Đánh thức du lịch nông nghiệp

.

Đã có hành trình dài với nhiều thử nghiệm, song vẫn còn khá ít dự án đầu tư vào du lịch nông nghiệp (du lịch gắn với nông nghiệp) tạo được thành công và sức hút. Không chỉ vậy, mục tiêu định hình sản phẩm, khớp nối và xây dựng tour tuyến với các sản phẩm du lịch khác của thành phố... vẫn còn là câu chuyện cần được tiếp tục quan tâm khi đây là xu thế du lịch được nhiều du khách ưa chuộng, trong khi nguồn lực nông nghiệp còn nhiều dư địa để khai thác hiệu quả...

Yên Retreat - một điểm du lịch nông nghiệp đang được yêu thích. Ảnh: NVCC
Yên Retreat - một điểm du lịch nông nghiệp đang được yêu thích. Ảnh: NVCC

Những trạm dừng chân xanh, đẹp

Sau gần 30 phút chạy xe máy, chúng tôi đến không gian mộc mạc dân dã của BaNa Rita Farm - khu du lịch sinh thái nằm cách trung tâm thành phố khoảng 17km về phía tây bắc. Tọa lạc trên tuyến đường Hoàng Văn Thái, nối liền khu du lịch Bà Nà - Suối Mơ, BaNa Rita Farm được những người sành du lịch đánh giá là điểm dừng chân khá lý tưởng khi muốn có một không gian vui chơi, giải trí hòa quyện cùng thiên nhiên trong khung cảnh yên bình, thơ mộng và tách biệt với chốn phố xá đông đúc, ồn ào.

Đi vào hoạt động từ năm 2022, Bana Rita Farm là một trong những khu du lịch sinh thái chuyên nghiệp với cách thức tổ chức khá mới mẻ. Câu chuyện về hành trình gầy dựng nên Bana Rita Farm nói lên nhiều điều về thực trạng sử dụng nguồn lực đất đai nông nghiệp ở địa bàn huyện Hòa Vang hiện nay. Những cơn mưa đầu tháng 11 dường như tiếp thêm sinh khí để cây cối, thảm cỏ và cả những bầy gia súc (cừu, gà, vịt…) ở Bana Rita Farm lột xác phổng phao thêm. Đi dọc con đường bê-tông nhỏ, được người xây cố tình tạo thêm nét mềm mại với những đoạn cong cong, gấp khúc uốn lượn, chúng tôi nhìn thấy những người thợ làm vườn đang nhẫn nại cuốc đất để trồng thêm những hàng cây ăn quả mới.

Theo tiết lộ của anh Lê Thanh Tuấn (SN 1984, chủ của Bana Rita Farm) bước ngoặt quan trọng nhất đối với khu đất này là thời điểm những năm 2010, khi anh được bố mẹ tin tưởng giao cho 5ha đất nông nghiệp (nằm ở xã Hòa Phú) sử dụng để trồng keo - giống cây chủ lực đem lại giá trị kinh tế ở khu vực miền núi huyện Hòa Vang lúc bấy giờ. Chỉ sau vài năm chăm sóc, vườn keo đem lại lợi nhuận ban đầu cho vợ chồng anh Tuấn. Cũng từ đây, ý tưởng về việc hình thành nên khu du lịch sinh thái bắt đầu được manh nha. Khi tích cóp được khoản vốn liếng kha khá, vợ chồng anh  cùng những người bạn hướng đến mục tiêu dài hơi hơn và chính thức bắt tay vào gầy dựng nên Bana Rita Farm.

Trước đó, anh  tham khảo thực tế xây dựng mô hình ở một vài khu, điểm du lịch sinh thái tại Đà Nẵng cũng như ở Đà Lạt, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành miền Tây, đồng bằng sông Cửu Long. Cuối cùng chốt phương án xây dựng khu nghỉ dưỡng kết hợp trải nghiệm làm nông nghiệp dựa trên những lợi thế của vùng đất Hòa Phú đó là trồng rau sạch; hình thành những vườn cây ăn trái với những loài cây phù hợp với thổ nhưỡng như bưởi da xanh, xoài, vú sữa… Vợ chồng anh Tuấn còn xây các khu vực trang trại nhỏ nuôi cừu, gà, thỏ… Các yếu tố trên được sắp xếp hợp lý nhằm tăng trải nghiệm cho du khách khi đến đây vui chơi, nghỉ dưỡng. Ngay khi đi vào hoạt động, Bana Rita Farm thu hút lượng khách lớn là các nhóm gia đình, trường học, cơ quan đơn vị…

“Hàng chục gốc cây ăn quả đã cho những đợt trái đầu tiên. Mỗi lần nhìn du khách háo hức rồi reo lên thích thú khi lùng tìm được những thức quả chín mọng từ vườn cây ăn quả, lòng tôi cũng vui lây”, một người thợ làm vườn tên Ngọc (SN 1987) tại Bana Rita Farm chia sẻ với chúng tôi. 

