Nếp sống văn hóa, văn minh

Chuyện không của riêng ai

.

Trong phong trào xây dựng Nếp sống văn hóa, văn minh đô thị”, việc thực hiện văn minh trong việc cưới, việc tang là một điểm nhấn, làm sao để người dân thực hiện theo nếp sống mới mà vẫn giữ được thuần phong mỹ tục, đó là trách nhiệm không của riêng ai.

Xu hướng đám cưới văn minh, tiết kiệm, hiện đại đang ngày càng lan tỏa. (Ảnh chụp trước thời điểm xảy ra Covid-19) Ảnh: Q.T
Xu hướng đám cưới văn minh, tiết kiệm, hiện đại đang ngày càng lan tỏa. (Ảnh chụp trước thời điểm xảy ra Covid-19) Ảnh: Q.T

Cưới tiết kiệm

Trên địa bàn Đà Nẵng, các yếu tố văn hóa truyền thống trong tổ chức việc cưới vẫn hiện hữu trong những bữa tiệc hiện đại. Các phong tục tập quán, nghi lễ truyền thống được các thế hệ trẻ lưu giữ và thực hành bao gồm các bước cơ bản như: dạm ngõ, đám hỏi, rước dâu, lễ cưới và lễ lại mặt. Gia đình bà Hồ Thị Trung (80 tuổi, trú phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) tổ chức đám cưới cho cháu nội gái vào tháng 6 vừa qua. Bà Trung cho hay, những lần dự họp tổ dân phố, bà được phổ biến về thực hiện văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang.

Trong đó, cộng đồng xem việc cưới là nghi lễ quan trọng của cuộc đời nhưng tổ chức đám cưới nên phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình, không làm theo kiểu phô trương, nặng nề lễ nghĩa. “Với những gia đình có gốc Quảng Nam như nhà tôi thì đám cưới là dịp để bà con tụ họp chung vui đôi ba ngày. Nhưng lần này, tôi bảo các con nên giản tiện lễ nghĩa, chỉ cần lễ rước dâu và tiệc cưới, giảm lễ nhóm họ, lễ lại mặt. Về khách mời, nên tập trung mời họ hàng thân thích, bạn bè thân quen, những mối quan hệ thân sơ thì chỉ cần báo tin. Thật may, con cháu đều nghe lời tôi nên đám cưới vẫn đủ nghi thức truyền thống, được tổ chức trong không khí vui vẻ mà vẫn rất trang trọng, theo đúng quy định của thành phố và quận”, bà Trung kể.

Tháng 12-2019, Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức khảo sát thực trạng thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới với phương pháp khảo sát phỏng vấn trả lời trực tiếp. 1.400 phiếu được phát ra với 2 đối tượng chính: người dân (1.301 phiếu) và các cơ sở dịch vụ liên quan đến tổ chức việc cưới (99 phiếu). Cuộc khảo sát nhằm đánh giá thực trạng việc cưới ở các góc độ, trong đó có yếu tố văn hóa truyền thống, xu hướng mới trong tổ chức việc cưới, việc tiếp cận công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới; đồng thời là dịp để ghi nhận ý kiến đề xuất, phản ánh của người dân về giải pháp bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong tổ chức việc cưới, loại bỏ những xu hướng, biểu hiện phi văn hóa để việc cưới giữ nguyên giá trị nhân văn, góp phần tạo dựng giá trị hạnh phúc cho gia đình và xã hội.

Ảnh: Q.T
Ảnh: Q.T

Kết quả khảo sát cho thấy, đa phần ý kiến đều cho rằng các bước trong tổ chức nghi lễ cưới là cần thiết. Cụ thể, 94,6% số người được hỏi trả lời là phải đăng ký kết hôn và tổ chức các nghi lễ cưới. Quan niệm của người dân về quy mô tổ chức nghi lễ cưới có sự chuyển biến tích cực, chỉ 9,4% cho rằng cần tổ chức cưới lớn, linh đình. Trong khi đó, 56,2% cho rằng việc cưới nên được tổ chức tùy theo điều kiện gia đình. 44,7% cho rằng, việc cưới cần trang trọng và tiết kiệm, gọn nhẹ, không cần quá phô trương.

Bà Lê Thị Thu Trang, Trưởng phòng Xây dựng Nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa - Thể thao cho hay, bức tranh chung của việc cưới tại Đà Nẵng là các giá trị văn hóa truyền thống đan xen với các giá trị văn hóa hiện đại. Các nghi lễ truyền thống cơ bản vẫn được thực hành nhưng du nhập thêm những cách thức tổ chức mới, phù hợp với tâm lý của thế hệ trẻ. Xu hướng đơn giản hóa, sử dụng các dịch vụ đã làm việc tổ chức cưới trở nên thuận lợi và ít màu sắc văn hóa hơn. Tuy nhiên, việc cưới trên địa bàn thành phố không tồn tại những hủ tục như: thách cưới, không đăng ký kết hôn, tảo hôn, ăn cưới dài ngày.

Tang văn minh

Việc tang là hoạt động tín ngưỡng thuộc về đời sống tinh thần, liên quan đến từng cá nhân, gia đình, cộng đồng. Đó là giá trị tinh thần được con người sáng tạo, tích lũy trong lịch sử phát triển, thể hiện quan niệm nhân sinh, thế giới quan của mỗi cộng đồng, mỗi quốc gia. Liên quan đến thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang, Trung ương đã triển khai Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động và phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.

