39 đoản thiền để thấy

.

Sau khi tôi đọc liền một mạch tập sách 39 đoản thiền để thấy của Phan Đăng (NXB Kim Đồng, 2023), tôi nhắm mắt lại và chỉ nghĩ trước mắt mình là một đại dương bao la, nằm trong một thiên hà bát ngát ở trong cái vô cùng, vô ngôn, tôi cảm thấy nhẹ cả người - cái cảm giác ấy thật lạ nhưng không lạ.

Như tác giả có nói “biết để buông”, giống khi đã qua sông rồi thì hãy bỏ cái bè lại, nếu vác bè lên vai tiếp tục đi thì trở thành vật bám víu; nhưng tôi và đa số mỗi người chúng ta là những người bình thường, không phải bậc thánh nhân, còn vướng bận những thăng trầm của cuộc sống, cho nên tôi đọc tập sách cũng với một định kiến tôi sẽ “thấy gì đây”, chứ chưa đến độ “thấy để không thấy”. Ở đây, tôi thấy rất nhiều chuyện, thấy cả các ý niệm, thấy thêm những điều hiển nhiên đang diễn ra xung quanh ta với một con mắt khác, nhưng tôi chỉ muốn nêu ý niệm “thấy gì” thôi.

Mặc dù cảm thấy nhẹ cả người, nhưng thật sự mỗi một đoản thiền chính là một câu chuyện, một ý niệm có tính đại diện cho một tình huống cuộc sống hiện nay của chúng ta (mà đa số chúng sẽ gặp và chắc chắn đã hoặc đang gặp) và nó sẽ được lặp đi lặp lại với hình thức này hay hình thức khác. Nếu bạn đọc tập sách và thấm một phần hay nhiều tầng ý niệm lớp của câu chuyện, bạn và tôi sẽ có cám giác trải nghiệm nó như chính tác giả đã trải nghiệm bằng thực tế cuộc đời mình, đó chính là cái hay của tập sách này.

Tác giả đã đưa chánh niệm vào để nhìn nhận cuộc sống với một thái độ thỏa đáng, đó cũng là một “phương pháp trị liệu” của căn bệnh “tâm trí” trong cuộc sống hiện đại ngày nay mà chúng ta lâu nay ít để ý hoặc mặc kệ, buông thả (chứ không phải buông bỏ) và như vậy xét về mặt xã hội sẽ dẫn đến sự trì tuệ, bất ổn tinh thần xã hội, thiếu chiều sâu, vô trách nhiệm với chính mình của mỗi cá nhân. Trong đó, tôi chú ý nhất chủ ý của tác giả nói về sự trung thực và biết lắng nghe các chi tiết của trái tim, của cuộc sống; biết chìm đắm trong một ý niệm mà ta cho là lý tưởng, là xác đáng nhưng không bị kẹt trong nó, sẵn sàng thoát ra khỏi nó, tách mình ra khỏi nó khi cần; đây cũng chính là một thông điệp mà tác giả muốn nhắn nhủ đến bạn đọc.

Như trên đã nói, vì tôi và đa số bạn đọc là những người bình thường cho nên tôi nghĩ việc thẩm thấu các đoản thiền của tác giả chính là biết vận dụng các thái độ vào để xử lý các tình huống của chính chúng ta. Ở đây, tôi chỉ lấy một số ví dụ trong rất nhiều ví dụ để minh họa mà thôi, chuyện là khoảng 2.600 năm trước, Đức Phật bị vu oan khi có một cô gái đến gặp và nói rằng mình mang trong bụng đứa con với Phật, rất nhiều giáo sĩ của các tôn giáo khác hùa theo bởi họ muốn hạ bệ Phật. Khi ấy, Đức Phật chỉ lặng im, sau một hồi lâu, ngài bảo: “Này cô gái kia ơi, có bầu hay không thì tôi và cô biết rõ với nhau mà!”. Chỉ thế thôi. Chỉ thế là đủ, chấp ngã mà làm gì (Có một Thiền sư Nhật Bản cũng gặp một tình huống tương tự, nhưng ngài không nói gì cả, chấp nhận mang tiếng xấu và nuôi đứa trẻ; khi đứa trẻ lớn lên, cảm động trước thái độ của vị Thiền sư, người mẹ đã nói ra sự thật và vị Thiền sư kia càng được mọi người tôn trọng, dù ngài không minh oan và không cần nói từ nào). Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta cần có một thái độ, một tâm niệm như vậy, bởi như một khi có ai nói không hay về ta, nếu ta không nhận thì cái không hay đó thuộc về người nói ra lời không hay đó chứ không phải là ta.

Hay một câu chuyện khác về sự kết nối giữa ta với cái không ta (cái không ta thực ra cũng có ta trong đó), bất kỳ một việc gì cũng là kết quả của rất nhiều nguyên nhân, đừng ôm đồm kết quả đó chỉ là công sức của mỗi mình ta mà có. Tuy nhiên, chúng ta cần tôn trọng, giữ gìn, cảm kích, biết ơn cái đầu tiên của sự việc, hay cái mà chúng ta cho là quan trọng nhất để có một kết quả nào đó (tôi xem đó là một sự chuyển hướng về chất, một thắt nút của sự việc); bởi xét cho cùng chính những cái đầu tiên, cái thắt nút chuyển hướng đó là cái còn lại của thiên tạo. Bạn cho tôi chén cơm lúc tôi đang đói, lúc tôi đang cần trong khốn khó, có thể giá trị chén cơm không lớn về kinh tế; và sau này nếu tôi có thành tựu gì đó lớn lao, không lo chuyện cơm áo gạo tiền nhưng tôi luôn cảm kích, biết ơn nó và người có quyết định cho tôi chén cơm đó (hình ảnh chén cơm đó chính là điều còn lại mãi mãi trong tính tự thân hiển nhiên của tôi, đó là giá trị của thế giới, xã hội người).

Một người thầy cho tôi lời khuyên, hướng dẫn tôi về chuyên môn, mà nhờ đó tôi có thể dần hoàn thiện hoặc có tính bước ngoặt về năng lực của tôi, mặc dù sau này tôi hơn thầy về nhiều mặt, nhưng tôi vẫn luôn biết ơn, cảm kích thầy bởi đã cho tôi một giá trị lúc tôi đang cần. Tôi cảm nhận ra rằng, qua hai ví dụ trên, tri kiến - đó chính là ta biết quên cái tôi đi để nói về cái có ý nghĩa đúng lúc và cũng quên cái tôi đi khi người được mình hỗ trợ hơn mình ở hiện tại và tương lai, bởi tất cả chúng ta cũng chỉ là một mắt xích của hiện hữu đời sống.

Cũng giống như tác giả tập sách, Phan Đăng nói có 39 đoản thiền, nhưng đoản thiền số 39 chỉ là trang giấy trắng, không có chữ nào cả. Tôi hiểu đây là ý của tác giả bởi tất cả 38 đoản thiền trước đó đều hướng về cái chánh niệm, vô ngã, cái trống không, cái TÔI của mỗi người trong đời sống tỉnh thức, tự nhiên. Đến giờ, mỗi người phải tự đi tìm chính mình, không ai có thể thay thế công việc đó ngoài chính bản thân người đó, họ có thể viết tiếp, thực hành tiếp những câu chuyện của họ mà tác giả chỉ là một người đã ghi nhận thành thực. Mỗi người hãy tự thắp đuốc lên mà đi!

VÕ HÀ

;
;
.
.
.
.
.