PHÓNG SỰ - GHI CHÉP

Gửi đời cho đá

.

Tuổi xuân gắn với những tảng đá vô tri dẫu tiếng máy cắt vang dội buốt óc bên tai, bụi đá xộc vào mặt, đôi tay chai sạn nhiều lần bị đá găm, máy cắt nhưng những người phụ nữ làm đá ở làng đá mỹ nghệ Non Nước hay làng đá chẻ Hòa Sơn vẫn quyết bám đá mưu sinh, gửi ước mơ vào đá hằng mong có ngày cuộc sống dễ dàng hơn với họ.

Bà Nguyễn Thị Tín dành cả cuộc đời chẻ đá tại làng nghề đá chẻ Hòa Sơn.
Bà Nguyễn Thị Tín dành cả cuộc đời chẻ đá tại làng nghề đá chẻ Hòa Sơn. Ảnh: H.T.V

Oằn mình cắt đá

Từ lâu, công việc chế tác đá tại Làng nghề Điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) thường gắn liền hình ảnh những người đàn ông cao to, lực lưỡng. Ít ai biết rằng, làng nghề này có những người phụ nữ gắn bó với nghề mà tưởng chừng chỉ có nam giới mới đảm đương nổi. Trong số đó, chị Huỳnh Thị Lợi (40 tuổi) là người phụ nữ duy nhất ở làng nghề làm công việc tách, tỉa tượng thú tại cơ sở điêu khắc Hùng Phong có thâm niên gần 10 năm.

Vừa vào đến làng nghề, tôi choáng ngợp trước khung cảnh hàng trăm tảng đá như muốn che lấp cả khoảng trời với đủ màu sắc hay những tượng thú vô vàn sắc thái, biểu cảm, tiếng búa đập đá hòa cùng âm thanh phát ra từ máy cắt đá vang dội đinh tai nhức óc. Không gian nơi đây bao trùm một màu bụi đá trắng xóa nhuộm khắp các con đường, ngõ ngách.

Đến mức, cả người tôi đều ám lớp bụi trắng dày đặc, nhìn vào các cơ sở tôi không thể nhận diện được đâu là người, đâu là đá bởi bụi như hòa quyện vào con người lẫn cây cối. Tôi gặp chị Lợi lúc chị thoăn thoắt đôi tay cầm máy cắt mài tượng ngựa cao quá đầu chị, chị trùm kín nào áo khoác, mũ, ủng, tạp dề, khẩu trang từ đầu đến chân, chỉ lộ cặp mắt to tròn, tinh anh. Chị liên tục nhắc nhở tôi đứng cách xa nơi mài đá: “Đứng gần khá nguy hiểm vì khi mài sẽ xảy ra nhiều rủi ro như đá văng, nước bắn”, chị Lợi hét to bởi âm thanh từ máy cắt đá muốn át cả giọng nói chị.

Sau một hồi oằn mình cắt đá, người phụ nữ 10 năm gắn bó với đá kể, mỗi ngày chị bắt đầu công việc từ 7 giờ đến 17 giờ. Chị làm công việc tách, tỉa các bộ phận như tóc, chân, mắt, mũi, miệng, đuôi, đầu, thân cho tượng thú như sư tử, ngựa. Thời gian trước, chị mài đá tại các cơ sở chứ không tách tỉa. Sau này, vì muốn có thu nhập tốt hơn nên chị học nghề từ những người đi trước rồi dần dà lấn sang bộ môn này.

Khi tôi dò hỏi vì sao chọn nghề mài đá đầy vất vả và chỉ hợp với nam giới, chị Lợi bộc bạch: “Chữ nghĩa không có, buôn bán cũng không rành nên tôi đành dùng sức khỏe nuôi hai con đang ăn học. Mới ngày đầu, cầm máy cắt đá khá nặng nên đêm về hai cánh tay tôi nhấc không nổi, đau ê ẩm. Sau này, làm một hồi nên quen dần nên không còn thấy khó khăn. Ngót ngét sống cùng đá cũng gần chục năm, buồn có, vui có và chỉ mong đủ sức khỏe gắn bó lâu hơn”.

