Sức sống mới cho văn học thiếu nhi

.

Theo những người quan sát văn học, những năm gần đây, nhất là sau đại dịch Covid-19, văn học dành cho thiếu nhi đang được quan tâm hơn. Hội Nhà văn Việt Nam, các nhà xuất bản và các tờ báo, tạp chí từ Trung ương đến địa phương đều nở rộ nhiều hoạt động sôi nổi nhằm kích thích phong trào sáng tác và thể hiện rõ hơn vai trò và trách nhiệm của văn học đối với thiếu nhi.

Thông qua rất nhiều cuộc thi với quy mô lớn, nhỏ khác nhau; các cuộc vận động sáng tác trên khắp cả nước đã giới thiệu hàng loạt bản thảo và tựa sách chất lượng, tạo nên không khí sáng tác sôi động nhất từ trước đến nay. Các quyển sách được xuất bản và đến tay độc giả như những bông hoa muôn màu muôn vẻ, từ những mẫu chuyện đồng thoại vài trăm chữ dễ đọc, dễ hiểu cho đến những quyển truyện dài với nội dung đột phá và mới mẻ hơn. Tạo nên một vườn hoa đầy hương sắc, đa dạng hóa sự chọn lựa cho phụ huynh và độc giả nhỏ tuổi.

Sẽ không quá nếu cho rằng 2023 là năm của văn học thiếu nhi. Trong khoảng đầu năm, hàng loạt sách thiếu nhi được xuất bản với nội dung hấp dẫn, mới lạ và phần trình bày vô cùng chỉn chu đã góp phần định hình một phần nào đó văn hóa đọc của các bạn nhỏ. Hiện nay, số lượng trẻ em nghiện điện thoại ngày một tăng, không thể phủ nhận sự hấp dẫn của trò chơi điện tử hay nhu cầu muốn kết nối thông qua mạng xã hội ngày càng tăng tuy nhiên việc sử dụng thường xuyên các phương tiện điện tử trong thời gian dài có thể dẫn đến các hội chứng rối loạn tâm lý ở trẻ như tăng động, giảm chú ý hay nghiêm trọng có thể mắc hội chứng TIC- một hội chứng khiến trẻ hung hãn hơn.

Các trường hợp trẻ chậm nói, ngại giao tiếp tăng lên rõ rệt so với vài năm trước. Do đó, việc tập các thói quen tốt hay gieo vào lòng của bạn nhỏ niềm say mê đọc sách là vô cùng hữu ích cho sự phát triển của trẻ. Đọc những quyển sách phù hợp với lứa tuổi không những giúp trẻ tăng khả năng giao tiếp, chấp cánh cho trí tưởng tượng mà còn giáo dục trẻ những giá trị nhân văn trong đời sống.

Tôi vẫn nhớ ấn tượng lần đầu được gặp Súp - bé gái 6 tuổi ham mê đọc sách và vô cùng tự tin. Được hướng dẫn đọc sách phù hợp và đúng cách không hề biến Súp trở thành một mọt sách thụ động mà còn giúp em rèn luyện khả năng tự học tuyệt vời. Bé có thể chủ động phát huy những sở trường của mình và từ đó phụ huynh có thể hổ trợ các em nhiều hơn trong tương lai.

Với ý nghĩa đó, các cuộc thi vận động sáng tác dành cho trẻ em ra đời, nhận được  nhiều hưởng ứng tích cực, cho thấy sự quan tâm của xã hội đối với văn hóa đọc, đặc biệt là chăm sóc đời sống tinh thần cho các mầm non của xã hội.

Vừa là nơi để các nhà văn có mối quan tâm đến văn học thiếu nhi có cơ hội giới thiệu các tác phẩm của mình mà các nhà xuất bản cũng có thể tìm được những bản thảo triển vọng và đầy ắp sự sáng tạo mới mẻ. Và để đa dạng thêm các chủ đề văn học thiếu nhi, mở rộng chân trời tưởng tượng của các em, các nhà văn trẻ tuổi với những khát vọng đi tìm cái mới, khám phá những chân trời riêng ở các thể loại mới như tác giả Lạc An với Ông Ba Bị và những đứa trẻ trong mơ hay Phát Dương với 100 cửa sổ. Hay những nhà văn không ngừng làm mới mình mà tính cá nhân và phong cách cá nhân luôn vượt trội, khó có ai thay thế được, nhưng quan trọng hơn là họ luôn có một tình yêu đối với văn học thiếu nhi như Trần Đức Tiến hay Thụy Anh.

Văn học thiếu nhi với không gian rộng lớn, xuyên biên giới và thời gian của nó. Không chỉ chấp cánh trí tưởng tượng cho các em mà còn gieo những hạt mầm về tình yêu thương gia đình và rộng ra là tình yêu con người. Để văn hóa đọc có thể là một hành trang cho mỗi trẻ em có thể bước vào cuộc đời đầy ắp những bất ngờ thú vị phía trước.

LÊ MÂY

;
;
.
.
.
.
.