Đà Nẵng cuối tuần

Tiếng thét trên sông Hà Sấu

06:08, 21/05/2023 (GMT+7)

Một vị đô đốc bị trọng thương trong một trận hải chiến, buồn bực trước tổn thất của quân mình, khi đi thuyền trên sông Hà Sấu, ông bất giác vung gươm chém một nhát đầy phẫn uất vào hư không, thét lên một tiếng vang động cả một khúc sông sâu rồi gieo mình xuống dòng nước bạc...

Trong khi đình làng Hà Quảng chỉ còn tấm bia lưu niệm (ảnh trái) thì miếu Ông Hùm bên cạnh đã được khôi phục với bức tranh mô phỏng hành động khí khái của Đô đốc Đinh Văn Bá ngày trước. Ảnh: V.T.L
Trong khi đình làng Hà Quảng chỉ còn tấm bia lưu niệm (ảnh trái) thì miếu Ông Hùm bên cạnh đã được khôi phục với bức tranh mô phỏng hành động khí khái của Đô đốc Đinh Văn Bá ngày trước. Ảnh: V.T.L

Sông Cổ Cò, sách chép là Lộ Cảnh Giang, bắt nguồn từ nơi hợp lưu giữa sông Hàn và sông Cẩm Lệ, chảy qua địa phận quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) rồi đi vào các vùng đất thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam trước khi hợp lưu với sông Thu Bồn và đổ ra biển Cửa Đại. Đoạn sông đi qua địa phận phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam ngày nay có tên là Hà Sấu. Các cụ trưởng thượng quanh vùng kể rằng, thuở tiền nhân đến quy dân lập điền, nơi này có nhiều cá sấu sinh sống, vì thế mới đặt tên sông là Hà Sấu.

Dọc sông Hà Sấu xưa, có làng Hà Quảng nổi tiếng một thời. “Nhất trống Hà Gia, nhì thanh la Hà Quảng”. Câu ca xưa còn lưu lại nét đẹp văn hóa truyền thống một vùng đất. Hà Gia là một làng lớn nằm về phía Tây làng Hà Quảng, về sau tách thành hai làng là Hà Lộc và Gia Lộc, nổi tiếng trong vùng với chiếc trống to cho âm thanh vang vọng khắp đất trời. Còn làng Hà Quảng thì nổi tiếng với chiếc thanh la quanh vùng không đâu có được. Vào những ngày hội đình, ngày cúng tế xuân thu nhị kỳ, nhất là vào lúc giao thừa đón năm mới, nghe tiếng trống, tiếng thanh la các làng hòa nhịp là có thể nhận ra đâu là tiếng trống Hà Gia và đâu là thanh la Hà Quảng!

Người Hà Quảng chuộng việc lễ bái Thành hoàng của làng, tôn kính người đức trọng tài cao, có học vấn khoa cử, có lòng vì nước vì dân. Một trong những người như thế là ông Đinh Văn Bá. Cuộc đời và sự nghiệp của người con làng Hà Quảng này đã được ông Đinh Văn Ta, thành viên Ban sử liệu Hội đồng Gia tộc tộc Đinh Quảng Nam - Đà Nẵng, căn cứ nguồn tư liệu Gia phả họ Đinh do TS. Nguyễn Kim Măng, Viện Nghiên cứu Hán Nôm cung cấp, kể lại tại Lễ tu tảo phần mộ tổ tiên tộc Đinh phường Điện Dương ngày 2-10-2022.

Theo đó, tra cứu các nguồn tư liệu của 20 Phả ký các chi phái tộc Đinh đang lưu trữ tại Quảng Nam - Đà Nẵng, ông Đinh Văn Bá (còn gọi là Bông) là Tiền hiền làng Hà Quảng, nay thuộc phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông được sắc phong: Kỷ Mùi khoa Tiến sĩ, Tùng Giang Văn Trung Phi vận tướng quân kiêm tước Lộc đô Nguyên soái chi thần, gia tặng Dực bảo Trung hưng Trung đẳng thần.

