Vòng đời mới của tôn cũ

.

Tọa lạc ở một góc đường Huỳnh Văn Gấm (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) có một quán cà phê đặc biệt với slogan “Dưới tán cây, mình cùng ngồi cà phê”. Quán tên Reo Coffee với không gian được xây dựng hoàn toàn từ việc tái chế những tấm tôn thép đã qua sử dụng. Chủ nhân của quán là anh Kiều Nhân (SN 1991), một kiến trúc sư trẻ tuổi chuyên thiết kế nội ngoại thất.

Quán cà phê Reo gần gũi thiên nhiên là tâm huyết của anh Nhân.
Quán cà phê Reo gần gũi thiên nhiên là tâm huyết của anh Nhân.

Reo Coffee ra đời từ tháng 8 năm ngoái, xuất phát từ ý tưởng của anh Nhân với mong muốn ban đầu là đầu tư một không gian cà phê với chi phí vừa phải và thật gần gũi với mọi người. Nghĩ và làm, anh lên bản vẽ thiết kế quán, “lội” qua mấy vựa ve chai, các đề-pô phế liệu để tìm vật liệu xây quán, trong đó có những miếng tôn cũ, rỉ mua theo khổ được lựa chọn để lợp mái và làm ghế ngồi. Đều đặn mỗi ngày, anh Nhân đi đi về về giữa hai thành phố Hội An - Đà Nẵng để làm việc và quản lý không gian đặc biệt này.

“Người ta thắc mắc mình mua tôn cũ làm gì nhiều vậy, mà lại chỉ lấy tôn đã rỉ, mình bảo lấy về tái chế để làm không gian quán cà phê”, anh Nhân kể lại. Ý tưởng ngỡ “ngược đời” với nhiều người nhưng từ bàn tay khéo léo của người làm kiến trúc, anh Nhân cũng phác thảo và thành hình được một không gian quán cà phê 200m2 hài hòa với phần mái được lợp bằng tôn rỉ, phần sàn và tường được trang trí cây xanh, kiểng lá tự nhiên và rải sỏi.

Đặc biệt trung tâm của quán được thiết kế một phần mái trong suốt để lấy ánh nắng buổi sáng tự nhiên từ bên ngoài nhằm tạo điều kiện phát triển cho cây xanh vừa giúp quán thoáng đãng. Quán được sơn theo tone màu đỏ, nâu để đồng bộ với màu tôn rỉ, ánh sáng đèn được anh Nhân dùng là ánh sáng vàng tạo cảm giác dịu mắt và ấm áp. Mọi thiết kế đều được tính toán để quán có thể ổn định ngay cả trong thời tiết mưa gió.

“Tôn rỉ với mình là chất liệu đẹp và có giá trị ứng dụng. Mình làm thiết kế nội thất và đi lên từ nông dân, bản thân luôn muốn hướng đến “cái chất” thô mộc tự nhiên trong công việc cũng như quá trình xây dựng quán. Đó cũng là điều mình muốn khách đến quán cảm nhận được”, anh Nhân chia sẻ.

Reo Coffee đông khách nhất vào buổi sáng và cuối tuần rồi sau đó lại trở về nét yên tĩnh trong những buổi trưa và chiều. Bản thân vốn ưa thích sự tĩnh lặng, mục đích của anh Nhân là tạo nên một không gian cà phê gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với môi trường và tương đối yên tĩnh để bản thân và khách đến quán có thể vừa thưởng thức đồ uống, vừa thư giãn, vừa có ý thức nhìn nhận rằng sự tái chế những vật liệu bỏ đi có thể góp phần bảo vệ môi trường. Khách đến quán có thể vừa uống cà phê, vừa làm việc, trò chuyện cùng bạn bè hay ngắm cây xanh, nghe nhạc thư giãn.

Có mặt ở quán để quay video giới thiệu quán chia sẻ lên mạng xã hội, chị Hồ Ngọc Trâm (SN 1999) chia sẻ: “Ở Đà Nẵng cà phê thì rất nhiều nhưng đang có xu hướng bão hòa và nhiều quán chưa thực sự có phong cách riêng, còn chạy theo số đông. Mình thì cực thích những nơi như Reo, vừa bình yên, vừa nhẹ nhàng và biết được câu chuyện tái chế tôn cũ để làm quán thì càng ấn tượng hơn”.

Anh Nhân chia sẻ, chỉ mong Reo là một điểm nhấn nhẹ nhàng ở vùng ven Đà Nẵng để mọi người nhớ và tìm đến khi có thời gian. Anh tâm niệm, mở quán cà phê không chạy theo xu hướng mà tập trung vào những giá trị gần gũi, thân thiện và tác động tích cực đến môi trường cũng như con người.

“Mình cũng từng nghĩ tới việc có thêm một không gian quán như thế này ở gần trung tâm thành phố nhưng rất khó tìm mặt bằng. Trước mắt, Reo vẫn sẽ ở đây, mình cũng sẽ nỗ lực cải tạo quán để có thêm không gian xanh cho cây phát triển và khách đến quán cũng thoải mái hơn”, Nhân cho biết. Kể về Reo, anh không đề cập nhiều về câu chuyện tái chế hay bảo vệ môi trường, hay bất kỳ điều gì khác to tát nhưng chúng tôi hiểu, Reo không chỉ là một quán cà phê mà là nơi để một người trẻ gửi gắm tâm huyết và tinh thần sáng tạo.

Vốn là người con của xứ sở sáng tạo văn hóa Hội An, anh Nhân nhắc đến những người đồng hương thành công trên con đường tái chế, thân thiện môi trường như họa sĩ Nguyễn Quốc Dân lấy rác thải làm tác phẩm nghệ thuật hay nghệ nhân Lê Ngọc Thuận biến cũi lũ thành tượng nghệ thuật. Với họ, không phải thứ bỏ đi nào cũng đáng… bỏ đi mà có thể được tái chế, “tái sinh” trong một “vòng đời” mới bằng sự sáng tạo vô bờ.

LÂM VIÊN

;
;
.
.
.
.
.