Cuộc trò chuyện thường xuyên ngắt quãng bởi chị phải hoàn thành tiến độ để kịp giao bộ phận điêu khắc. Quan sát tuần tự từng bước chị làm, từ tảng đá sần sùi có trọng lượng vài tấn, chị sử dụng hai loại máy cắt to nhỏ khác nhau. Máy cắt loại lớn chị cắt vùng đá thừa theo khung con thú được quy định sẵn kích thước và độ dày. Tiếp theo, chị dùng máy cắt loại nhỏ đưa lưỡi cắt len lỏi vào sâu tảng đá để bóc tách và tạo dáng từ đầu đến đuôi buộc chuẩn xác từng milimet. Cắt đến đâu, nước từ máy cắt sẽ tưới lên đến đó nhằm giảm lượng bụi cho người đứng máy. Chính vì thế, công việc này không chỉ đối mặt với bụi mà còn bị nước xối khắp người từ sáng đến chiều.

Sau khi hoàn thành tách tỉa phần trên của tượng ngựa, chị Lợi lại dùng máy nâng để di chuyển tượng lật ngược phần dưới. “Công đoạn làm thô thì bộ phận nào cũng quan trọng, nhất là tóc và chân. Ví như ngựa thì tóc và chân là khâu tôi cần phải dùng sức và sự nhạy bén hết mức để tách tỉa. Như tượng này tôi làm 2 đến 3 ngày là xong, nếu may mắn gặp tảng đá mịn, đặc còn đá gân và vụn thì mất nhiều thời gian hơn”, chị miêu tả.

Quả thực, công đoạn tách tỉa cực kỳ quan trọng, quyết định phần lớn thành công của bức tượng thú. Nếu tách tỉa không nên hình dáng thì những người làm tinh gọn và tuốt tượng phía sau sẽ khó khăn vô cùng. Không phải người đàn ông nào cũng đủ khả năng làm tách tỉa như chị Lợi vì nó đòi hỏi người thợ phải dùng mọi giác quan, sự nhạy bén, con mắt tinh tường để đo và cắt đá. Cứ tưởng tượng may quần áo, người cắt đoạn vải chuẩn thì người may mới có thể cho ra bộ quần áo đẹp.

Nhìn chị Lợi dùng hết sức lực, mặc cho mồ hôi túa ra ướt đẫm chiếc áo sờn màu để đưa lưỡi cưa sắc nhọn và bén ngót ma sát vào đá mà tôi cảm thấy “rùng mình”, bởi chỉ cần một giây không cẩn thận thì hậu quả không ai dám nghĩ. Vì vậy, đặc thù làm nghề đá đòi hỏi người thợ phải bảo đảm sức khỏe tốt mới có thể xử lý những tảng đá to nặng. Bất trắc xảy ra trong lúc chế tác như đá găm, máy cắt xước tay, thậm chí đứt tay là điều không tránh khỏi. Quan trọng hơn, thợ nghề quanh năm suốt tháng phải hít toàn bụi đá thì phổi, gan về lâu dài cũng không chịu thấu nhưng vì nặng gánh cuộc sống nên họ cũng tặc lưỡi bỏ ngỏ.

Chia tay chị Lợi, tôi rời làng nghề đầy bụi bặm, nắng gió, tiếng máy cắt đá cũng dần đứt quãng, nắng chiều giữa hè vẫn tiếp tục chói chang, hửng đỏ nhưng hình ảnh tấm lưng cặm cụi với đá, cần mẫn thổi hồn vào đá của chị Lợi, khiến tôi nghĩ người phụ nữ đặc biệt này cũng như tất cả nhân công tại Làng nghề Điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước đang từng ngày góp phần đưa làng nghề phát triển trong sự ngưỡng mộ của du khách trong nước và quốc tế trước những sản phẩm điêu khắc tinh xảo tại vùng đất này.

