Về An Hải, mê mải sóng vỗ

.

Về An Hải, trôi giữa rì rào sóng vỗ, thấy lòng dịu lại những xốn xang, mệt nhoài. Cái cảm giác dễ chịu lan tỏa khiến mỗi giây phút gắn bó với nơi này đều thư thái đến tận cùng. Chúng tôi như những đứa trẻ nhỏ, hồn nhiên nô đùa với biển, với trời, và với… chính mình.

Khung cảnh yên bình của làng chài An Hải làm say lòng bất cứ khách phương xa nào. Ảnh: K.M
Khung cảnh yên bình của làng chài An Hải làm say lòng bất cứ khách phương xa nào. Ảnh: K.M

1. Quay trở lại Phú Yên lần này, chúng tôi chọn duy nhất điểm đến cho hành trình 3 ngày 2 đêm: làng chài An Hải (thuộc thôn Phước Đồng, xã An Hải, huyện Tuy An). Không phụ sự mong mỏi, làng chài cách thành phố Tuy Hòa 25km về hướng bắc đón khách phương xa bằng sự bình yên đầy mộc mạc. Những ngôi nhà nhỏ xinh, đơn sơ nằm sát bên bờ cát, sáng đón bình minh, chiều ngắm hoàng hôn giữa nhịp sóng vỗ khi bổng, khi trầm.

Chúng tôi đến nơi khi chiều nghiêng nắng và người dân đang ngồi rải rác dọc bờ. Có người ngồi một mình, có nhóm dăm đôi người nhưng chẳng ai nói với ai điều gì, cùng ngóng về phía khơi xa, như một thói quen dịu dàng. Tôi không chắc họ đang tĩnh lặng ngắm biển - điều mà những đứa trẻ như chúng tôi dù vô cùng thích thú nhưng vì mải mê với “deadline” trong những bức tường xám lạnh nên không có nhiều cơ hội thực hiện.

Tôi lại đoán rằng họ đợi hoàng hôn, nhưng không phải để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ráng chiều mà sẵn sàng bắt đầu… ngày mới. Tôi mang tò mò của mình hỏi người phụ nữ gần đó. Chị bảo, mặt trời tắt nắng là lúc thuyền thúng vận chuyển nhiên liệu và vật dụng cần thiết ra ghe để chuẩn bị chuyến biển mới. Người dân nơi đây tập trung đánh bắt gần bờ với thuyền nhỏ thay vì đánh bắt xa bờ. Hành trình quăng lưới diễn ra từ lúc chập choạng tối đến khi tờ mờ sáng. Giữa màn đêm đen kịt, biển say ngủ, ngư dân say mê lao động.

Mê đắm ánh hừng đông nhuốm vàng bờ biển, tôi đặt chuông báo thức lúc bốn giờ rưỡi. Nhưng báo thức chưa kịp reo, tôi đã bị đánh thức bởi đèn pha sáng rực rọi thẳng vào homestay (loại hình lưu trú nhà dân). Cùng với ánh sáng, tiếng máy xình xịch của những chuyến tàu đang trở về càng lúc càng rõ. Biển vẫn đặc quánh một màu đen nhưng đầy ắp niềm xôn xao lẫn mong ngóng.

Người ngoài khơi nôn nao trở về khoe “chiến tích” sau đêm dài đằng đẵng. Người trong bờ sốt ruột chờ đợi chia sẻ một phần nhọc nhằn, một phần hồ hởi. Những chiếc thuyền thúng được đẩy sát mép nước dập dìu, sẵn sàng rời đi ngay khi có tín hiệu. Những chiếc giỏ nhựa, quang gánh đủ màu sắc xếp dọc dài bờ, cơi lên chút rực rỡ giữa sắc chập choạng.

2. Tiếng động cơ tàu ngơi bớt, thuyền thúng nhanh chóng mất hút trong tầm nhìn của chúng tôi, để lại nhịp chèo khua sóng như có như không. Chẳng chờ đợi lâu, những chiếc thuyền thúng nối đuôi nhau dập dềnh trở về, mang theo nụ cười tươi rói và những “giỏ quà” ăm ắp của biển khơi. Chẳng ai bảo ai, mỗi người mỗi việc nhịp nhàng như guồng quay đã “lập trình” đầy chỉn chu.

