Vẻ đẹp Sơn Trà

Bức tranh đa dạng sinh học ở Sơn Trà

.

Dọc tuyến đường quanh co uốn lượn từ chân núi lên bán đảo Sơn Trà, có thể tận mắt thấy những rộn ràng sưa trắng, lim vàng, thàn mát tím. Cả một vùng thơ mộng bởi bức tranh hoa đa sắc màu, mới thấy Sơn Trà sở hữu tài nguyên đa dạng sinh học hiếm nơi nào có được.

Hoa lim xẹt đang vào mùa.
Hoa lim xẹt đang vào mùa. Ảnh: PHAN MINH HẢI

1. Những cư dân địa phương sống dưới chân bán đảo Sơn Trà cho biết, cứ độ tháng 3, tháng 4, khi tiết trời vừa qua mùa xuân một chút cũng là lúc nhiều loại cây ở Sơn Trà bắt đầu trổ hoa, như cây bìm dây cho hoa trắng muốt, cây lim xẹt nở hoa vàng, cây sim, cây mua, thàn mát… cho hoa tím biếc. Đó cũng là thời điểm Sơn Trà rộn ràng đón hàng trăm “tay máy” từ khắp cả nước đổ về “chực chờ” chớp được khoảnh khắc đẹp nhất về các loài hoa và gia đình vọoc đang say sưa tại đây.

Ông Trần Hà (trú phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) cho hay: “Hằng ngày, từ sáng sớm (khoảng 5-6 giờ) hay buổi chiều (từ 15 giờ 30 tới 17 giờ) có rất nhiều du khách và nhiếp ảnh gia lên bán đảo Sơn Trà “săn” hoa; trong đó có loài hoa thàn mát với sắc tím cả góc trời khiến ai nhìn thấy cũng mê mẩn, xuýt xoa trước vẻ đẹp của loài hoa này. Năm nào cũng có loài hoa này nở, nhưng mỗi năm lại có một vẻ đẹp và mức độ dày đặc khác nhau, có năm chỉ lác đác vài cây, có năm lại nở nguyên cả một rừng tím biếc.

Đặc biệt, thàn mát chỉ nở và tàn trong vòng khoảng 1-2 tuần nên du khách thường tranh thủ lên đúng dịp để lưu lại những bức ảnh đẹp”. Cây thàn mát, người Quảng Nam gọi là cây nánh. Cây nánh có tên gọi khác là mát đen, thàn mát rủ, thàn mát nước, tên khoa học là Millettia nigrescens Gagnep, thuộc họ Đậu Cánh bướm. Hoa ở nách lá đầu cành, dài đến hơn 15cm, màu tím nhạt. Tùy thuộc vào ánh sáng, hoa thàn mát có lúc tím nhạt trắng, lúc tím xanh, hoặc tím hồng, tím biếc. Đặc biệt, hoa thàn mát là thức ăn yêu thích của “Nữ hoàng linh trưởng” - voọc Chà vá chân nâu, vì vậy vào mùa hoa nở, loài voọc này thường lui đến kiếm thức ăn.

Chưa kịp qua mùa thàn mát, những người yêu thiên nhiên lại được chiêm ngưỡng các mảng rừng vàng rực của cây lim xẹt cổ thụ trên Sơn Trà, đi từ hướng Tiên Sa lên hoặc từ hướng chùa Linh Ứng đều bắt gặp các quần thể lim vàng rực dọc đường. Các gia đình vọoc không bỏ qua mùa hoa ngọt lành, ăn dầm nằm dề, thậm chí tình tứ và sinh con đẻ cái trên các tán lim vàng lãng mạn. Đến tháng 7, tháng 8, dọc các con đường trên Sơn Trà từ phía Tiên Sa, du khách được chiêm ngưỡng từng vạt dây leo với hoa màu cam của loài móng bò nhung. Loài này đặc trưng là chiếc lá có hình của móng bò, đồng thời cũng trùng hợp là thức ăn của vọoc Chà vá chân nâu.

2. Thế nhưng Sơn Trà có lẽ nổi tiếng nhất với các vạt sim. Từ lâu, màu tím lãng mạn, thủy chung của hoa sim đã trở thành biểu tượng mà nhiều đôi trai gái dùng để bày tỏ tình cảm và là nguồn cảm hứng để các nhà văn đưa vào thơ ca, sách vở. Đến với Sơn Trà vào những ngày tháng 4, tháng 5, du khách có thể trải mình vào những con đường hoa sim tím ngắt cả lối đi; nếm thử vị ngọt, thanh đầu lưỡi của những quả sim tím mọng vào cuối tháng 5.

Hoa thàn mát tím biếc  một góc trời làm xao xuyến  bao người thưởng ngoạn Sơn Trà.
Hoa thàn mát tím biếc một góc trời làm xao xuyến bao người thưởng ngoạn Sơn Trà. Ảnh: PHAN MINH HẢI

Năm 2015, lần đầu tiên, thành phố cho trồng thử nghiệm vườn sim nhân tạo với diện tích trồng khoảng 300m2 (dài 30m, rộng 10m) thuộc tiểu khu 63 (đồi 530). Chỉ sau hơn 1 năm gieo trồng, vạt sim tím ngắt nở rộ tốt tươi khiến bất kỳ ai ngắm nhìn cũng xao xuyến. Sim còn gọi là hồng sim, đào kim nương, cương nhẫm, dương lê, là một loài thực vật có hoa thuộc họ Myrtaceae, có nguồn gốc bản địa ở khu vực Nam và Đông Nam Á.

