Đà Nẵng cuối tuần

Gạch nối từ quá khứ

06:00, 18/06/2023 (GMT+7)

Đầu năm 2023, tập hồi ký “Gánh gánh… gồng gồng…” của đạo diễn Xuân Phượng được NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh tái bản lần thứ 5 chỉ sau hơn 2 năm xuất bản. Đây là con số không phải cuốn hồi ký, tự truyện nào cũng đạt được.

Bìa cuốn sách Gánh gánh… gồng gồng… (NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh).  Ảnh: H.N
Bìa cuốn sách Gánh gánh… gồng gồng… (NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: H.N

“Gánh gánh… gồng gồng…” được tác giả Xuân Phượng viết lại từ cuốn hồi ký của mình mang tên “Áo dài” viết bằng tiếng Pháp, do Nhà xuất bản Plon in ấn và phát hành tại Paris năm 2001, đã được dịch ra tiếng Anh và tiếng Ba Lan. Sau 19 năm, tác giả Xuân Phượng viết lại hồi ký bằng tiếng Việt và xem đó là một món quà gửi đến những người xung quanh yêu mến bà.

Cuốn hồi ký ghi lại những trải nghiệm thật đặc sắc của cuộc đời bà. Bà đã lớn lên cùng đất nước. Với hơn 300 trang sách, “Gánh gánh… gồng gồng…” dẫn dắt người đọc cùng trải nghiệm vào cuộc đời của một cô bé đang học tập tại Trường Couvent Des Oiseaux Đà Lạt đến khoảnh khắc rời xa gia đình và trải qua những thăng trầm của lịch sử dân tộc. Cô nữ sinh 16 tuổi cùng người cậu trốn nhà đi theo kháng chiến. Dắt xe đạp ra bến sông, người cậu nhớ ra để quên chiếc bơm xe, quay lại lấy. Đúng lúc thực dân Pháp càn đến. Xuân Phượng vứt xe, nhảy xuống đò chạy luôn. Thế là cả nhà chỉ có một mình cô đi kháng chiến. Ông cậu sau đó sang Pháp học để trốn lính. Hơn 40 năm sau, Xuân Phượng mới gặp lại ông trong một nhà dưỡng lão ở Pháp. Xuân Phượng cũng là người chứng kiến vua Bảo Đại trao ấn kiếm cho nhà sử học Trần Huy Liệu, đại diện chính quyền cách mạng tại cửa Ngọ Môn vào tháng 8-1945. Bà cũng là người chứng kiến giới chóp bu chính quyền Việt Nam cộng hòa lầm lũi rời khỏi quyền lực và những chiến sĩ giải phóng lau chùi bùn đất trên chiếc xe tăng vừa trải qua đợt hành quân thần tốc tại Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975.

Cái hay, cái đặc sắc của hồi ký “Gánh gánh… gồng gồng…” không nằm ở văn chương mà nằm ở cuộc đời tác giả. Khi bà Xuân Phượng viết lại nó ở tuổi 92. Nó là tất cả cuộc đời bà, là máu, là nước mắt, là hạnh phúc, là khổ đau, và trên hết là sự vươn lên, vươn mãi không thôi, mà mỗi chặng đường trải qua là một sự thay đổi đến kỳ diệu. Bà trải lòng: “Trong cuộc đời mình trước mọi khó khăn, tôi không bao giờ bỏ cuộc mà giống như cánh chim ngược gió, cứ tiếp tục chống đỡ. Mặc dù rất cam go nhưng một khi đã chống đỡ được thì nó đem lại cho mình sự an nhiên trong lòng”.

Cuộc đời của bà vô cùng đặc biệt khi gắn với lịch sử thăng trầm của dân tộc. Bà gắn với cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, qua thời bao cấp đến giai đoạn đất nước mở cửa và phát triển với nhiều thành tựu rực rỡ mà những con người doanh nhân - văn hóa như bà đã và đang góp tay xây dựng. Cuốn hồi ký như một chiếc gạch nối, phù hợp cho mọi đối tượng độc giả, dù ở bên này hay bên kia “đòn gánh”, không có ai là hoàn toàn hạnh phúc hay khổ đau.

Giá trị của “Gánh gánh… gồng gồng…” đã vượt lên trên những tự sự, ghi chép về cuộc đời của một cá nhân cụ thể, soi chiếu một cách chân thực, sinh động và sáng rõ gương mặt của cả dân tộc trong những thời kỳ lịch sử đáng nhớ nhất. Một nửa nội dung cuốn sách viết về chiến tranh, nhưng không chỉ có chiến tranh. Một tác phẩm của một tác giả nữ, nhưng hội tụ cả sự uyển chuyển, mạnh mẽ và kiên cường như một đấng nam nhi trong mỗi trải nghiệm cuộc đời. Một tác phẩm không dài, hẳn là chưa đầy đủ, nhưng là bản khắc họa những bức tranh sống động về cuộc sống, tình người và những hy sinh, mất mát trong bối cảnh chiến tranh. Đọc sách, thế hệ hậu bối chúng tôi thực sự ngưỡng mộ, cảm phục tài năng, nhân cách, ý chí nỗ lực của bà khi vượt qua những thử thách trong cuộc đời để bước chân vào nhiều lĩnh vực, mà ở đâu cũng là sự nỗ lực cao nhất để thành công, và viết nên một cuốn hồi ký hấp dẫn như thế.

Tập hồi ký chứa đựng những câu chuyện như những lát cắt của quá khứ hiện lên với một lối kể chuyện bằng hình ảnh, sống động. Đọc và thấm từng câu từng chữ. Nhiều câu chuyện vui song có khi lại nghẹn ngào cho những kỷ niệm. Bà là đạo diễn phim tài năng, nên hồi ký “Gánh gánh… gồng gồng…” cũng được kết cấu như những thước phim tư liệu với ngồn ngộn chi tiết đầy ám ảnh, có chồng mờ, có đan cài ký ức - hiện tại. Bà sử dụng một giọng văn nhẹ nhàng đầy cảm xúc, hóm hỉnh như thủ thỉ trò chuyện, dào dạt một tinh thần lạc quan đầy yêu thương. Nói như đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, là bằng giọng kể đơn giản và chân thực, ở bất cứ đoạn nào của cuộc đời đạo diễn Xuân Phượng cũng có sự độ lượng, không oán trách hay than vãn mà luôn thể hiện tấm lòng nhân ái, sự trân trọng những con người, những tình cảm đẹp đẽ trong các mối quan hệ với gia đình, đồng nghiệp và bạn bè của mình.

Đọc xong cuốn hồi ký này, có lẽ tất cả độc giả sẽ cảm thấy trân trọng hơn những tháng ngày mình đang sống, trân trọng hơn những gì mình đang có trong tay, yêu Tổ quốc hơn, yêu những con người thân yêu quanh mình hơn, và vì thế sẽ nỗ lực để sống tốt hơn, đẹp hơn.

HOÀNG NHUNG

.