Chuyện môi trường

.

1. Môi trường là một thuật ngữ có ý nghĩa rộng và một lịch sử được nghiên cứu, phát triển từ hơn hai thế kỷ nay. Môi trường liên quan đến nhiều khía cạnh trong không gian sống của con người, từ sinh vật học, kiến trúc, các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn. Theo luật bảo vệ môi trường Việt Nam, “môi trường bao gồm các yếu tố tự nhiên và yếu tố vật chất nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và thiên nhiên”. Có thể tóm tắt thành các nội dung sau đây:

Đoàn viên, thanh niên tham gia trồng cây xanh và dọn rác ven biển. Ảnh tư liệu
Đoàn viên, thanh niên tham gia trồng cây xanh và dọn rác ven biển. Ảnh tư liệu

Môi trường tự nhiên bao gồm các nhân tố tự nhiên như vật lý, hóa học, sinh học tồn tại ngoài ý muốn của con người như không khí, nước, đất, âm thanh, ánh sáng, lòng đất, núi, rừng, sông, hồ, biển, sinh vật... Môi trường tự nhiên cho ta không khí để thở; các điều kiện, tài nguyên khoáng sản để con người sinh sống, sản xuất, phát triển; các danh lam thắng cảnh giúp cuộc sống con người thêm phong phú... Đây cũng chính là nơi nhận lại các chất thải của con người.

Môi trường xã hội gồm các quan hệ giữa người với người. Đó là những thể chế, quy định, tổ chức Nhà nước, hiệp hội, tổ chức đoàn thể, cơ quan... do chính con người tạo ra, hoạt động theo một khuôn khổ nhất định, tạo ra thuận lợi cho sự phát triển.

Ngoài cách chia như trên, còn có khái niệm về môi trường nhân tạo, bao gồm tất cả các nhân tố do con người sáng tạo, không có sẵn trong tự nhiên như ô-tô, máy bay, điện, máy móc, nhà ở, công sở, làng xã, đô thị...

Trong phạm vi hạn hẹp, khi nghe đề cập đến một đô thị môi trường, cuộc thi viết về môi trường, ngày môi trường… thì ý nghĩa ta thường thu hẹp vào ý nghĩa bảo vệ môi trường mà chúng ta đang sống, như giữ sạch các bãi biển, thu gom và xử lý nước thải, rác thải hoặc cùng lắm là không gây tiếng ồn trong một không gian sống cụ thể… mà ít ai nghĩ rộng ra hơn nữa tới các lĩnh vực bao quát…

Cũng ít ai nghĩ đến lịch sử của các khái niệm, đến các phong trào bảo vệ môi trường từ các nhà tiên phong tại các xã hội Anh, Mỹ, nơi khởi đầu các khái niệm về môi trường trong lịch sử…

2. Quá trình đô thị hóa thường đặt ra những bài toán về môi trường khi áp lực  dân số tăng lên, tạo ra các xung đột về dân cư, phúc lợi y tế, giáo dục, giao thông vận tải, nguồn nước và các hạ tầng kỹ thuật. Không gian sống của con người do đó không bảo đảm các yếu tố cần thiết, phá vỡ các không gian truyền thống. Đô thị hóa lại đặt ra nhu cầu mới về sản xuất công nghiệp, nhà ở cao tầng và cả các quan hệ mang tính xã hội học như việc chênh lệch giàu nghèo, giai tầng xã hội, mâu thuẫn giữa các nhóm lợi ích…

Môi trường sống đến lúc đó lại mở rộng phạm vi ra khỏi các giá trị vật lý thường nhật. Các khái niệm mới bắt đầu phát sinh, từ đô thị xanh - sạch - đẹp đến các slogan kiểu sống xanh, đô thị đáng sống, khu phố không tiếng ồn, đô thị không có tiếng động cơ…

Khi các nhà nghiên cứu xã hội bắt đầu lên tiếng, thì việc chuyển các cơ sở sản xuất về nông thôn để “ly nông bất ly hương”, giảm sức ép di dân từ nông thôn về các đô thị đã được các nhà chức trách, các nhà đầu tư bắt đầu quan tâm. Đô thị gánh chịu sức ép đó lại tác động đến nhu cầu giải trí, du lịch. Các khu du lịch sinh thái, du lịch làng quê bắt đầu nảy nở.

