Đà Nẵng cuối tuần

NGƯỜI VIẾT VĂN TRẺ ĐÀ NẴNG

Khát vọng và sáng tạo

08:54, 30/10/2022 (GMT+7)

Các tác giả trẻ tại Đà Nẵng, trên con đường văn chương ngày càng thể hiện bản lĩnh và phong cách riêng, đa số “kế thừa” tính cách nhà văn, nhà thơ miền Trung nhiều thế hệ: viết trong lặng lẽ, không thích lập ngôn hoặc tham gia các diễn đàn văn học sôi động. Bạn đọc có thể tìm thấy nét chung ấy từ trang viết của các tác giả trẻ Đà Nẵng như Nguyễn Lê Vân Khánh, Trần Nguyên Hạnh, Nguyễn Đỗ Văn Quốc hay Trương Thị Bách Mỵ...

Tác giả trẻ Trần Nguyên Hạnh thường xuyên gửi bài cộng tác trên ấn phẩm Đà Nẵng cuối tuần, Báo Đà Nẵng. Ảnh: T.Y
Tác giả trẻ Trần Nguyên Hạnh thường xuyên gửi bài cộng tác trên ấn phẩm Đà Nẵng cuối tuần, Báo Đà Nẵng. Ảnh: T.Y

Nguyễn Lê Vân Khánh (SN 1989), tốt nghiệp khoa Báo chí - Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Huế, có truyện ngắn in báo từ thời sinh viên. Cô ý thức khá đầy đủ và sâu sắc về nghề văn và nhà văn, dù vẫn xem đó là một nghề... vui vẻ: “Tôi cho rằng sáng tác một tác phẩm văn học cũng giống như quá trình sáng tạo nên sản phẩm của các nghề nghiệp khác, đều cần đến kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm. Nghề viết mang lại cảm giác tự do sáng tạo và cảm giác vui vẻ khi được làm công việc mình yêu thích”.

Cùng quan niệm và cách viết khá “dễ thương” đó, năm 2010, Nguyễn Lê Vân Khánh in tập truyện ngắn “Mất kết nối” (NXB Trẻ, 2016), được bạn đọc trẻ nồng nhiệt đón nhận. Năm 2020, Khánh đoạt Giải nhì Cuộc thi Truyện ngắn “Người lao động hôm nay” do Báo Người lao động tổ chức với tác phẩm “Mùa đông trở về”. Hiện cô vẫn say mê viết trong tâm thế: “Thấy mình viết lách như thể học viên tập lái xe hơi - đôi khi trông có vẻ mượt nhưng thực ra rất dễ mất lái. Vì vậy tôi chưa có dự định viết một tác phẩm hoành tráng, chỉ mong mình có thể làm chủ được “chiếc xe” viết này”.

Yêu văn thơ từ năm 15 tuổi, Trần Nguyên Hạnh (tên thật Nguyễn Thị Hạnh, SN 1992) đến với con đường sáng tác bằng những tập tản văn khá ấn tượng: Những mùa đông yêu dấu (NXB Kim Đồng, 2018); Quà tặng cho con (NXB Văn hóa - Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 2020); Những ô cửa sắc màu (NXB Phụ nữ Việt Nam, 2020); Hà Nội, thành phố tôi yêu (NXB Thanh niên - Tản văn in chung, 2021)...

Với Trần Nguyên Hạnh, văn chương là thế giới đẹp đẽ, bình yên, làm cho cuộc đời thánh thiện, đầy niềm vui, tình yêu, hy vọng: “Với tôi, văn chương là một thế giới riêng, bình yên và êm dịu. Văn chương chính là nơi chốn mà tôi luôn muốn quay về để được là chính mình. Tôi tin rằng nếu thế giới tĩnh lặng và sâu thẳm của văn chương đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi, gìn giữ tôi trong sự thánh khiết, mang lại cho tôi những phút giây lắng đọng và chắt chiu giùm tôi những khoảnh khắc xinh đẹp nhất, thì nó cũng sẽ mang lại sức mạnh để mọi người đối diện với cuộc sống. Tôi mong thông qua văn chương, mỗi ngày mới mọi người sẽ thức dậy với một tâm hồn tươi mới và hạnh phúc, trân quý cuộc sống này nhiều hơn”. Sau tất cả, Trần Nguyên Hạnh vẫn miệt mài viết, cộng tác với các báo, tạp chí và lặng lẽ thai nghén những tác phẩm tâm đắc của mình.

