Radio ngày cũ

.

Đã từ lâu tôi không còn nghe đài phát thanh, dù trong nhà vẫn còn giữ mấy cái radio cũ trưng bày hoài niệm. Thế mà vừa rồi đi thủ đô, trên xe taxi bỗng tài xế bật đài, có lẽ cậu ta cũng chỉ mở vậy cho khách nghe đỡ buồn.

Lúc ấy nhà đài đang phát chương trình văn nghệ, những bài hát mùa thu Hà Nội kèm theo lời dẫn đầy cảm xúc. Giọng phát thanh trầm ấm, cách nhả chữ chậm rãi khi nói đến đoạn lá vàng rơi trên hè phố. Nhìn qua cửa kính xe, khung cảnh bên ngoài y hệt, giống như có một sự đồng điệu cảnh sắc và thanh âm. Tôi nhờ tài xế chạy thật chậm, qua những con phố rợp cây xanh cổ thụ cho đến khi chương trình phát thanh hết thì xe dừng lại, rồi chọn một quán cà phê vỉa hè ngồi ngắm mùa thu.

Thanh âm nhẹ nhàng trên chuyến xe ấy đã gợi lên trong tôi một cảm xúc đặc biệt. Như thể nó đã giúp mình sống chậm lại, ngưng nghỉ để cảm nhận đầy đủ hơn hương vị cuộc sống. Nó cũng gợi lên biết bao ký ức hồn hậu của những năm tháng cũ, khi mà chiếc radio như người bạn thân thiết của mình.

Những năm học cấp ba, nhà tôi cách trường mười cây số. Buổi sáng phải dậy sớm đạp xe từ làng lên tới thị xã mất cả tiếng đồng hồ, trưa lại phải đạp xe về. Quãng đường dài không hề có bạn bè đi cùng, chỉ mình với chiếc xe đạp. Rồi tôi mua một cái radio nhỏ, loại bỏ túi lắp một viên pin đại nhưng nghe được rất lâu. Chiếc radio có cần gạt bắt sóng, tay lăn bánh xe sao cho đến lúc bắt đúng tần số mới nghe được. Thỉnh thoảng đang nghe thì phát ra tiếng rèn rẹt do nhiễu sóng tín hiệu. Tôi để chiếc radio trước giỏ xe, vừa đạp vừa nghe. Đường sá lúc ấy cũng không nhiều xe vận tải cỡ lớn như bây giờ, chỉ toàn xe máy xe đạp, thỉnh thoảng mới có một chiếc xe tải chở vật liệu, nên chuyện việc đi lại rất an toàn. Tôi vừa đạp xe vừa nghe các chương trình phát trên đài, nghe tất cả những tin thời sự cho đến... quảng cáo. Nhờ thế mà chân bớt mỏi và thậm chí còn thích đạp xe rong ruổi đến trường kiểu đó.

Buổi tối, sau khi học bài xong tôi lại bật radio nghe chương trình văn nghệ, hoặc đọc truyện đêm khuya. Tôi còn nhớ giọng của cô phát thanh viên ấm áp truyền cảm khi đọc những truyện ngắn hay tiểu thuyết dài kỳ. Nhờ nghe đài, tôi biết thêm những kiến thức xã hội, những câu chuyện văn chương và đến kỳ thi tốt nghiệp năm đó, tôi vốn chỉ học lệch những môn tự nhiên lại có thể thả sức viết tràn mấy trang giấy môn văn. Tôi biết ơn những tháng ngày rong ruổi xe đạp đến trường cùng chiếc radio ấy. Nếu không có nó, hẳn mình sẽ nghèo nàn hiểu biết đi rất nhiều.

Những đêm mưa, tiếng radio khiến căn nhà cũ bớt buồn, tin tức thời sự được phát xen lẫn những câu chuyện đó đây. Ấy là thời chưa có mạng internet và điện thoại thông minh như bây giờ, nên radio, nói như một câu quảng cáo là “mang cả thế giới đến căn nhà của bạn”.

Thiết thực nhất là những khi bão lụt, người ta phải cắt điện đề phòng nguy hiểm. Thông tin lúc ấy nhờ cả vào chiếc radio lắp pin, nghe đài báo tin bão liên tục. Rồi những ngày sống chung với nước lũ, ai nấy đều chồn chân ở nhà và nhờ chiếc đài nhỏ mà căn nhà có thêm tiếng người, có thêm những chuyện giải khuây. 

Chiếc radio chỉ có một kênh, nghe được một đài, không có chọn lựa nào khác. Nó không thể chuyển kênh như xem tivi, hay sau này có mạng internet thì truy cập các trang web tùy ý, và đến hôm nay thì điện thoại thông minh tha hồ lướt tin tức. Có khi chạy theo các tin nóng, các sự kiện đám đông mà bản thân nhiễm dần lối sống vội vàng, thậm chí thiếu tập trung vào công việc. Xem ra, việc nghe radio ngày nay có vẻ đã lạc hậu, nhưng đó lại là một cách luyện tính kiên nhẫn.

Hôm nay tôi lấy chiếc radio cũ trong mớ đồ kỷ niệm của mình đem lau chùi rồi lắp pin, thật may là nó vẫn còn hoạt động. Tôi bắt đầu tập nghe lại radio, giống như một người đã sống quá vội vàng nay cần bình tâm trở lại. Mùa bão lụt miền Trung cũng đang đến, cái đài nhỏ nhắn xưa cũ ấy chắc sẽ rất hữu ích với những ngày mất điện sắp sửa.

Chợt nhớ cậu lái taxi hôm nọ ở thủ đô bảo rằng tài xế bây giờ toàn nghe đài phát thanh, vừa để tập trung lái an toàn, vừa có thêm thông tin, chứ đâu rảnh tay để lướt điện thoại. Mới hay, hoài cổ đôi khi cũng có lắm điều hay.

HOÀNG CÔNG DANH

;
;
.
.
.
.
.