Nắng mưa ngày càng thất thường

.

Thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, mức độ nguy hiểm có chiều hướng gia tăng bởi tác động của biến đổi khí hậu. Đặc biệt, về địa hình cũng có sự thay đổi lớn do xây dựng cơ sở hạ tầng, đô thị, các hồ thủy điện…, gây khó khăn trong công tác dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát và ứng phó các hiện tượng thiên tai.

Đợt mưa lịch sử vào ngày 9-12-2018 gây ngập úng trên diện rộng tại thành phố Đà Nẵng. Ảnh: H.H
Đợt mưa lịch sử vào ngày 9-12-2018 gây ngập úng trên diện rộng tại thành phố Đà Nẵng. Ảnh: H.H

Đợt mưa lịch sử gây ngập úng trên diện rộng tại thành phố Đà Nẵng vào 2 ngày 9 và 10-12-2018 là một biểu hiện bất thường của thời tiết và tác động của biến đổi khí hậu. Theo Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ, tổng lượng mưa từ 0 giờ ngày 9-12-2018 đến 23 giờ cùng ngày đo được tại đường Trưng Nữ Vương là hơn 750mm và tại cầu Cẩm Lệ là hơn 720mm.

Đây là đợt mưa có lượng mưa lớn và kéo dài liên tục hiếm có trong lịch sử; đặc biệt, tổng lượng mưa trong 1 ngày còn cao hơn ngày mưa lớn nhất trong đợt lũ lịch sử vào năm 1999 (593mm).

Ông Lê Tùng Lâm, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho hay, nguyên nhân nhiều nơi ngập úng trên diện rộng tại thành phố vào ngày 9-12-2018 là do lượng mưa lớn vượt xa tần suất thiết kế hệ thống thoát nước đô thị.

Theo đó, các trạm bơm chống ngập, hồ điều hòa, kênh thoát nước chính được thiết kế với tần suất bảo đảm thoát nước đối với trận mưa lớn có chu kỳ lặp lại 10 năm; cống thoát nước chính có tần suất 5 năm; các cống nhánh là 2 năm.

“Do tác động của biến đổi khí hậu, đợt mưa lịch sử xảy ra vào ngày 9-12-2018 có chu kỳ lặp lại đến hơn 20 năm (1999) nên hệ thống thoát nước hiện trạng không thể đáp ứng được. Việc xây dựng hệ thống thoát nước đáp ứng được tất cả trận mưa có cường độ trên 700mm là không khả thi về bài toán kinh tế - kỹ thuật do chi phí đầu tư cực lớn…

Nhằm khắc phục tình trạng ngập úng và bảo đảm thoát nước bền vững cho đô thị, cần tiếp tục cải tạo, đầu tư xây dựng mới hệ thống thoát nước theo quy hoạch thoát nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được thành phố phê duyệt, trong đó có bảo vệ, xây dựng các hồ điều tiết; đẩy mạnh giải phóng mặt bằng và tập trung nguồn lực triển khai thi công hoàn thành các công trình thoát nước; tuyên truyền bảo vệ công trình thoát nước, không bịt cửa thu nước mưa, xả rác vào hệ thống cống…

Hiện nay, Sở Xây dựng đang phối hợp với đơn vị tư vấn đến từ Singapore nghiên cứu các nội dung liên quan đến hạ tầng thoát nước đô thị, bảo đảm phát triển bền vững đô thị trong tương lai”, ông Lê Tùng Lâm nhấn mạnh.

Đợt mưa lịch sử nói trên còn biểu hiện sự bất thường khi mưa tập trung ở thành phố Đà Nẵng và hạ lưu sông Vu Gia – Thu Bồn mà ít mưa trên lưu vực các hồ thủy điện, làm các hồ bị “đói” nước và gây nhiễm mặn, thiếu nước sinh hoạt, sản xuất nhiều đợt ở cả thành phố Đà Nẵng lẫn tỉnh Quảng Nam trong năm 2019.

Đến mùa mưa lũ năm nay, tính đến ngày 23-10 âm lịch, “kịch bản” chỉ mưa ở hạ lưu, ít mưa ở thượng lưu các hồ thủy điện khá giống với mùa mưa lũ của năm 2018. Hiện ở thành phố Đà Nẵng đã xảy ra nhiều đợt mưa lớn, gây ngập úng cục bộ đường phố và một số khu vực dân cư, nhưng cả 2 hồ thủy điện Sông Bung 4 và A Vương, 2 hồ thủy điện cung cấp nước chủ yếu cho hạ du sông Vu Gia đều đang “đói” nước.

