Nếp sống văn hóa, văn minh

Gia đình là gốc rễ

.

Nền nếp, truyền thống gia đình là yếu tố quan trọng hình thành nên văn hóa ứng xử của mỗi con người. Khi nói về gia đình, chúng ta thường gặp khái niệm phổ biến là “tế bào của xã hội” - vừa mang tính sinh học, vừa mang tính xã hội. Gia đình có các chức năng như duy trì nòi giống, giáo dục, kinh tế, xã hội hóa cá nhân và chức năng khác. Nhà văn hóa học Leopold Cadière (Pháp) từng nói: Gia đình là nhà (gia), nghĩa là những người trú dưới mái nhà gồm cha, mẹ, con cái và cả những gì nó che chở, kể cả gia súc. Gia đình theo nghĩa rộng bao gồm cả thành phần những người thân quá cố, người chết vẫn vô hình sống chung bên cạnh người sống. Sự hiện diện của tổ tiên, ông bà như một điều hiển nhiên.

Nói đến sinh hoạt gia đình, người ta thường đề cập đến bữa cơm. Những năm sau ngày thống nhất đất nước đến sau đổi mới, bữa cơm của hầu hết gia đình luôn có đông đủ các thành viên, trường hợp vắng mặt không về kịp thì được gia đình để phần. Nhưng con cái thường bị cha mẹ quở trách vì sự vắng mặt trong bữa cơm.

Nhiều người lớn tuổi chưa quên được cảnh một gia đình thôn quê khoảng nhá nhem tối trải chiếu ngoài hiên, quây quần bên mâm cơm, trò chuyện và tận hưởng không gian thoáng đãng cuối ngày. Trong bữa ăn, mọi thành viên phải có trách nhiệm tạo không khí vui vẻ, đầm ấm. Một quy định bất thành văn là trong bữa ăn không được la mắng hay khiển trách ai. Mọi việc phiền muộn đều phải gác lại, bởi vậy mới có câu: “Trời đánh tránh bữa ăn”.

Câu “dạy con từ thuở còn thơ” phản ánh vai trò của giáo dục trong gia đình. Trong đó, giáo dục bằng cách nêu gương là một trong những phương pháp giáo dục con người hiệu quả. Cơ chế tâm lý của phương pháp này là sự bắt chước - một quy luật trong đời sống tâm lý con người. Nhờ có phương pháp này mà những hành vi tốt đẹp trong cuộc sống nếu được xã hội cổ vũ, đồng tình thì tự khắc sẽ được lan tỏa, nhân rộng mà không tốn nhiều công sức. Trong giáo dục gia đình, việc giáo dục nền nếp, gia phong được coi trọng hàng đầu. Các cụ ngày xưa luôn dùng những câu ca dao, tục ngữ để giúp con cháu giữ nền nếp như “Ăn coi nồi, ngồi coi hướng”, “Kính trên, nhường dưới”, “Đói cho sạch, rách cho thơm”, “Giấy rách phải giữ lấy lề”…

Để những lời răn dạy không như “nước đổ lá khoai”, chính người lớn trong nhà phải thường xuyên thực hành những điều ấy. Các nghiên cứu về tâm lý học đã chỉ ra rằng, con người ta nhận thức được thế giới khách quan bên ngoài bằng nhiều con đường: Bằng mắt, bằng tai, bằng các cơ quan thụ cảm khác của cơ thể (như bằng da, thông qua sờ mó...), trong đó tiếp nhận thông qua thị giác là con đường hiệu quả nhất. Nêu gương (người thật, việc thật) sẽ giúp con người dễ học tập, dễ noi theo.

Thi thoảng đi trên đường, chúng ta vẫn bắt gặp hình ảnh các em nhỏ, học sinh không đội mũ bảo hiểm ngồi sau khi tham gia giao thông cùng với cha mẹ. Đó là chưa kể việc cha mẹ chở con thản nhiên vượt đèn đỏ. Trong khi các thầy, cô giáo, các phương tiện thông tin đại chúng ra sức tuyên truyền về chấp hành Luật Giao thông đường bộ, trong đó có quy định đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông cho lứa tuổi học trò, thì lại có những phụ huynh đi ngược các quy định đó, vô hình trung trở thành tấm gương xấu cho con em mình.

Mỗi đứa trẻ là một tấm gương phản chiếu giáo dục của mỗi gia đình. Một hành động xấu của bậc sinh thành có thể vẽ lên tờ giấy trắng những hình thù xấu xí. Vì thế, khi phụ huynh vi phạm Luật Giao thông đường bộ thì khó có thể dạy bảo con em mình làm đúng được. Trẻ em bao giờ cũng có xu hướng bắt chước hành vi của người lớn. Nếu người lớn có các hành vi không đúng, trẻ sẽ dễ dàng học theo cái xấu đó. Trong gia đình, nếu cha mẹ nói tục thì con sẽ dễ dàng biết nói tục, chửi bậy; cha mẹ đụng tí là nổi nóng, gằn giọng thì con cái cũng có xu hướng nóng nảy như vậy…

Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, GS.TS Nguyễn Ngọc Phú - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam chia sẻ: “Mọi người tìm nguyên nhân các hành vi lệch chuẩn và thường gắn vào 3 môi trường giáo dục: Nhà trường - gia đình - xã hội. Họ thường có xu hướng đổ lỗi cho nhà trường đã giáo dục các em chưa tốt, chưa đầy đủ; gia đình ít quan tâm, chăm sóc, dạy bảo các con; xã hội còn quá nhiều hiện tượng tiêu cực… Tuy nhiên, một cách nhìn đầy đủ hơn, cần nhấn mạnh trước tiên nguyên nhân bắt nguồn từ gia đình, khi các em còn nhỏ được chăm sóc dưới bàn tay của bố mẹ. Lớn lên một chút, các em đi học nhưng thời gian ở trường vẫn ít hơn rất nhiều so với thời gian các em sống trong gia đình. Gia đình phải là cái nôi giáo dục trẻ. Bố mẹ phải thực sự là tấm gương cho con trẻ noi theo”.

Mỗi con người ứng xử văn hóa sẽ góp phần xây dựng gia đình văn hóa, rộng ra là gia tộc văn hóa, cộng đồng văn hóa. Muốn vậy, gốc rễ là từ gia đình. Người lớn muốn con trẻ noi theo thì trước hết người lớn phải có những hành vi chuẩn mực để tự giáo dục mình.

HẢI ÂU

;
;
.
.
.
.
.