Bảo vệ môi trường khi đi du lịch

.

Song song với du lịch trải nghiệm, các bạn trẻ cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Bởi khám phá thiên nhiên không chỉ để thưởng ngoạn vẻ đẹp và tìm kiếm sự yên bình mà còn là cách để góp phần bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững.

Nhóm Camping Xanh cùng những túi rác sau khi dọn ở những nơi được cho là tụ điểm cắm trại của các bạn trẻ. Ảnh: T.T
Nhóm Camping Xanh cùng những túi rác sau khi dọn ở những nơi được cho là tụ điểm cắm trại của các bạn trẻ. Ảnh: T.T

Hòa mình với thiên nhiên

Nằm cách trung tâm Đà Nẵng hơn 30km về phía Tây Bắc, xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) được biết đến là điểm du lịch lý tưởng cho những ai yêu thích cắm trại, nhờ vào vẻ đẹp tự nhiên và khí hậu trong lành.

Trong những năm gần đây, hoạt động cắm trại ngày càng thu hút các bạn trẻ. Anh Phạm Tùng Dương, Chủ fanpage Cắm trại Đà Nẵng - Camping in Da Nang chia sẻ: “Khi rời điện thoại, mọi người trở nên gần gũi hơn, chia sẻ với nhau nhiều hơn; tâm hồn được chữa lành bởi thiên nhiên xung quanh với tiếng suối chảy, tiếng chim hót, bầu trời bao la”.

Du lịch cắm trại mang lại cho người tham gia cơ hội tương tác và giao lưu sâu sắc, giúp họ giảm bớt sự phụ thuộc vào các thiết bị điện tử hằng ngày. Cắm trại không chỉ giúp giới trẻ tìm được khoảng lặng giữa cuộc sống hối hả mà còn khuyến khích họ sống tự lập và tương tác mạnh mẽ với môi trường xung quanh. Điều này tạo cho việc trải nghiệm trở nên độc đáo và mới lạ so với du lịch nghỉ dưỡng. Hoạt động này không chỉ giúp người trẻ nhận thức được vẻ đẹp và giá trị của thiên nhiên mà còn giúp họ khám phá ra những niềm vui nhỏ nhặt trong cuộc sống, qua đó chữa lành tâm hồn và phát triển bản thân một cách toàn diện hơn. Anh Huỳnh Đinh Nhật Cường, thành viên trong nhóm Camping Đà Nẵng cho biết: “Việc du lịch và mang những kỷ niệm đẹp về những nơi mình đi qua thôi thì chưa đủ, chúng ta còn phải có trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ những nơi thiên nhiên đẹp đẽ để những người đến sau có thể được tận hưởng”.

Chung tay bảo vệ môi trường

Trong bối cảnh du lịch tự phát ngày càng trở nên phổ biến, xã Hòa Bắc chứng kiến sự gia tăng các hoạt động du lịch tự phát, nhất là từ các bạn trẻ. Những chuyến phiêu lưu và khám phá thiên nhiên mang lại trải nghiệm phong phú, sự thú vị và gắn kết mọi người với thiên nhiên, nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến ý thức bảo vệ môi trường và an ninh trật tự.

Ông Thái Văn Hoài Nam, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, cho biết: “Đa phần các khu vực cắm trại tự phát hoạt động chủ yếu ở các bãi bồi, bờ sông, bờ suối, nằm trong 5% diện tích đất do UBND xã quản lý nên rất khó khăn trong việc rà soát và quản lý. Vấn đề không chỉ dừng lại ở mức độ phức tạp trong việc kiểm soát số lượng lớn du khách mà còn liên quan đến nguy cơ cháy rừng và ô nhiễm môi trường do thói quen đốt lửa và vứt rác bừa bãi”.

Nhận thức được mức độ nghiêm trọng của vấn đề này, chính quyền xã Hòa Bắc đã triển khai biện pháp bảo vệ môi trường như tổ chức dọn dẹp định kỳ, lắp đặt biển cảnh báo và tăng cường tuần tra... Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn chưa đủ để giải quyết triệt để vấn đề. Việc giải quyết vấn đề bảo vệ môi trường không chỉ cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng mà còn đòi hỏi ý thức và sự tham gia tích cực từ phía người dân và du khách. Để làm được điều này, ông Thái Văn Hoài Thanh, một người dân địa phương cho rằng: “Mỗi người khi đến tham quan xã Hòa Bắc cần phải có trách nhiệm và ý thức bảo vệ môi trường. Du khách không nên lưu trú qua đêm tại những nơi không được cấp phép, tránh gây nguy hiểm cho bản thân và cộng đồng. Cũng như hoạt động lưu trú nên đến những nơi nằm trong sự kiểm soát của cơ quan chức năng”.

Vì vậy, mỗi chuyến đi cần được chuẩn bị kỹ lưỡng, có sự hướng dẫn của những người có kinh nghiệm và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ môi trường. Chúng ta cần xem những nơi đặt chân đến như ngôi nhà của mình, chứ không chỉ là điểm dừng chân trong chuyến hành trình. Từ đó, thay đổi cách nghĩ và có trách nhiệm trong việc chung tay bảo vệ và duy trì vẻ đẹp tự nhiên của các điểm đến, góp phần phát triển du lịch bền vững của địa phương.

THÙY TRANG

;
;
.
.
.
.
.