Hiểm họa từ chó thả rông

.

Tranh thủ thời gian rảnh rỗi một chiều cuối tuần, tôi ra công viên gần nhà chạy bộ và tập thể dục. Càng về cuối chiều, lượng người đến công viên mỗi lúc một đông, đủ mọi lứa tuổi, có cả những em bé còn đang chập chững tập đi. Bỗng tôi giật mình khi nhìn thấy những chú chó to nhỏ khác nhau đang chạy vào công viên - những chú chó không được rọ mõm và cũng không được dắt bởi chủ nuôi. Từng dòng tin tức về những vụ việc thương tâm khi chó tấn công tử vong, gây thương tích nặng cho con người từ từ hiện ra trong tâm trí, bất giác tôi thấy rùng mình và lo ngại cho không gian yên bình trước mắt.

Có thể nói, trong số các con vật nuôi của con người, chó là con vật quen thuộc, gần gũi và thân thiết nhất. Vì vậy, không ngạc nhiên khi ở khắp các con đường, khu dân cư, khu vực công cộng… chúng ta thường bắt gặp nhiều loài chó khác nhau. Có giống chó nhỏ, lạ mắt, nhưng cũng có nhiều giống chó to cao, nặng cả vài chục ký và đặc biệt là có những giống chó vô cùng hung dữ, sẵn sàng lao vào cắn người.

Người ta nuôi chó và lựa chọn giống chó theo sở thích và nhu cầu cá nhân, trong khi đó, chưa thật sự quan tâm đến việc nuôi chó đúng cách, đúng quy định và chưa đặt sự an toàn cho chính bản thân mình cũng như những người xung quanh lên trên khi quyết định giống chó sẽ nuôi. Đó cũng là lý do thời gian qua, hàng loạt vụ chó dữ (như chó pitbull) tấn công gây chết nhiều người - phần lớn là người già và trẻ em, khiến dư luận không khỏi bàng hoàng, phẫn nộ.

Chó thả rông là mối ẩn họa khôn lường cho xã hội. Không chỉ ảnh hưởng tâm lý nặng nề nó còn gây thương tích cho những trường hợp không may bị chó dữ tấn công, có hàng triệu người phải điều trị dự phòng bệnh dại. Theo số liệu đưa ra tại Hội nghị tổng kết chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại năm 2017-2021, tình trạng chó thả rông rất phố biến, vào khoảng 50% tổng đàn; tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin phòng dại cho đàn chó thấp, chưa tới 50% (trong khi theo yêu cầu của WHO phải đạt trên 70%).

Mỗi năm ở Việt Nam có khoảng hơn 500.000 người bị phơi nhiễm bệnh dại do chó cắn. Riêng năm 2022, 76 trường hợp tử vong vì bệnh dại, đây cũng là bệnh truyền nhiễm có số người tử vong cao nhất trong số các loại bệnh truyền nhiễm đang lưu hành tại Việt Nam. Điều này cho thấy, nếu không có biện pháp ngăn chặn tình trạng chó thả rông sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy nguy hiểm cho cộng đồng. Ngoài ra, việc chó phóng uế bừa bãi gây mất mỹ quan đô thị; việc chó bất ngờ chạy qua đường còn gây tai nạn giao thông, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của con người.

Thật ra, pháp luật hiện hành quy định rất rõ về trách nhiệm đối với chủ nuôi chó. Trong trường hợp chủ nuôi dẫn chó ra nơi công cộng, không thực hiện đúng quy định, dẫn đến chó cắn chết người thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với “Tội vô ý làm chết người” theo Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017), với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 5 năm tù (theo Điều 128). Nghị định 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 15-9-2017) cũng quy định người nuôi chó phải đăng ký với chính quyền địa phương, thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho chó; phải xích, nhốt hoặc giữ chó, bảo đảm vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng tới người xung quanh. Nếu ở nơi công cộng, đông dân cư, khu đô thị... khi đưa chó ra ngoài phải nhốt, giữ chó trong chuồng, cũi hoặc phải rọ mõm, có người dắt. Tuy nhiên trên thực tế, tình trạng vi phạm những quy định trên là khá phổ biến.

Đã đến lúc cần quyết liệt hơn đối với các trường hợp thả rông chó. Điều đầu tiên là phải nâng thật cao mức phạt để phát huy tác dụng răn đe và ngăn ngừa tái diễn. Người dân cũng phối hợp, chủ động ghi lại hình ảnh các trường hợp thả rông chó để làm bằng chứng cung cấp cho lực lượng chức năng xử lý. Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền đến từng người dân, đồng thời, thực hiện việc rà soát, thống kê đầy đủ tình hình đàn chó nuôi trên địa bàn theo quy định. Có thể tiến tới nghiên cứu và áp dụng gắn chip điện tử cho vật nuôi để thuận tiện trong việc theo dõi và truy xuất thông tin khi cần. Đối với một số giống chó hung dữ, manh động và quá nguy hiểm như pitbull, thiết nghĩ phải luật hóa để tiến tới cấm nuôi vĩnh viễn trên toàn quốc.

Nhìn những con chó không rọ mõm đang quanh quẩn bên nhiều người dân trong công viên, đặc biệt là trẻ em, tôi cảm thấy thắc thỏm, lo âu. Một khi việc thả rông chó dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, có lẽ nỗi đau đớn, ám ảnh và ân hận sẽ là rất lớn. Vậy nên, dù yêu động vật, thích nuôi chó nhưng trong mọi trường hợp và trước mọi sự lựa chọn, sự an toàn và tính mạng của con người phải luôn được ưu tiên và bảo vệ.

 ĐỖ LAN HƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.