Ở các vùng quê, vùng núi đến lúc đó cũng bắt đầu rục rịch việc canh tác hữu cơ, không dùng thuốc trừ sâu, đầu tư vào các nhà máy nước sạch, hạ tầng thu gom rác. Giá đất ven sông, ven suối tăng lên để đón các gia đình khá giả về mua đất mở trang trại nghỉ cuối tuần.

Một phong trào bảo vệ môi trường bắt đầu cho mọi tầng lớp từ thành thị đến thôn quê với ý thức sát sườn nhất. Chuyển động như vậy từ một xã hội nông nghiệp như ở xứ ta là một tín hiệu đáng mừng!

3. Tôi có dịp đi về nhiều vùng nông thôn. Bây giờ ở mỗi làng quê đều có các nhóm phụ nữ lập ra các tổ nấu ăn phục vụ đám cưới rất đình đám. Họ nấu ăn rất ngon, giá rẻ, chỉ độ 2/3 giá ở phố. Sản vật là những món được sản xuất ở quê. Từ ngọn rau, con gà, đến cái bánh tráng. Mâm bát, thức ăn đều che bằng giấy kiếng mua ở các siêu thị. Đũa muỗng đều có bao bì đẹp. Nguyên liệu được lựa chọn kỹ càng để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Các nhóm nấu ăn ở làng Đông Hòa, Thanh Quýt, Điện Phương, Hòa Liên, Hòa Tiến nhận nấu đám giỗ, đám cưới cho 500 đến 700 khách còn ra tận Đà Nẵng, vận chuyển đến nơi bằng ô-tô, nhân viên trẻ mặc đồng phục sạch sẽ, tác phong chuyên nghiệp.

Môi trường nông nghiệp nông thôn được nâng lên sau các sự cố ngộ độc thức ăn đã chứng minh rằng, cái gì tác động đến miếng cơm manh áo của người dân sẽ nhanh chóng đưa đến những nhận thức lành mạnh. Giờ đây, những câu chuyện như nhúng rau quả vào hóa chất để chở ra chợ, kiếm được nhiều lời hơn, đã vắng bóng dần!

4. Tính liên đới là một thuộc tính của cư dân đô thị. Điều ấy không chỉ tồn tại trong các nghiên cứu mang tính kinh viện. Nó hiện hữu rõ rệt trong cuộc sống. Chị bán bún đổ nước ra đường sẽ ảnh hưởng ngay đến hộ dân bên cạnh. Anh nhậu say, hát karaoke đến tận khuya, cảnh  sát 113 hoặc công an khu vực sẽ có mặt để điều chỉnh tức thì!

Nhưng đó vẫn là trên lý thuyết. Vẫn còn đâu đó thói quen của nếp tiểu nông trong những cư dân từ nông thôn mới lên đô thị dục tốc. Vẫn còn đó văn hóa thị dân chưa chín muồi trong nếp sống, nếp nghĩ của những người tuy đã nhập cư vào đô thị vài chục năm qua.

Ra đường, tôi vẫn gặp vài người mở cửa ô-tô ném bao ni-lông xuống phố. Trên các vỉa hè mỗi sáng dọc sông Hàn, dọc bờ biển Mỹ Khê, Phú Lộc… vẫn còn thấy những ly trà sữa bị bỏ lại bừa bãi. Có những ghế đá bỏ tràn lan vỏ lon bia, chén đĩa xốp của cuộc nhậu trước đó. Còn nữa, đạp xe mỗi sáng dọc các con đường vắng khu Nam Sơn ra bờ sông Hòa Cường, phía đông Cung Thể thao Tiên Sơn, ở đó là hàng đống rác thải rắn, xà bần xây dựng lưu cữu, hôi hám, ngăn cả lối đi. Công viên dọc đường bờ sông từ cầu Tiên Sơn lên đến Đò Xu, nghe đâu được đầu tư đến hàng chục tỷ đồng, nay là những bãi hoang, lan can rỉ sét.

Cho nên, chuyện môi trường không thể là chuyện của sách vở, chuyện của một cuộc thi, của một đợt tuyên truyền. Đó là chuyện của mỗi người, hằng giờ, hằng phút, là chuyện của mỗi công chức chính quyền và từng công dân…

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

;
;
.
.
.
.
.