Ông làm quan triều đình Huế đến chức Đô đốc. Các vị cao niên tộc Đinh và dân làng Hà Quảng kể rằng, lần đó ông bị trọng thương trong một trận hải chiến, biết mình không còn sức để chỉ huy quân binh chống giặc, bèn ra lệnh lui binh để bảo tồn lực lượng. Buồn bực trước tổn thất của quân ta, khi đi thuyền trên sông Hà Sấu, ông bất giác vung gươm chém một nhát đầy phẫn uất vào hư không, thét lên một tiếng vang động cả một khúc sông sâu rồi gieo mình xuống dòng nước bạc. Cái chết lẫm liệt của vị đô đốc làng Hà Quảng đã để lại trong lòng hậu thế nơi đây những xót thương, nể trọng.

Theo mô tả của Ban sử liệu Hội đồng Gia tộc tộc Đinh Quảng Nam - Đà Nẵng, mộ ông đầu quay về sông Hà Sấu, chân đạp triền cát lệch theo hướng Đông - Đông Nam, được con cháu dòng tộc Đinh và dân làng thường xuyên hương khói.

Ông nằm đó giữa phong sương tuế nguyệt, phải chăng do nỗi uất hận hay bởi lời nguyền của mình trước khi tuẫn tiết trên sông mà đêm đêm ông hiện về sục sạo khắp nơi, dân làng ai cũng thấy ông trợn tròn đôi mắt rực lửa, tay lăm lăm thanh kiếm? Vừa kính nể vừa run sợ trước oai linh của ông, dân làng lập miếu thờ ông ở phía Nam đình làng Hà Quảng, mỗi khi cúng bái đều khấn vái và suy tôn ông là Ông Hùm Trắng (Ông Cọp Trắng) làng Hà Quảng.

Ông nổi tiếng linh hiển một thời, bất cứ ai đi qua miếu mà có thái độ bất kính đều bị ông quở trách bằng nhiều hình thức. Sinh thời, ông là một vị quan hết sức liêm chính khiến các quan đồng liêu không ưa gì ông. Khi ông mất, vốn đã sẵn lòng ganh ghét, nhân việc này, các quan sở tại bèn tấu lên triều đình. Ngày đó không có hình thức cử các quan đi kiểm tra thực tế nên khi nghe tấu, vua xuống lệnh đập bỏ miếu, cho rằng chết rồi mà còn hành dân. Mộ ông bị khai quật, cải táng lệch so với hướng cũ, không được lập mộ chí.

Miếu thờ ông bị phá dỡ, đình Hà Quảng về sau cũng bị hư hại. Cuối năm 2013, một hậu duệ của ông đã vận động bà con trong họ tộc xây tạm một miếu nhỏ rộng chưa đến 12m2, gọi là “Miếu thờ Đô đốc Đinh Văn Bá (Ông Hùm)”, tọa lạc trên khu đất bên đình xưa, nay là khuôn viên Tịnh thất Viên Thành. Gần đó còn tấm biển đá lưu dấu tích “Đình Hà Quảng” xưa. Phía trước là giếng “Đình Làng Hà Quảng” có hình vuông bằng đá sa thạch, nguyên của người Chăm, năm 1943 được ốp xi-măng quanh thành giếng để chống sự bào mòn của thời gian.

Theo lời thầy Hạnh Viên, trụ trì tịnh thất, khi lập miếu, một người có tâm trong làng đã nhờ một họa sĩ từ Hội An lên khảo sát, chăm chú nghe lời kể của các vị cao niên trong làng để vẽ bức tranh thờ, mô phỏng hành động khí khái của Đô đốc Đinh Văn Bá ngày trước. Hậu duệ của đô đốc giờ tản mác khắp nơi, trong đó có một người đang sống trên đường Hải Phòng, thành phố Đà Nẵng. Mọi việc hương khói đều do Tịnh thất Viên Thành đảm nhận.

Để lại dấu ấn lịch sử - văn hóa cho một vùng đất, nhưng nơi ông an nghỉ đến nay vẫn là ngôi mộ đất, xung quanh viền đá san hô có quynh bao quanh, diện tích khoảng 42m2, cách không xa ngôi miếu nhỏ thờ ông. Mỗi khi có ai đó tìm đến hỏi thăm về vị đô đốc gởi lại tiếng thét trên sông Hà Sấu, thầy Hạnh Viên lại kể chuyện xưa bằng giọng trầm buồn, tiếc thương xen lẫn bi phẫn...

VĂN THÀNH LÊ

.