Đối với Đà Nẵng, năm 2005, UBND thành phố ban hành Đề án “Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị”, trong đó “thực hiện văn minh trong việc tang” được xem là một trọng tâm của đề án. Trên địa bàn phường Mân Thái (quận Sơn Trà) nhiều năm nay duy trì mô hình “Ba giảm”, đó là giảm thời gian (thời gian liệm và an táng phù hợp với quy định, không được để thi hài quá lâu, cụ thể không quá 48 tiếng); giảm âm thanh (sử dụng đĩa nhạc tang thay cho phường bát âm, âm thanh đủ nghe, không cử nhạc trước 6 giờ và sau 22 giờ); giảm rải vàng mã, tiền âm phủ, gạo muối (đặc biệt cấm rải tiền Việt Nam và ngoại tệ khi đưa tang). Địa phương đã trực tiếp gặp những người làm nghề xem ngày/giờ trên địa bàn để tuyên truyền về các quy định tổ chức tang lễ, yêu cầu xem ngày rút ngắn thời gian trong phạm vi không quá 2 ngày và có sự theo dõi, giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam phường.

Thực hiện mô hình trên, việc tang tại các gia đình giảm thiểu hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, mất vệ sinh trong khâu khâm liệm, đưa tang và chôn cất. Việc sử dụng nhạc tang sau 22 giờ và trước 6 giờ đã không còn, cũng không làm cỗ mời khách ăn trong ngày tang, cúng tuần 49 ngày, 100 ngày và cải táng, mà chủ yếu làm cơm trong nội bộ gia đình, bạn bè thân thích. Việc rải vàng mã lúc đưa tang đã giảm hẳn. Đối với những tang gia có hoàn cảnh khó khăn, chính quyền địa phương hỗ trợ một phần kinh phí để gia đình lo toan chu đáo cho người đã khuất. Đồng thời, Ban Tang lễ kịp thời đến chia buồn, động viên gia đình có tang sự, từ đó tình làng nghĩa xóm được thắt chặt.

Thời gian qua, một số địa phương trên địa bàn huyện Hòa Vang cũng nỗ lực xây dựng và triển khai một số mô hình thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang như: mô hình “4 không” trong việc tang của xã Hòa Bắc: không rải vàng mã; không thuốc lá - hạt dưa; không rượu, bia; không có ban nhạc mà chỉ sử dụng đĩa CD. Xã Hòa Châu bố trí thùng để đốt vàng mã ở khu vực thường xuyên có các đám tang đi qua và bảng hướng dẫn đốt, rải vàng mã đúng nơi quy định. Xã Hòa Sơn có mô hình “Tuyến đường không rải vàng mã”. Xã Hòa Phước quy định diện tích mộ không quá 6m2 (2mx3m). Tộc Đặng (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) đã chọn hình thức hỏa táng thay cho địa táng các phần mộ nằm trong dự án phải di dời, phần tro cốt được đưa về nhà thờ tộc chăm sóc…

Ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang cho hay, có được kết quả này là nhờ sự vận động “mưa dầm thấm đất” của Ban nhân dân các thôn. Theo phong tục truyền thống địa phương, trước ngày tiễn quan, gia đình bày mâm lễ để tạ làng và đội âm công. Sau phát biểu cảm tạ của tang chủ, đại diện Ban nhân dân thôn phát biểu vận động gia đình không rải vàng mã khi đưa tang. “Tuy vậy, chúng tôi vẫn băn khoăn về việc vận động không sử dụng ban nhạc cổ, thay vào đó là đĩa CD.

Đành rằng việc bảo tồn văn nghệ dân gian là trách nhiệm của các ngành chuyên môn và toàn xã hội, nhưng nếu gia đình nào cũng không thuê ban nhạc cổ thì những nghệ nhân dân gian sẽ chẳng có nhiều môi trường để thực hành âm nhạc cổ truyền và điều này vô hình trung góp phần làm thất truyền âm nhạc bát âm truyền thống”, ông Tân bày tỏ.

So với các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng thì Đà Nẵng triển khai hình thức hỏa táng muộn hơn (năm 2009, Đà Nẵng bắt đầu xây dựng cơ sở hỏa táng) và việc thực hiện hỏa táng đã có những chuyển biến, tăng dần về số lượng qua các năm. Cụ thể, năm 2010, cả thành phố chỉ có 24 trường hợp, đến năm 2019 có 6.987 trường hợp hỏa táng.

Ngày 20-8, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng có công văn chỉ đạo về việc bảo đảm công tác phòng, chống Covid-19 trong các hoạt động mai táng.

Theo đó, đối với trường hợp người nghi ngờ hoặc xác định mắc Covid-19 tử vong: Phải khâm liệm và xử lý thi hài nghi ngờ hoặc xác định nhiễm SARS-CoV-2 theo quy định trong vòng 6 giờ kể từ khi tử vong hoặc khi phát hiện thi hài; tiến hành hỏa táng thi hài nhiễm SARS-CoV-2 trong vòng 24 giờ kể từ khi tử vong (không thực hiện mai táng); không tổ chức lễ tang, hoãn thời gian thực hiện lễ tang cho đến khi dịch bệnh ổn định.

Đối với trường hợp người không liên quan Covid-19 tử vong: Thời gian tổ chức lễ tang không quá 24 giờ kể từ khi tử vong. Hạn chế tối đa người viếng, tham dự lễ tang...

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.