Tấm lòng thiện lương

.

Tình yêu là quà tặng mà chúng ta có thể trao cho nhau mỗi ngày. Sự thiện nguyện cũng như gieo một hạt mầm. Phải từ tâm, cho yêu thương lan tỏa, cam kết dài hạn vì đó là sự thiện nguyện của tình người. Có lẽ vì vậy mà những người tôi gặp, họ trao yêu thương cho những người nghèo khó bằng tấm lòng thiện lương chân thành với tâm nguyện mang lại cuộc sống tốt đẹp cho người khác.

Chị Long (giữa) cùng các chị em trong CLB Từ thiện Tự tâm nấu ăn từ thiện tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng.
Chị Long (giữa) cùng các chị em trong CLB Từ thiện Tự tâm nấu ăn từ thiện tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng.

“Lo hơn công việc nhà mình”

Nhìn chị Đinh Thị Tuyết, Chủ nhiệm CLB Từ thiện Nhân ái, ngồi bán thịt bò giữa chợ Kim Liên (phường Hòa Hiệp Bắc, Liên Chiểu), không ai nghĩ rằng hằng tháng chị đứng ra nấu cả ngàn suất ăn cho các bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố. Dù vẫn làm việc mưu sinh hằng ngày như bao người mẹ, người vợ khác trong gia đình, chị Tuyết không chỉ lo cái ăn, cái mặc cho chồng con mà chị còn lo nghĩ đến những ngày sắp tới “liệu có đủ tiền nấu cả ngàn suất ăn cho các bệnh nhân?”.

Hằng tháng, theo thường lệ, CLB Từ thiện Nhân ái lại đi quyên góp tiền nấu từ 500-800 suất ăn cho bệnh nhân Bệnh viện (BV) Ung bướu Đà Nẵng vào ngày 26; nấu 220-230 suất ăn cho bệnh nhân BV Tâm thần vào ngày 16, 17 và gần 100 suất ăn cho bệnh nhân BV Phổi vào ngày 20. Mỗi suất ăn trị giá 27.000 đồng gồm súp cà-ri, bánh mỳ và sữa. Do số lượng lớn nên chị Tuyết phải chia công việc cho các chị em trong CLB đảm nhiệm. Để có được một nồi súp cà-ri thơm ngon, đầy đủ chất dinh dưỡng cho hàng trăm bệnh nhân, mỗi lần nấu, các chị phải gọt 150kg  củ quả, xắt 100kg thịt heo. Dù vậy, chị Tuyết vẫn luôn là người đảm nhận đứng bếp chính và điều phối công việc sao cho chu toàn nhất để các bệnh nhân có thức ăn đúng giờ.

“Mỗi lần nấu là lo hơn đám giỗ nhà mình, nào là lo tiền, lo nấu sao cho ngon, lo gọi người tham gia đầy đủ… Hội viên mà kêu không huy động được kinh phí thì càng lo hơn. Mình phải tự tay làm mới yên tâm chất lượng. Tuy nhiên, được cái là cảm thấy thoải mái vì giúp được những người nghèo khó. Nhiều bệnh nhân ở xa, không có tiền nên họ rất mừng khi nhận suất ăn”, chị Tuyết chia sẻ. Trong khi bệnh nhân ung thư thích ăn súp cà-ri để đủ dinh dưỡng thì bệnh nhân tâm thần lại thích thay đổi món thường xuyên như chè, bánh cuốn, bánh mỳ… Đặc biệt, một số người tâm thần không có ý thức ước lượng thức ăn nên họ ăn rất nhiều, có người ăn nửa ký mỳ Quảng hay nửa ký bánh cuốn là chuyện bình thường. Do đó, CLB cũng phải chịu khó tìm tòi các món ăn vừa ngon, vừa lạ miệng cho bệnh nhân.

Từ một nhóm nhỏ khoảng 10 người, sau 5 năm, CLB Từ thiện Nhân ái đã có 50 hội viên tham gia với đủ các thành phần gồm người kinh doanh buôn bán, hưu trí, công nhân... Để có số tiền duy trì lượng suất ăn ổn định hằng tháng, CLB quy định mỗi hội viên mỗi năm đóng 300.000 đồng. Đặc biệt, hội trưởng mỗi tháng phải huy động được 2 triệu đồng, còn các trưởng nhóm huy động 1 triệu đồng. Nếu không huy động đủ số tiền trên thì các hội trưởng, nhóm trưởng phải bỏ tiền túi của mình ra góp thêm cho đủ.

Ngoài sự đóng góp tích cực của các hội viên CLB, chị Tuyết thường xuyên chủ động đi vận động các chị em tiểu thương ở chợ Hòa Khánh và chợ Kim Liên đóng góp. Chị Tuyết cho biết: “Hễ gặp ai tôi cũng xin, không chỉ chị em tiểu thương trong chợ mà cả những bạn hàng thân thiết. Khi nào có đủ tiền mua thức ăn thì tôi mới yên tâm.