Đá chẻ Hòa Sơn được thị trường ưa chuộng, đánh giá cao bởi đá nổi tiếng bền, dùng để lát nền, ốp tường, lát đường đi, lát sân vườn, hồ bơi, trang trí tranh đá nghệ thuật… Song song, công việc làm đá chẻ buộc phải làm thủ công toàn bộ. Vì vậy, hơn 20 năm qua, công việc chẻ đá đã giúp nhiều gia đình tại làng nghề trang trải đời sống, phát triển kinh tế góp phần vươn lên thoát nghèo bền vững.

Miếng cơm manh áo đè nặng

Tiếp tục hành trình, tôi tìm về làng nghề đá chẻ tại thôn Phú Thượng (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) vì làng nghề này có hàng trăm phụ nữ, mấy chục năm qua dù trải qua nhiều dâu bể cuộc đời vẫn ngày ngày làm công việc này. Phải mất một hồi dò hỏi, tôi mới có thể đến làng nghề đá chẻ nằm sâu hun hút trong con đường bê-tông nhỏ.

Đến đây, tôi bắt gặp hình ảnh người người phụ nữ với tấm lưng cong quằn, ngồi dưới tấm tôn cũ lụp xụp đang miệt mài chẻ đá mặc cái nóng như thiêu đốt cũng chẳng màng người lạ ghé thăm. Dẫu vậy, có dáng người đàn bà lớn tuổi, đội chiếc mũ bạc màu cần mẫn chẻ đá đập vào mắt tôi đầy xúc động, bà là Nguyễn Thị Tín (60 tuổi, thôn Phú Thượng), gắn bó với nghề chẻ đá tròn 20 năm.

Lau vội những giọt mồ hôi ướt nhòe đôi mắt hằn vết chân chim rõ nét, bà Tín trầm ngâm nói, trước kia, vợ chồng bà làm nông nghiệp. Sau này, đất nằm trong diện giải tỏa, chồng lại mất sớm, bà phải tìm kế sinh nhai nuôi con trai mới vừa thôi nôi. Từ những năm 2000, đa số phụ nữ trong thôn đều bén duyên với nghề chẻ đá và bà cũng không ngoại lệ. Bà làm quen và học việc mất hơn tuần đã thuần thục cầm búa chẻ đá không khác gì đàn ông. Ban đầu, bà còn đếm ngày đoạn tháng làm nghề, dần dà thời gian trôi gần 20 năm lúc nào không hay.

Tuy công việc chẻ đá khá vất vả và dùng sức nhiều nhưng dù sao thì nó cũng dìu dưỡng gia đình bà qua những năm tháng gian khổ, đói kém. Theo bà Tín, công việc chẻ đá không yêu cầu giờ giấc cố định nhưng để bản thân nghiêm túc với nghề nên mỗi ngày bà bắt đầu công việc từ 8 giờ đến 17 giờ chiều. Công việc chẻ đá không quá khó nhưng đòi hỏi người thợ phải biết cách chẻ chính xác và dứt khoát. Những ngày khỏe bà chẻ tối đa 40 bó, đôi lúc trái gió trở trời thì làm ít hơn, thu nhập 4-6 triệu đồng/tháng.

Chị Huỳnh Thị Lợi đang dùng máy cắt tách tỉa, đá cho tượng thú sư tử. Ảnh: H.T.V
Chị Huỳnh Thị Lợi đang dùng máy cắt tách tỉa, đá cho tượng thú sư tử. Ảnh: H.T.V

Cách chỗ ngồi bà Tín không xa, chị Nguyễn Thị Kim Trinh (46 tuổi, thôn Phú Thượng) đang dốc sức chẻ đá, còn chồng chị gồng mình cưa từng miếng đá dưới cái máy cắt công suất lớn. Vừa tất bật chẻ đá chị Trinh vừa kể: “Chồng tôi làm đá hơn 10 năm còn tôi mới rẽ nghề gần 5 năm. Chồng có sức khỏe thì cưa đá, tôi ngồi chẻ đá. Hồi trước, tôi làm công nhân vì tăng ca đêm hôm nên quyết định nghỉ việc cùng chồng đi chẻ đá.