“Trong mùa mưa lũ năm nay, Đà Nẵng đã mưa được mấy đợt với lượng mưa tương đối lớn và gây ngập đường phố, nhưng lượng mưa ở lưu vực hồ thủy điện A Vương rất ít. Hiện mực nước trong hồ thủy điện A Vương còn thấp hơn mực nước dâng bình thường đến 30m”, ông  Ngô Xuân Thế, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương nói.

Trước viễn cảnh có nguy cơ thiếu nước điều tiết cho hạ du trong mùa khô năm 2020, hiện Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Quảng Nam đang chỉ đạo điều tiết các hồ thủy điện trong mùa lũ theo thời gian thực để tích được nhiều nước; đồng thời phối hợp với thành phố Đà Nẵng và các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn để nâng cao khả năng cấp nước sinh hoạt, sản xuất và hiệu quả trong điều tiết giảm lũ cho hạ du.

Tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ

Tròn 20 năm sau đợt lũ lịch sử năm 1999, vào đầu tháng 11-2019, dư luận rộ lên những thông tin dự báo mưa lũ lịch sử như năm 1999 do ảnh hưởng của bão số 6. Thực tế, bão số 6 từ khi mới hình thành và kết thúc có hướng di chuyển dị thường và diễn biến phức tạp; đồng thời, cũng thuộc dạng hiếm có khi di chuyển về phía đông rồi bẻ ngoặt về phía tây.

Để dự báo đúng hướng di chuyển và cường độ của bão, phục vụ tốt nhất cho công tác ứng phó với bão số 6, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã tham khảo bản tin dự báo của các trung tâm dự báo lớn của Nhật Bản, Hồng Kông, Trung Quốc, quân đội Mỹ… và thiết lập đến 32 mô hình tính toán để dự báo kết hợp sử dụng các hệ thống quan trắc, công nghệ tối tân.

“Trên cơ sở các thông tin tham khảo từ quốc tế và chắt lọc từ kết quả của hàng chục mô hình tính toán, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia mới đưa ra nhận định về hướng di chuyển và cường độ của các cơn bão”, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia phát biểu tại cuộc họp trực tuyến chỉ đạo ứng phó bão Nakri sáng 8-11.

Đà Nẵng cũng đã hứng chịu nhiều thiệt hại bởi các cơn bão mạnh như: Xangsane (2006), Ketsana (2009), Nari (2013)…; lũ lớn vào các năm 2009, 2011, 2013, 2016, 2017… và có nguy cơ ảnh hưởng bởi hiện tượng sóng thần. Vì thế, hằng năm, Đà Nẵng đều xây dựng phương án và chủ động triển khai các giải pháp ứng phó với các loại thiên tai như: bão mạnh, lũ lớn, sóng thần…

Đặc biệt, thành phố đã phối hợp với Bộ Công an tổ chức diễn tập ứng phó sự cố hỏa hoạn, cứu nạn có quy mô cấp quốc gia tại các tòa nhà cao tầng vào giữa tháng 10-2019 và đang tích cực triển khai các công tác chuẩn bị diễn tập ứng phó bão mạnh, lũ lớn khu vực miền Trung.

Ông Hoàng Thanh Hòa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố cho hay, thiên tai đang ngày càng diễn biến phức tạp, mức độ nguy hiểm có chiều hướng gia tăng bởi tác động của biến đổi khí hậu, gây khó khăn cho công tác dự báo, cảnh báo, theo dõi và giám sát các hiện tượng thiên tai.

Đặc biệt, sự thay đổi lớn về địa hình do xây dựng cơ sở hạ tầng, đô thị, chế độ vận hành của các hồ thủy điện trên thượng nguồn sông Vu Gia – Thu Bồn gây khó khăn, thiếu chính xác cho công tác dự báo và công tác chủ động ứng phó.

Trong đó, các tuyến đường giao thông qua địa bàn huyện Hòa Vang như: đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, đường Hòa Phước – Hòa Khương (ADB 5), đường Hòa Phước – Hòa Khương, các khu dân cư và đô thị đổ đất san lấp lấn sông ở Hòa Xuân và Hòa Quý…, đã chắn ngang hoặc ảnh hưởng tuyến thoát lũ của sông Vu Gia – Thu Bồn, làm tình trạng ngập lụt trở nên nặng nề hơn.

Vì thế, cần đánh giá lại tổng thể hệ thống thoát nước, khả năng thoát lũ để hạn chế ngập lụt. Cùng với đó, đề nghị các bộ, ngành Trung ương lắp đặt hệ thống quan trắc hải văn, sạt lở bờ biển và giải pháp khắc phục; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng cơ sở dữ liệu, hoạt động theo dõi, giám sát, phòng ngừa, ứng phó, chủ đạo điều hành phòng chống thiên tai…

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.