Văn hóa thần tượng

.

Ai trên đời này cũng có ít nhất một thần tượng cho riêng mình, cho nên, văn hóa thần tượng vốn là một nét đẹp, một giá trị có ý nghĩa tích cực để mỗi con người, thậm chí là một giới, một thế hệ hướng về và phấn đấu, rèn luyện mình theo những giá trị mà thần tượng của mình mang lại. Tuy nhiên, văn hóa thần tượng trong thời đại ngày nay đang có những biến đổi lớn, nhất là trong giới trẻ.

Phần đông giới trẻ hiểu đúng văn hóa thần tượng vẫn dành sự hâm mộ đến những người đem đạo đức và tài năng của mình cống hiến, hy sinh vì lợi ích cộng đồng, vì tiến bộ xã hội. Còn một bộ phận không nhỏ lại thần tượng những “sao” trong lĩnh vực ca nhạc, điện ảnh, người mẫu, doanh nhân…, thậm chí “thần tượng” cả những cá nhân chỉ chuyên bày ra các chiêu trò lố bịch để câu like, câu view...

Nghĩa là, văn hóa thần tượng được lưu truyền từ đời này sang đời khác với tất cả giá trị và ý nghĩa tốt đẹp của nó. Tuy nhiên, cũng như tín ngưỡng, nếu tín ngưỡng là hướng về những giá trị tốt đẹp thì cuồng tín lại trở nên mê muội. Thần tượng là hình mẫu tốt đẹp thì cuồng thần tượng lại dẫn đến sự mù quáng, lạc đường, chệch mẫu mà có khi ngay cả thần tượng của mình cũng không mong muốn thế, nhất là đối với giới trẻ hiện nay.

Chính vì cuồng thần tượng nên giới trẻ thường đi lệch chuẩn văn hóa thần tượng. Thực ra, tôn một ca sĩ, một diễn viên, một người mẫu hoặc một nhóm nhạc trong nước hoặc cả ở nước ngoài là thần tượng của mình, điều này hoàn toàn không có gì sai, đáng khuyến khích. Nhưng giới trẻ ngày nay lại chỉ hâm mộ về tài mà ít coi trọng đạo đức.

Thậm chí họ còn cuồng thần tượng đến mức trở thành “fan” ruột để ca ngợi, đề cao những cái không thực tài. Khi ca sĩ biểu diễn thì ít chú trọng về giọng hát qua sự thẩm âm (nghe) của mình, mà chủ yếu là chú trọng về ngoại hình, trang phục, nhảy (nhìn)... Rồi thì do thần tượng một cách mù quáng, các “fan” lại đi bênh vực cả những cái sai của thần tượng, kiểu như “tình nguyện được đi tù thay cho thần tượng”, rồi cổ xúy “nếu anh sai, chúng em sẽ sai cùng anh”…

Tôn vinh những hành vi phi đạo đức, noi theo những việc làm sai trái của thần tượng chính là một hiện tượng rất nguy hiểm của giới trẻ hiện nay. Đặc biệt nguy hiểm hơn nữa là các “fan” cuồng này, theo thống kê, lại có xu hướng trẻ hóa đến cả học sinh tiểu học và THCS - lứa tuổi chưa đủ năng lực để đánh giá đúng các giá trị chân - thiện - mỹ để tôn vinh.

Để xây dựng văn hóa thần tượng trong giới trẻ hiện nay, một mặt chúng ta cần xem trọng đạo đức bên cạnh tài năng của các nghệ sĩ, “sao” trong các lĩnh vực vì họ là người có tầm ảnh hưởng (KOLs) lớn với giới trẻ. Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quyết định 512/QĐ-BTTTT ngày 31-3-2023 về Kế hoạch hành động cập nhật Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giai đoạn 2021-2025.

Trong đó nêu rõ việc xây dựng “Quy trình xử lý (hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo) đối với nghệ sĩ, KOLs có hành vi vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục”. Điều này sẽ giúp các “sao” nâng cao ý thức đạo đức bản thân, hạn chế những phát ngôn mang tính chủ quan cá nhân, tác động xấu đến tâm sinh lý giới trẻ. Mặt khác, cuồng thần tượng đang có xu hướng trẻ hóa về độ tuổi, vì vậy, nhà trường, đặc biệt là các thầy cô giáo cần tăng cường giáo dục, nhắc nhở thường xuyên để văn hóa thần tượng không bị lệch chuẩn. Phụ huynh cũng cần chú trọng định hướng cho con em mình để các em không bị hiệu ứng đám đông chi phối, kéo vào những nhóm “fan” lệch chuẩn trong văn hóa thần tượng.

Chính thần tượng mù quáng của phần đông giới trẻ hiện nay đã khiến cho nhiều nghệ sĩ ngộ nhận về tài năng của mình, dẫn đến hiện tượng tự cho mình được quyền làm những điều sai trái, sống buông thả, không chú trọng tu dưỡng đạo đức vì được số đông giới trẻ tôn làm thần tượng. Để văn hóa thần tượng không lệch chuẩn, cần tiến hành từ hai phía: bản thân các “thần tượng” và “fan của các thần tượng” đó nhằm đưa văn hóa thần tượng về đúng chuẩn của những giá trị tốt đẹp.

ẨN LAN

;
;
.
.
.
.
.