Chiếc mặt nạ và cuộc chiến triệu đô

.

Ai mà không “phát sốt” khi hay tin món đồ của mình chỉ vừa rời tay với giá rẻ mạt đã bị bên mua lại đem đấu giá và bán được tới vài triệu USD? Độ chênh quá lớn này đã dẫn tới hệ lụy tất yếu: một cuộc đáo tụng đình của hai bên mua và bán.

Chiếc mặt nạ Ngil của người Fang tại Gabon được bán đấu giá ngày 26-3-2022 tại thành phố Montpellier (Pháp) với giá 4,5 triệu USD. Ảnh: AFP
Chiếc mặt nạ Ngil của người Fang tại Gabon được bán đấu giá ngày 26-3-2022 tại thành phố Montpellier (Pháp) với giá 4,5 triệu USD. Ảnh: AFP

Đây là tình huống xảy ra trong thực tế của cặp vợ chồng cao niên (người chồng 88 tuổi và người vợ 81 tuổi) sống tại miền nam nước Pháp. Tên thật của họ chỉ được xác định ngắn gọn là ông, bà Fournier theo như tài liệu tòa án. Món đồ - “nhân vật chính trong vụ kiện” - là chiếc mặt nạ cổ của châu Phi mà ông Fournier được thừa kế từ ông nội.

Giao dịch có phạm luật?

Ông René-Victor Edward Maurice Fournier - tức ông nội của ông Fournier từng là thống đốc thuộc địa của Pháp tại trung Phi trong những năm đầu thế kỷ XX khi phần lớn khu vực này đều nằm dưới sự cai trị của Pháp. Theo đài BFMTV, thông tin giới thiệu của nhà đấu giá cho biết chiếc mặt nạ này “được thống đốc thuộc địa René-Victor Edward Maurice Fournier (1873-1931) sưu tập vào khoảng năm 1917, trong hoàn cảnh chưa xác định, có thể là một chuyến đi Gabon”.

Đài CNN (Mỹ) dẫn tài liệu tố tụng cho biết ông bà Fournier đã bán chiếc mặt nạ vào tháng 9-2021 cho một người thu mua đồ cũ với giá 150 euro (160 USD, gần 4 triệu đồng). Theo ông Frédéric Mansat Jaffré, luật sư đại diện cho vợ chồng họ, khi ấy hai người không biết gì về giá trị thực của nó và tin là người mua đã trả giá hợp lý.

Tuy nhiên vài tháng sau, luật sư này cho biết, ông bà Fournier biết tin qua một bài báo là chiếc mặt nạ cổ của họ đang được mang ra bán đấu giá tại thành phố Montpellier ở miền nam nước Pháp với mức giá gấp nhiều lần. Hai ngày sau phiên đấu giá, chiếc mặt nạ được bán với giá 4,2 triệu euro (4,5 triệu USD, gần 110 tỷ đồng). Ông bà Fournier đã khởi kiện dân sự với người mua, song tòa đã phán quyết họ thua vào mùa thu năm ngoái và phải thanh toán mọi chi phí tố tụng.

Không cam tâm với phán quyết, hiện tại hai ông bà đang nộp đơn kháng án, trong đó họ cáo buộc người mua đồ cũ đã “không thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin trong giai đoạn tiền hợp đồng” và đã vi phạm “nguyên tắc đồng thuận”. Họ yêu cầu tòa hủy giao dịch mua bán chiếc mặt nạ cổ, và trả lại họ mọi số tiền thu được từ phiên đấu giá.

Linh vật của người Gabon

Trong khi đó, theo tài liệu tố tụng, luật sư của bên mua bảo lưu quan điểm cho rằng thân chủ của họ không hề biết về giá trị của chiếc mặt nạ vào thời điểm ông ấy mua nó từ ông bà Fournier. Ông ấy chỉ biết khi mang nó tới nhà đấu giá để nhờ thẩm định. Tài liệu tố tụng cho thấy các luật sư của bên mua lập luận rằng “những người bán không có cơ sở để nói rằng họ lầm lẫn. Chính họ đã đưa ra mức giá bán 150 euro. Họ đã đưa ra đánh giá kinh tế không chính xác về giá trị của chiếc mặt nạ”.

Một diễn biến bất ngờ khác nữa là khi đơn kháng cáo của ông bà Fournier nộp lên tòa Alès Tribunal ở miền nam nước Pháp vào ngày 31-10 thì chính phủ Gabon cũng đã có một hành động độc lập của họ. Họ nộp đơn kiến nghị lên tòa Pháp, chính thức yêu cầu tòa đình chỉ các giao dịch liên quan tới chiếc mặt nạ.

Theo bà Olivia Betoe Bi Evie, một trong các luật sư đại diện cho Chính phủ Gabon cho biết, trong đơn kiện của Gabon cáo buộc ông nội ông Founier đã đánh cắp chiếc mặt nạ Ngil và vì thế chưa bao giờ là chủ nhân hợp pháp của nó. Chính vì vậy, nếu tòa chấp nhận đơn kiến nghị của họ và đình chỉ mọi thủ tục giao dịch pháp lý hiện nay liên quan tới mặt nạ Ngil, Gabon sẽ có đủ khả năng để theo đuổi vụ kiện độc lập trong việc xử lý các cổ vật đã bị lấy cắp và đấu tranh để đưa chúng về đất nước ban đầu của chúng. Theo đài CNN, phiên tòa ở Pháp dự kiến sẽ công bố phán quyết về vấn đề này vào ngày 19-12.

Mặt nạ truyền thống châu Phi

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, mặt nạ truyền thống châu Phi là một trong những yếu tố của nghệ thuật châu Phi có ảnh hưởng rõ rệt nhất đến châu Âu và nghệ thuật phương Tây nói chung. Trong thế kỷ XX, các phong trào nghệ thuật như lập thể, dã thú và chủ nghĩa biểu hiện thường được lấy cảm hứng từ những chiếc mặt nạ cổ xưa này. Ảnh hưởng của chúng vẫn còn lưu lại trong các lễ hội văn hóa truyền thống khác như cuộc diễu hành carnival mặt nạ ở khu vực Nam Mỹ và Trung Mỹ

Cũng theo chia sẻ của bà Olivia Betoe Bi Evie với đài Mỹ, chiếc mặt nạ Ngil là cực kỳ quý hiếm và mang giá trị tín ngưỡng rất lớn đối với người Gabon. Ra đời vào khoảng thế kỷ XIX, mặt nạ Ngil là tác phẩm nghệ thuật có nguồn gốc từ thời nguyên thủy thuộc văn hóa bộ tộc Fang của Gabon, thường được dùng trong đám cưới, đám tang và các nghi lễ khác. Người Fang làm mặt nạ Ngil từ gỗ, kết hợp cao lanh. Theo trang Artnews, hiện còn chưa tới 10 chiếc mặt nạ Ngil đang được trưng bày trong các viện bảo tàng trên toàn thế giới. Còn theo thông tin trên trang web của nhà đấu giá Sotheby’s về một chiếc mặt nạ Ngil tương tự, những cổ vật này “nằm trong số những tác phẩm nghệ thuật hiếm nhất và nổi tiếng nhất của châu Phi”, chính vì thế nó cũng được giới buôn đồ cổ săn lùng nhiều nhất.

“Với người phương Tây, chiếc mặt nạ này là một tác phẩm nghệ thuật”, bà Betoe Bi Evie nói, đồng thời cho biết: “Nhưng với người châu Phi, người Gabon, đó là một linh vật mang lại bình yên trong xã hội. Nó rất quan trọng”.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.