Những khu, điểm du lịch sinh thái “mới nổi” như Bana Rita Farm, An Phú Farm, Yên Retreat… được giới làm du lịch thành phố đánh giá cao khi tạo được sự khác biệt với những lợi thế về cảnh quan thiên nhiên còn giữ được vẻ nguyên sơ với những rừng cây ăn trái, tiếng suối chảy róc rách, thảm cỏ xanh mướt hay tiếng gà gáy vào mỗi sớm mai.

Tất cả những trải nghiệm đó hoàn toàn đúng với dòng giới thiệu thật mượt mà trên trang web chính thức của Bana Rita Farm: “Cắm trại ở Bana Rita Farm, bạn được hòa mình vào thiên nhiên cây cỏ, thả hồn vào không gian trữ tình nên thơ, bạn trở về với tuổi thơ khi được bố mẹ cho đi cắm trại cùng bạn bè, ngủ lều, nhóm lửa, thưởng thức khoai nướng sắn lùi, bắp non gác bếp, rau sạch cà thơm…, bên cây đàn guitar ngân nga vài điệu hát, đắm mình đếm những vì sao đêm sáng lung linh, tái tạo năng lượng tích cực”.

Một trong những vốn liếng, chất liệu quan trọng, góp phần làm nên sự độc đáo, khác lạ của những khu, điểm du lịch nông nghiệp kể trên đó là lồng ghép nhiều món ăn đặc sản, lối sống sinh hoạt hằng ngày của đồng bào dân tộc Cơ tu vào không gian chung… Sự nỗ lực này đã và đang làm sống lại các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá của đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống tập trung ở các xã miền núi Hòa Phú và Hòa Bắc.

Anh Bùi Đức Vũ (SN 1989), chủ điểm du lịch cắm trại ngoài trời Yên Retreat cho biết, “linh hồn” của nơi này chính là bãi cỏ xanh tươi, trải dài toàn bộ diện tích 1ha được sử dụng, trong số 4ha đất nông nghiệp mà anh đồng sở hữu.

Với mong muốn góp thêm một “trạm dừng chân” đúng nghĩa cho du khách khi đến Đà Nẵng nói chung, xã Hòa Bắc nói riêng, anh Vũ thật tâm chia sẻ: “Mình “chèo lái” Yên Retreat đi theo hướng một khu cắm trại có người phục vụ. Khác hẳn với những khu cắm trại khác là chỉ cho thuê lều, địa điểm và phải tự phục vụ. Mình quan niệm, đi du lịch, kể cả du lịch trải nghiệm là phải dành toàn bộ thời gian để vui chơi, thưởng thức thay vì phải lo lắng, tất bật với việc nấu nướng như thường thấy. Đến với Yên Retreat, khách du lịch chỉ việc vui chơi, còn những phần việc khác đã có đội của tụi mình lo”.

Khung cảnh còn khá nguyên sơ tại khu du lịch Bana Rita Farm. Ảnh: KHÁNH HÒA
Khung cảnh còn khá nguyên sơ tại khu du lịch Bana Rita Farm. Ảnh: KHÁNH HÒA

Giải phóng nguồn lực từ đất đai nông nghiệp

Mở rộng phát triển du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm là xu thế được số đông du khách lựa chọn ở hiện tại cũng như tương lai. Đó cũng được xem như hành trình đánh thức nguồn tài nguyên đa dạng ở khu vực miền núi của địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển các mô hình du lịch xanh, du lịch hướng đến những giá trị bền vững về tài nguyên thiên nhiên. Cùng với nỗ lực các địa phương thì sự đầu tư khá bài bản của doanh nghiệp như nói trên đang từng bước tạo sức hút cũng như khẳng định vị thế của du lịch sinh thái, trải nghiệm.

Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư, với hình thức này họ không cần đầu tư quá nhiều vào các hạng mục cao cấp như: bể bơi, nhà hàng, quầy bar… bởi những gì khách hàng tìm kiếm là một không gian mộc mạc, gần gũi với thiên nhiên. Họ muốn tự tay trải nghiệm cảm giác gieo trồng, tưới cây, chặt củi, nấu ăn… trong không gian trong lành, yên bình.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Liên chi hội lữ hành Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng, chia sẻ nhu cầu và xu hướng du lịch của du khách đang có thay đổi cơ bản khi hướng đến các sản phẩm giàu trải nghiệm, đồng sáng tạo, gắn với địa phương và có trách nhiệm trong phát triển bền vững. Đây là cơ hội để đầu tư có trọng điểm cho du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp. Cho đến nay, Đà Nẵng bước đầu đã hình thành một số mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng thu hút du khách trong nước và quốc tế, góp phần cải thiện sinh kế và nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ du lịch, góp phần phát triển kinh tế địa phương theo xu hướng xanh, bền vững.

Trên nền tảng của tài nguyên, hoạt động sản xuất nông nghiệp, du lịch nông nghiệp của thành phố đang được “đánh thức” để khai mở tài nguyên, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch xanh. Nhiều khu, điểm du lịch sinh thái kết hợp nghĩ dưỡng đã được hình thành ở các xã Hòa Phú, Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) không chỉ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng ngành du lịch dịch vụ mà còn phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai nông nghiệp còn nhiều dư địa để đóng góp vào nguồn ngân sách của địa phương. Diện mạo của du lịch nông nghiệp được định hình còn mang lại nhiều lợi ích cho cả nông nghiệp, người dân vùng nông thôn. Sự kết hợp này có thể góp phần đa dạng hóa các hoạt động thương mại, giải quyết các vấn đề đầu ra cho nông sản. Trong khi đó, các tour du lịch nông nghiệp còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân, nhất là ở những thời điểm mùa màng “thất bát” hoặc không phải vụ thu hoạch.

Để hỗ trợ thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, HĐND thành phố đã có Nghị quyết số 82/NQ-HĐND ngày 17-12-2021 thông qua Đề án thí điểm phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản kết hợp khai thác dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện Hòa Vang trong giai đoạn 2022-2025.

Bày tỏ kỳ vọng sẽ hiện thực hóa ý tưởng mở một showroom quy mô, trưng bày, quảng bá và kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP ngay tại Bana Rita Farm, anh Lê Thanh Tuấn bảo rằng, nếu thực hiện thành công thì việc kết nối, thu hút du khách sẽ càng thuận lợi hơn. Được biết, Bana Rita Farm là một trong những dự án ban đầu “lọt” vào những dự án thí điểm của Nghị quyết 82/NQ-HĐND. Theo đó, hiện Bana Rita Farm chỉ sử dụng 30%/ tổng diện tích 5ha đất nông nghiệp, diện tích đất còn lại dùng để trồng cây ăn trái, cây cổ thụ. Trong khi đó, kể từ thời điểm chính thức hoạt động (năm 2019) đến nay, khu du lịch Yên Retreat đã trở thành điểm tiêu thụ một lượng lớn nguồn thực phẩm phục vụ cho nhu cầu của du khách được lấy từ chính những người dân, các chợ trên địa bàn huyện Hòa Vang.

Cùng với Bùi Đức Vũ, có 6 nông dân khác đã cùng kết hợp để hình thành nên Tổ hợp tác nông nghiệp du lịch, chung tay khai thác và quản lý, gìn giữ hiệu quả nguồn lực tại nơi này.

Ông Nguyễn Thúc Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hòa Vang cho biết, hiện nay Hòa Vang có 4 mô hình được UBND huyện thống nhất chủ trương và triển khai trên cơ sở Nghị quyết 82/NQ-HĐND, trong đó có 3 mô hình đã đón khách và hoạt động ổn định gồm: An Phú Farm, mô hình Bana Rita Farm (cùng xã Hòa Phú) và mô hình “Vườn nho thung lũng Nam Yên” (xã Hòa Bắc). Các mô hình đều tạo việc làm tại chỗ cho khoảng 25-30 lao động địa phương, giúp tiêu thụ nông sản và sản phẩm đặc sản OCOP của huyện. Sau thời gian đi vào hoạt động, các mô hình đã chứng minh việc tích hợp đa ngành vào sản xuất nông nghiệp và giúp nông nghiệp tăng giá trị lên gấp nhiều lần. Thời gian tới, UBND huyện sẽ tiếp tục thẩm định các dự án tương tự theo đúng nguyên tắc nhằm nhân rộng mô hình một cách hiệu quả, phục vụ lợi ích cộng đồng.

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.