Không biết năm học này, ngoài một số trường THPT của Đà Nẵng, còn có bao nhiêu tỉnh, thành phố quy định nữ sinh THPT mặc đồng phục áo dài tất cả các ngày trong tuần khi đến lớp? Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh bỏ quy định này từ lâu, chỉ yêu cầu mặc đồng phục áo dài ngày thứ Hai và ngày lễ. Và hiện nay, nhiều trường trên cả nước cũng không bắt buộc nữ sinh mặc đồng phục áo dài suốt tuần, hầu hết các trường ở những địa phương này chỉ quy định học sinh mặc lễ phục và áo dài vào ngày đầu tuần và ngày lễ.
Cái hay của đồng phục áo dài khi đến trường thì ai cũng biết: tạo sự mềm mại, uyển chuyển, là giữ gìn hình ảnh thục nữ nhu mì cho người con gái, là nhắc nhở nữ sinh về sự tinh tế và nữ tính khi đến trường, là đẹp khi ngồi trong lớp, và nhất là khi tham gia các hoạt động lễ hội… Tất cả các ý kiến đó rất rất thuyết phục, rất cần và rất hay.
Được biết, những năm trước thập niên 60, hầu như phụ nữ ra đường đều phải mặc áo dài, thậm chí bán hàng xén, quán ăn, đi chợ, công sở… đâu đâu cũng phải áo dài. Nữ sinh (kể cả cấp II) dĩ nhiên là cũng mặc đồng phục áo dài. Trong các ký túc xá ở Huế, vào những ngày nghỉ như Chủ nhật, khi có khách đến chơi, kể cả người nhà đến thăm thì nữ sinh cũng phải phép tắc mặc áo dài. Và dĩ nhiên các nữ chính khách (hiếm hoi) ngày ấy ai cũng phải mặc áo dài. Áo dài là thước đo cái đẹp nết nói lên tiêu chuẩn về sự đàng hoàng, lịch sự của người phụ nữ.
Tuy nhiên ngày nay cùng với sự phát triển đời sống đô thị, việc mặc áo dài nói chung không còn nghiêm khắc và bắt buộc như xưa. Ra chợ ngày nay ai mà mặc áo dài xem như là chuyện lạ, các sinh hoạt hằng ngày việc mặc áo dài cũng giảm thiểu rất nhiều. Trong các buổi liên hoan văn nghệ hoặc đến nhà hát sang trọng, ăn cưới, dạ tiệc cũng ít khi các mẹ, các chị diện trang phục áo dài. Tại công sở, trừ những ngày lễ hoặc lễ tân có tính ngoại giao chứ thường ngày thì cũng hiếm có người mặc áo dài.
Nói vậy để thấy, có lẽ nên xem lại quy định nữ sinh phải mặc đồng phục áo dài tất cả các ngày trong tuần. Nữ sinh ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng và nhiều nơi khác chỉ mặc áo dài vào thứ Hai và ngày lễ liệu có giảm nữ tính? Lý lẽ mặc áo dài trắng mới bảo đảm sự hiền dịu và nghiêm trang trong học tập không còn thuyết phục. Vì sao nam sinh chỉ mặc lễ phục (thường là áo sơ mi trắng, quần trắng) vào ngày đầu tuần còn nữ sinh thì phải áo dài suốt tuần?
Vào những ngày thời tiết nắng nóng, ngoài trời có khi lên tới 400C, không phải trường nào cũng có máy điều hòa, ngồi trong phòng học mấy chục người, mỗi lớp vài chiếc quạt trần thì mới thấy hết cái ngột ngạt, bức bối. Còn mùa đông lạnh thấu xương, mưa gió dầm dề mà phải lượt phượt áo dài thì quả là một cực hình cho các nữ sinh. Khó mà nói hết sự bất lợi của đồng phục áo dài. Nhìn các em mà thương, học hành vất vả, căng thẳng mà suốt 5 tiết học với chiếc áo dài mới thấy bất tiện.
Vì vậy, nên chăng cần có quy định giống nam sinh, nữ sinh chỉ mặc áo dài vào ngày thứ Hai và ngày lễ, các ngày thường cho các em mặc bình thường. Dĩ nhiên không phải tùy tiện, muốn mặc kiểu gì cũng được, mà phải có quy định cụ thể đồng phục ngày thường cho học sinh. Đã đến lúc cần có suy nghĩ khác, nữ sinh đến lớp và học tập không mặc áo dài sẽ thuận lợi hơn. Việc nữ tính không tùy thuộc vào ăn mặc của mỗi người.
Nghe đâu khi ngành hàng không Việt Nam khai trương chuyến bay đầu tiên, qua nhiều lần thay đổi đồng phục tiếp viên, chiếc áo dài tạo nên sự ngạc nhiên thú vị đối với hành khách. Ai cũng trầm trồ vì nó đẹp, ấn tượng và độc đáo. Tuy nhiên, sau đó nhiều vị khách nước ngoài nhất là khu vực Trung Đông phàn nàn áo dài của tiếp viên Việt Nam… mỏng quá. Vì thế, đồng phục áo dài tiếp viên hàng không mà ta thấy hiện nay trên các chuyến bay là sự cải biên theo góp ý đó.
Đó là chuyện trên trời, còn chuyện các trường THPT của Đà Nẵng hiện nay rất cần xem xét thấu đáo về vấn đề này và sớm có sự thay đổi phù hợp với thực tế về việc quy định mặc đồng phục của nữ sinh THPT. Nữ tính và sự dịu dàng không thể chỉ từ chiếc áo dài, cũng không phải chỉ để hằng ngày làm đẹp khi tràn ngập sân trường một màu trắng tinh khôi. Hình thức quan trọng nhưng quan trọng hơn là nên nghĩ đến thực tế bất tiện về đồng phục áo dài của nữ sinh suốt 27 tháng đến trường trong 3 năm THPT.
NHÃ ĐAN