Trong quãng thời gian nương tựa tâm hồn nơi đây, chúng tôi chưa bao giờ nghe bất cứ âm thanh nhốn nháo nào, dù là khi thuyền thúng ra khơi, hay là buổi họp chợ sớm mai… Người sơ chế, người tỉ mẩn gỡ lưới, người phân loại hải sản, người cân ký, người vận chuyển sản phẩm thu hoạch, người rửa thuyền…, tưởng nhộn nhịp mà lại êm đềm. Người mua, kẻ bán trao đổi với nhau cũng chẳng mấy xôn xao. Chắc bởi vì hải sản vừa kéo dưới biển lên vẫn còn tươi rói nên người mua chẳng buồn trả giá. Hoặc cũng tại người bán chân chất chẳng hét giá trên trời nên ai cũng lẹ làng “thuận mua”.

Mà gọi là bến cá cho “sang” chứ người mua bán chủ yếu là các hộ dân sinh sống nơi đây và một số thương lái đến thu mua để phân phối lại cho các nhà hàng, chỉ lác đác vài khách từ phương xa đến. Chị Đặng Hà Thu (Gia Lai), khách du lịch chia sẻ: “Tôi đến đây với gia đình đã 3 ngày rồi. Ngày nào chúng tôi cũng dậy sớm đón bình minh và ngắm nhìn cuộc sống của ngư dân. Bọn trẻ con thích lắm, mê mải ở bờ biển mãi thôi. Hôm nay, chúng tôi rời đi nên mua nhiều nhiều chút rồi đóng thùng xốp chở về nhà để dành sử dụng…”.

Cứ thế, người hòa vào cảnh, cảnh thắm sắc người, con người và thiên nhiên đan vào nhau trong cái mộng mơ, thi vị. Trôi theo nhịp thoăn thoắt ấy, vầng dương từ từ le lói rồi hừng sáng cả vùng sóng nước mênh mang. Ngắm nhìn cuộc sống lao động bình dị của người dân nơi đây trong buổi bình minh, tôi cảm tưởng như mình đang thưởng thức bức tranh đẹp nao lòng với nhiều cung độ sắc màu, từ đen trắng huyền ảo đến bàng bạc vàng cam chấm phá đầy sinh động.

3. Dạo quanh bãi biển, thong thả tận hưởng chút gió, chút hương, chút trong lành an yên, chúng tôi canh giờ ghé… chợ. Chợ nhỏ xíu, cách biển không xa, nằm lọt thỏm giữa những nhà dân. Lều lán dựng tạm bằng thân tre, thân nứa; gian trải lớp bao tải cùng những món hàng đơn giản, gian kê chiếc bàn, vài cái ghế thấp tè… đủ để tạo nên một ngôi chợ mộc mạc mà thân thương. Cũng như bến cá, chợ họp sớm và tan nhanh. Nhanh đến độ nhiều du khách ngẩn ngơ đến rồi về trong nuối tiếc vì sự thủng thẳng trong lần đầu tiên ghé.

Chúng tôi tấp vào quầy bánh khọt, mạnh miệng gọi phần bánh khọt mực để rồi… ngẩn tò te khi biết mực của khách đem đến. Nhẹ giọng đổi sang phần bánh khọt trứng, chúng tôi lần nữa “quê độ” khi biết trứng cũng là… của khách. Nghĩa là, người bán chỉ có khuôn và bột, người mua ưng ăn nhân gì thì gửi người bán nhân đó. Chứng kiến sự ngại ngùng của những thực khách “lạ”, cả bàn cùng cười xòa. Trong tiếng cười giòn tan văng vẳng khắp khu chợ, chúng tôi nhanh tay lẹ chân phóng qua gian hàng bên cạnh mua chục trứng cút, cái trứng gà. “Thiệt hại” của bữa sáng thú vị đó là 8.000 đồng cho dĩa bánh to ngon nức nở và mớ chuyện trên trời, dưới đất đầy thú vị của người dân xứ biển.

Vậy đó, ở làng chài này, chạm đến cái gì cũng bình dị, chạm đến cái gì cũng thấy dễ chịu khiến trái tim người lữ hành cứ bồi hồi lúc ở, dùng dằng lúc đi. Rời biển về phố, cứ nhớ mãi nhịp sóng chao nghiêng trong nắng chiều tà, nhịp thuyền rẽ khơi giữa hừng đông lấp lóa. Nhớ cả cái dáng ngồi đăm chiêu, đôi bàn thoăn thoắt và nụ cười hào sảng của các chị. Rồi nhớ luôn cái góc chợ bạc màu mưa nắng thời gian. Cứ thế, đất và người An Hải lặng lẽ ở lại trong tim khách phương xa đến tận bây giờ…

KHA MIÊN

;
;
.
.
.
.
.