Họ thấy mình đăng thông tin trên facebook thì cho 50.000 đồng, 100.000 đồng. Hoặc khi đi mua nguyên liệu, tôi xin thêm vài cân thịt heo, vài cân củ quả. Cũng nhờ mấy chị trong chợ đồng hành mà tháng nào cũng dư vài triệu, rồi dồn lại 1 năm cũng dư vài chục triệu đồng”.

Tuy nhiên, điều khó khăn nhất với chị Tuyết là việc điều hành CLB sao cho đoàn kết, đồng thuận. “Mình phải hòa đồng, vui vẻ với mọi người thì mới điều hành công việc suôn sẻ nếu không dễ bất mãn vì lời ra tiếng vào. Có người đi từ thiện vì cái tâm, cũng có người đi theo phong trào nên mình phải gọi điện nhắc nhở từng nhóm. Nhưng được cái phấn khởi là chồng, con tôi đều đồng hành, hỗ trợ hết mình. Kể từ khi đi làm từ thiện, tôi cảm thấy tư tưởng thoải mái, gia đình hạnh phúc hơn”, chị Tuyết phấn khởi cho biết.

Chia sẻ bớt gánh nặng cho bệnh nhân

Chị Dương Thị Long, Chủ nhiệm CLB Từ thiện Tự tâm (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) cho biết: “Hồi nhỏ tôi đã có mong muốn được giúp đỡ người nghèo khó nhưng khi gia đình có điều kiện thì tôi mới thực hiện được. Cũng may là cả gia đình tôi nhiều thế hệ đều đi làm từ thiện nên tôi có sự hỗ trợ, động viên nhiệt tình từ phía chồng con và các cô dì, chú bác, ông bà nội ngoại”.

Chị Tuyết cùng chồng nấu ăn từ thiện tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. Ảnh: Đ.H.L
Chị Tuyết cùng chồng nấu ăn từ thiện tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. Ảnh: Đ.H.L

Sau khi thành lập CLB vào năm 2016, được sự hỗ trợ từ gia đình, chị Long kêu gọi phụ nữ phường Hòa Hiệp Bắc và các chị em trong xóm cùng người thân tham gia với mình. Hằng tháng, chị Long đứng ra tổ chức nấu 600-700 suất ăn cho bệnh nhân BV Ung bướu Đà Nẵng, 220 suất ăn cho bệnh nhân BV Tâm thần và 220 suất ăn cho bệnh nhân BV Đa khoa Liên Chiểu. “Thức ăn phải được sơ chế tại nhà, rồi sau đó chở đến BV nấu. Riêng BV Ung bướu là phải đăng ký từ trước để BV chuẩn bị phiếu ăn cho bệnh nhân”, chị Long giải thích.

Chồng chị Long là Chủ tịch Hội Từ thiện và bảo vệ quyền trẻ em phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) nên hai vợ chồng thường xuyên đồng hành và hỗ trợ nhau rất nhiều trong công việc thiện nguyện. “Cả hai đều đi làm từ thiện nên gia đình luôn luôn vui vẻ, chia sẻ được công việc cho nhau. Anh thường chở tôi và chuyển thức ăn đến các BV giúp. Anh cũng luôn động viên tinh thần tôi những lúc đi làm về mệt mỏi”, chị Long vui mừng cho biết.

Lúc đầu, CLB Từ thiện Tự tâm chỉ có 10 người nhưng sau đó vì thấy việc làm có ý nghĩa và hiệu quả nên nhiều chị em tham gia và đến nay đã có hơn 40 thành viên. Hầu hết các chị trong CLB đều yêu thích công việc thiện nguyện vì cảm thấy mình làm được nhiều điều tốt cho cộng đồng, xã hội. Đặc biệt, trong CLB có chị Can có kinh nghiệm nấu tiệc cưới nên nấu ăn rất ngon. Chị Long luôn dặn dò các chị em nấu ăn gọn gàng, sạch sẽ và được các chị nhà bếp BV Ung bướu yêu quý, hỗ trợ nhiệt tình.

Không chỉ nấu hàng trăm suất ăn từ thiện, khi có dịp rảnh, chị Tuyết, chị Long lại đi quyên góp áo ấm, sữa, bánh kẹo cho các bệnh nhi ở BV Ung bướu, BV Phụ sản-Nhi Đà Nẵng và các xã vùng sâu, vùng xa, nhất là vào các dịp Tết Trung thu, Ngày Quốc tế thiếu nhi, Tết Nguyên đán… để san sẻ khó khăn với các em. Bởi lý do đơn giản như chị Long chia sẻ: “Ở đâu khó khăn thì mình giúp. Thấy mình may mắn hơn nên muốn chia sẻ bớt gánh nặng cho bệnh nhân. Mình nấu cho họ ăn nên phải nấu sao cho ngon. Khi thấy họ ăn ngon miệng thì mình cảm thấy vui rồi!”.

Đoàn Hạo Lương

;
;
.
.
.
.
.