Thời gian đầu hơi vất vả bởi tôi chưa quen, tay chân còn luống cuống búa gõ trúng tay hoài, sau này thạo nghề nên cũng dần quen. Công việc chẻ đá dụng cụ nghề khá đơn giản, chỉ cần trang bị đôi găng tay vải, chiếc búa và một xì rô sắt mỏng là có thể làm miệt mài cả ngày lẫn đêm. Tuy đá được cưa nhỏ nhưng cũng khá nặng và dày, sắc nhọn nên người làm phải cực kỳ cẩn thận. Công việc này đối mặt khó khăn, đánh đổi sức khỏe nhưng hai vợ chồng luôn động viên nhau cố gắng làm việc”.

Đi dọc quan sát hoạt động của làng nghề đá chẻ, điểm chung các cơ sở đều trải qua bốn công đoạn: xẻ đá, cưa đá, chẻ đá và bó đá. Người đàn ông có sức khỏe thì xẻ những hộc đá nặng vài tấn thành từng tảng đá lớn và chuyển qua bộ phận cưa đá cắt từng miếng nhỏ hình chữ nhật có chiều ngang khoảng 10cm và chiều dài gần 20cm. Từ miếng đá nhỏ, người phụ nữ sẽ dùng búa và thanh sắt dẹt mỏng nhọn hoắt chẻ nhỏ 4-5 miếng có độ dày 3mm-2cm. Sau khi chẻ xong, đá sẽ xếp thành từng bó gồm 25 miếng với giá 3.500 đồng/bó.

Cứ như thế, người chẻ đá cho thu nhập từng bó tùy theo số lượng. Điều đặc biệt hơn, ở làng nghề này bà Tín chưa phải là người lớn tuổi nhất làm nghề, có người 65 tuổi vẫn cặm cụi với nghề. Bởi con chữ bỏ lửng, đất không có nên họ đành gửi đời mình cho đá, nếu không có nghề chẻ đá thì họ không biết làm gì khác. Nghề làm đá chẻ phải ngồi cả ngày khiến lưng mỏi, tay tê, đầu óc quay cuồng bởi tiếng máy cắt đá như cứa sâu vào tâm trí họ. Nặng hơn thì đôi lúc bất cẩn có những miếng đá không bằng phẳng găm vào tay chảy máu, nhiều tình huống xảy ra nhưng họ coi đó là rủi ro không đáng kể.

Đồng thời, công việc này ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng bởi mỗi ngày họ phải hít lượng khói bụi rất lớn, ngồi giữa trời nắng gắt đôi khi cảm sốt hay những ngày đông lạnh chẻ đá khiến tay họ buốt cóng, bỏng đỏ nhưng nghĩ đến con cá, bó rau, về các khoản phải chi tiêu thì họ lại càng lo hơn. Bà Tín hay nhiều phụ nữ ở làng nghề đã dành cả thanh xuân, tuổi trẻ gắn bó với đá từ khi tóc còn xanh đến nay tóc trắng nhiều hơn đen nhưng họ chưa bao giờ có suy nghĩ rời bỏ nghề. “Thôi thì còn sức khỏe tới đâu thì tôi làm tới đó, khi nào không làm nổi mới thôi”, bà Tín cười hiền bộc bạch.

Theo ông Lưu Vạn Tâm Anh, Trưởng Ban quản lý làng đá mỹ nghệ Non Nước, năm 2011, làng nghề được quy hoạch tập trung có diện tích 37 hecta với hơn 500 cơ sở điêu khắc đá. Đến năm 2014, làng đá mỹ nghệ Non Nước được Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia hội tụ đầy đủ gồm: tính đại diện, bản sắc cộng đồng, địa phương phản ánh đa dạng văn hóa và sáng tạo của con người; kế tục nhiều thế hệ; khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.

HUỲNH TƯỜNG VY

;
;
.
.
.
.
.