Loài này thường mọc ở ven biển, trong rừng tự nhiên, ven sông suối, trong các rừng ngập nước, rừng ẩm ướt, và tại độ cao đến 2.400m so với mực nước biển. Sim và mua là hai loài phổ biến ở Sơn Trà, mọc cùng nhau xen kẽ dọc các cung đường núi uốn lượn. Sim và mua cũng là biểu tượng của sức sống mạnh mẽ của Sơn Trà vì chúng là những loài có sức sống nổi bật tại những thời điểm mà đa dạng sinh học bị suy giảm thì sim và mua vẫn vươn lên rực rỡ.

Ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng ban Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng (gọi tắt là BQL) cho hay, mô hình trồng vườn sim nhân tạo để phục vụ khách tham quan chụp hình được BQL học tập từ đảo Phú Quốc. Đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu tại bán đảo Sơn Trà rất thích hợp cho sự phát triển của sim, mùa nào hoa sim cũng đua nở. Tiết trời giao mùa cuối xuân, đầu hạ càng thích hợp cho loài sim khoe sắc... Tuy “con đường hoa sim” chưa phải là rực rỡ hay nhiều cây, nhưng từ việc biến ý tưởng đó thành hiện thực và hiện có nhiều cụm hoa sim nở tím hai bên đường cũng đủ lòng quyến rũ người dân và du khách khi lên bán đảo Sơn Trà.

3. Bên cạnh các loài hoa, bán đảo Sơn Trà cũng là nơi có nhiều loài thuốc quý. Năm 2017, Viện Sinh thái học miền Nam và Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đồng tổ chức hội thảo “Bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên bán đảo Sơn Trà”. Đại diện nhóm nghiên cứu đề tài Đánh giá thực trạng cây thuốc trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát triển (2015-2017), PGS.TS Nguyễn Tập đã có báo cáo về sự phong phú của nguồn tài nguyên cây thuốc trong hệ thực vật rừng ở khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà.

Hoa sim tím - một trong những “đặc sản” của Sơn Trà.
Hoa sim tím - một trong những “đặc sản” của Sơn Trà. Ảnh: PHAN MINH HẢI

Qua gần 2 năm thực hiện, trích xuất kết quả thu thập, nhóm nghiên cứu bước đầu ghi nhận ở khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà có 329 loài cây thuốc, thuộc 253 chi, 108 họ của 5 ngành thực vật bậc cao có mạch; trong đó có trên 50 loài được coi là mới, bổ sung thêm cho các kết quả điều tra về khu hệ thực vật ở đây. Xét về thành phần loài, điều đó cho thấy, nguồn tài nguyên này ở đây khá phong phú và đa dạng.

Theo thống kê, các cây thuốc ở đây được sử dụng để điều trị khoảng gần 20 nhóm bệnh thường gặp như: cảm sốt, cảm lạnh, nhức đầu; bệnh ngoài da, mụn nhọt, dị ứng; bệnh về xương khớp, bại liệt; bệnh về gan, mật, đường tiêu hóa; bệnh về thận và đường tiết niệu; bệnh về đường hô hấp; bệnh về tim mạch, huyết áp và một số bệnh đặc trưng ở phụ nữ, trẻ em… Nhiều loài được coi là những vị thuốc Nam quen thuộc và gần như không thể thiếu, đối với các thầy thuốc y học cổ truyền ở Đà Nẵng như: cam thảo dây, cà gai leo, chè dung, dây chiều, dây gắm, hoàng đằng, lá khôi, ngấy hương, thiên môn, thổ phục linh, tơ xanh, dạ cẩm,…

Nguồn cây thuốc mọc tự nhiên ở khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà rõ ràng là một kho tàng dự trữ thuốc Nam phong phú của thành phố hiện nay. Lương y Phan Công Tuấn, Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng, thành viên của nhóm nghiên cứu kể, trên bán đảo Sơn Trà có nhiều loài cây thuốc quý hiếm, đã được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (1996, 2007) với cấp đánh giá “sẽ nguy cấp” và khuyến cáo “chỉ khai thác có mức độ và giữ lại những cây con chưa đến tuổi thu hái, cấm khai thác loài này trong các vườn quốc gia, có thể tổ chức gây trồng để lấy nguyên liệu làm thuốc. Trong đó, lá

khôi - một loài cây thuốc dùng để chữa bệnh đau dạ dày là một loài quý hiếm như vậy. Trong gần 2 tháng lội rừng tìm kiếm, ông và các đồng nghiệp mới gặp cây khôi 2 lần. Lần đầu là vài ba cá thể trong rừng nguyên sinh thuộc tiểu khu 24 của khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa vào ngày 4-5-2016. Lần thứ hai vào ngày 18-5-2016 tại khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, số lượng có khá hơn, đặc biệt có một cá thể cao ngang đầu người đang ra hoa. Đó là dịp may hiếm có.

Bán đảo Sơn Trà có vẻ đẹp cực kỳ lãng mạn và đáng kinh ngạc mà chỉ khi dành nhiều thời gian ở Sơn Trà vào đủ các mùa mới có thể quan sát hết được. Hiện tại, sự có mặt của các nhiếp ảnh gia với các máy móc hiện đại đã góp phần nắm bắt được các khoảnh khắc tuyệt đẹp của thực vật ở Sơn Trà vào từng mùa và từng thời điểm trong ngày.

QUỲNH TRANG
 

;
;
.
.
.
.
.