Gắn bó với ngành Công an nhân dân và say mê viết về đề tài an ninh, Nguyễn Đỗ Văn Quốc (SN 1995) đã đoạt giải A cuộc thi viết về hình tượng Người chiến sĩ Cảnh sát Nhân dân do Bộ Công an phối hợp Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức năm 2022 và xuất bản tập truyện ngắn Màu vẽ cuộc sống (NXB Hội Nhà văn, 2016). Quốc viết với suy nghĩ: “Văn chương đến từ những điều bình dị nhất, theo tôi trong từng trang sách vở; trong những phút va chạm góc khuất cuộc sống, văn chương trở thành người bạn tâm tình, vỗ về, an ủi và khơi dậy niềm tin, ý chí. Công việc sáng tác trở thành một điều không thể thiếu và khiến cuộc sống của tôi thêm phần tươi đẹp”.

Nguyễn Đỗ Văn Quốc cho biết bản thân đang thử sức các thể loại tiểu thuyết, truyện dài, ký… và hướng ngòi bút đến các chủ đề trong lực lượng Công an Nhân dân. Dự định trong thời gian sớm nhất, anh sẽ hoàn thành và xuất bản tiểu thuyết về công tác đấu tranh của lực lượng Công an với tội phạm công nghệ cao.

Trưởng thành từ nghề viết, nhiều tác giả trẻ Đà Nẵng đang từng bước khẳng định mình trên con đường văn học nhọc nhằn mà lôi cuốn. Thuộc lớp trẻ của Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng, Trương Thị Bách Mỵ (SN 1983) đang được độc giả chú ý với các tác phẩm đã in:  Đêm chảy dài trên tóc (tập thơ, NXB Hội Nhà văn, 2017), Sinh mệnh (tiểu thuyết, NXB Hội Nhà văn, 2021).

Là tác giả được trao Tặng thưởng thơ của Tạp chí Non Nước năm 2016, Mỵ quan niệm: “Thơ văn với tôi là một thánh đường, là tiếng nói yêu thương từ tiền kiếp. Thơ là mẹ - một người mẹ ân cần, lặng lẽ. Người mà tôi có thể cất lên tiêng nói của mình một cách tự nhiên, chân thật, đẹp đẽ nhất. Những rung động thanh cao từ năng lượng tiếp nối của ngôn từ như dòng sữa mẹ, như dòng nước mát giúp tôi bình yên, có sức mạnh, niềm tin và đường lối đi về nguồn cội của mình”. Mỵ đang viết cả thơ, cả tiểu thuyết với hy vọng sớm hoàn thành những tác phẩm mới trong nay mai.

Như nhiều tác giả trẻ, Bách Mỵ có điều kiện tiếp cận internet, giúp phong phú hơn nguồn tri thức của mình. Cùng với đó, mạng xã hội cũng giúp Mỵ và mọi người kịp thời cập nhật tác phẩm mới, được bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ đón nhận. Đó là thực tế đáng mừng. Với thế hệ viết văn trẻ, điều họ cần và khát khao khẳng định nhất chính là bản lĩnh sáng tác trên nền tảng khát vọng tự do sáng tạo. Người đọc nên tiếp cận họ, đọc họ và động viên họ giữ được tình yêu văn chương, gắn bó với văn học và nỗ lực cho những tác phẩm của mình…

NGUYỄN KIM HUY

.