo kiểu chỗ thì triệt, chỗ thì để, thiếu thuyết phục.

* Trong phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong giai đoạn 2023-2025, UBND thành phố cũng đề nghị không hoặc chưa sắp xếp đối với phường Thạch Thang do yếu tố đặc thù. Ông nhìn nhận việc này như thế nào?

- Trước hết, có thể thấy UBND thành phố đưa phường Thạch Thang vào diện đặc thù về lịch sử - hình thành từ sớm và vẫn giữ nguyên tên gọi xưa, nằm ngay ở khu vực trung tâm hành chính thành phố, trên địa bàn có di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải - thực chất cũng là trung tâm chỉ huy quân sự trực tiếp trong cuộc chiến chống Liên quân Pháp-Tây Ban Nha 1858-1860, có cảng Đà Nẵng từng là nơi xuất dương của các vị vua triều Nguyễn như Khải Định, Bảo Đại…

Tuy nhiên, để tăng thêm tính thuyết phục, cần nhấn mạnh thêm phường Thạch Thang cùng lúc có các điều kiện mang tính lịch sử này (để tạo khác biệt so với phường Hòa Hải cũng có di tích quốc gia đặc biệt Danh thắng Ngũ Hành Sơn nhưng chưa bao giờ là trung tâm hành chính thành phố, hoặc so với phường Hải Châu cũng hình thành từ sớm thậm chí được dùng đặt tên cho cả quận nhưng đã chia tách thành hai phường Hải Châu 1 và Hải Châu 2... và không có di tích quốc gia đặc biệt).

Điều quan trọng hơn là cần chứng minh Thạch Thang không thể/không cần hợp nhất (theo tôi ở tất cả các trường hợp sắp xếp lại lần này, chỉ có thể dùng từ hợp nhất, không thể dùng từ sáp nhập) với các phường lân cận -  Hải Châu 1 thì đã có phương án hợp nhất, còn Thuận Phước và Thanh Bình thì đều đáp ứng được tiêu chí về diện tích và dân số. Nếu không chứng minh được Thuận Phước và Thanh Bình đáp ứng tiêu chí về diện tích và dân số, thì chuyện sắp xếp đơn vị hành chính đối với Thạch Thang chỉ có thể chưa đặt ra chứ không thể không đặt ra - nhưng bất luận trường hợp nào thì vẫn cần giữ lại địa danh phường Thạch Thang, bởi thực chất hai khu phố Xương Bình và Thiệu Bình thành lập năm 1955, tức Thuận Phước và Thanh Bình ngày nay, cũng đều là đất xã Thạch Thang xưa.

* Theo kinh nghiệm của người từng là Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, Đà Nẵng sẽ đối mặt với những khó khăn và thuận lợi gì khi thực hiện việc hợp nhất các đơn vị hành chính? Và thành phố nên chủ động xử lý ra sao?

- Đầu tiên thành phố sẽ đối mặt với áp lực về biên chế và số lượng chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý của cả hệ thống chính trị. Có thể nói, đây là áp lực lớn đối với địa phương đang tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính, bài toán đặt ra là chọn ai làm người đứng đầu đơn vị hành chính mới đã buộc cấp có thẩm quyền phải đắn đo, cân nhắc để vừa bố trí đúng việc, đúng người, lại vừa phải tính toán “đầu ra” phù hợp đối với người không được chọn.

Điều quan trọng nhất là phải tham mưu cho cấp có thẩm quyền lộ trình khả thi trong việc điều chỉnh địa giới hành chính ở từng địa phương nhằm vừa thực hiện hiệu quả quan điểm, chủ trương của Đảng, vừa bảo đảm năng lực thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của từng đơn vị hành chính mới.

* Nếu làm tốt công tác hợp nhất các đơn vị hành chính, theo ông, Đà Nẵng sẽ có đột phá gì từ việc này?

- Theo tôi nếu làm tốt công tác hợp nhất các đơn vị hành chính, vượt qua được những khó khăn vừa nêu, được nhân dân đồng thuận và Trung ương ủng hộ, Đà Nẵng sẽ có đột phá trong cải cách hành chính, trong tinh giản bộ máy và biên chế khu vực công.

* Cảm ơn ông trả lời phỏng vấn!

NAM BÌNH thực hiện

;
;
.
.
.
.
.