Giúp dân giảm nhẹ thảm họa

.

Các cơ quan, đơn vị hữu quan ở Đà Nẵng đã chuẩn bị “kịch bản” cứu hộ, cứu nạn khẩn cấp nhằm kịp thời thông tin, ứng cứu người dân trong những tình huống xấu do thiên tai gây ra.

Lực lượng vũ trang huyện Hòa Vang đào mương thoát nước chống ngập lụt tại thôn Cẩm Toại Đông, xã Hòa Phong. (Ảnh do BCH Quân sự Hòa Vang cung cấp)
Lực lượng vũ trang huyện Hòa Vang đào mương thoát nước chống ngập lụt tại thôn Cẩm Toại Đông, xã Hòa Phong. (Ảnh do BCH Quân sự Hòa Vang cung cấp)

Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) của thành phố Đà Nẵng là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), văn phòng đặt tại Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão, số 353 đường Lê Thanh Nghị. Bà Thái Thị Bích Vân, Phó Chi cục trưởng, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ huy cho biết, phương án phòng chống và khắc phục hậu quả ứng với một số kịch bản thiên tai trên địa bàn thành phố đã được xây dựng từ năm 2014.

Theo nội dung phương án, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) thành phố có nhiệm vụ lập phương án cứu trợ và trợ giúp nhân đạo, vận động, tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cho các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi tai nạn, thảm họa, thiên tai. Riêng nhiệm vụ giúp người dân (ngư dân đi ghe thuyền trên biển, nông dân thu hoạch mùa màng, người dân ở các “họng bão”, vùng có nguy cơ sạt lở, ngập lụt...) ứng phó với thiên tai và giảm nhẹ thảm họa được giao cho quân sự, biên phòng, các quận/huyện. Trước mùa mưa bão, các quận/huyện hiệp đồng với các đơn vị lực lượng đứng chân trên địa bàn thực hiện ứng phó và khắc phục thiên tai.

Nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ cứu trợ người dân trong thiên tai, cuối tháng 9-2014, Hội CTĐ thành phố ra mắt Đội Ứng phó thảm họa (Provincial Disaster Response Team – PDRT) với 15 thành viên. Các thành viên của đội được trang bị áo phao, dụng cụ sơ cấp cứu, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi được điều động. Đội có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động di dời người dân địa phương ra khỏi vùng ảnh hưởng của thiên tai tới nơi an toàn và tham gia các hoạt động phòng ngừa, ứng phó thảm họa dựa vào cộng đồng theo sự phân công của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN của thành phố.

Ông Phan Thanh Hải, Trưởng ban Phong trào, Hội CTĐ thành phố cho biết, đầu năm 2019, đội được kiện toàn lại với 18 thành viên, gồm cán bộ Thành Hội, các đơn vị trực thuộc Hội và Hội CTĐ các quận/huyện. Đội được chia làm 4 nhóm chuyên môn: nhóm đánh giá thiệt hại và nhu cầu; nhóm hỗ trợ cứu trợ; nhóm hỗ trợ y tế - nước sạch và nhóm truyền thông. Công tác cứu trợ gồm 3 giai đoạn: cứu trợ khẩn cấp (nước uống, thức ăn... người nhận không phải ký nhận); cứu trợ phục hồi (nhà đổ, nhà sụp được hỗ trợ bạt, tấm lợp…); cứu trợ tái thiết (dỡ hết nhà sụp làm lại, tạo công ăn việc làm cho hộ bị thiên tai...).

Nhóm hỗ trợ y tế - nước sạch được giao quản lý một máy xử lý nước sạch do Hiệp hội CTĐ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế tài trợ và được Trung ương Hội phân về Hội CTĐ Đà Nẵng. Khi cả vùng nào đó bị ngập lụt, máy sẽ được đưa tới hiện trường để xử lý nước, cung cấp nước sạch cho người dân trong tình huống khẩn cấp. Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay, chưa có trận bão nào quá mạnh gây nên ngập úng dài ngày ở Đà Nẵng nên chiếc máy làm sạch nước này vẫn chưa ra hiện trường. Trong khi đó, các tỉnh như Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa..., máy đã phát huy tác dụng cung cấp nước sạch, góp phần ổn định đời sống người dân trong vùng bị “màn trời chiếu nước”.

Ngày 8-12-2018, tại Đà Nẵng xảy ra đợt mưa to đạt đến 635mm, thiết lập lượng mưa ngày lịch sử mới tại Đà Nẵng. Bà Thái Thị Bích Vân cho biết, đợt mưa này đã gây ngập úng đô thị tại nhiều khu vực trũng thấp như tại các đường Hàm Nghi, Đống Đa, Nguyễn Văn Linh, Trưng Nữ Vương…

Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố nhận được thông tin các hộ dân sinh sống ở kiệt 640 đường Trưng Nữ Vương bị ngập nước, cần xuồng nhỏ để đưa trẻ em di chuyển. Ông Lê Văn Tuyến, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và phòng, chống lụt bão, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy cũng đã liên lạc với ông Bùi Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu, đề nghị quận có biện pháp cử lực lượng hỗ trợ. Quận Hải Châu đã chỉ đạo phường Hòa Thuận Tây cử lực lượng di chuyển người ở các nhà bị ngập sâu đến các nhà cao tầng và trụ sở UBND phường.

Theo Thượng tá Nguyễn Kết, Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện Hòa Vang, đợt mưa to này làm cả huyện có 10/119 thôn bị ngập lụt. Trong 208 hộ bị ngập lụt, đơn vị đã tổ chức di dời 27 hộ bị ngập nặng từ nhà thấp đến nhà cao và bảo đảm lương thực, thực phẩm cho bà con sử dụng. Ngoài ra, ngập lụt còn gây thiệt hại về tài sản, sản xuất. 1,2 ha diện tích nuôi trồng thủy sản ở các xã Hòa Nhơn, Hòa Liên bị thiệt hại. 5 ha vùng rau chuyên canh bị hư hại ở các thôn Cẩm Nê (xã Hòa Tiến), Ninh An, Phước Hưng Nam, Thạch Nham Tây, Phước Thái, Hòa Khương Đông (xã Hòa Nhơn). So với các trận lụt trước, đây là một thiệt hại không lớn, bởi Ban Chỉ huy Quân sự huyện đã tham mưu Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện tổ chức triển khai một số nội dung chính về phòng, chống thiên tai và bản thân người dân cũng đã có khá nhiều “kinh nghiệm” trong lĩnh vực này.

Cũng để hỗ trợ kỹ năng phòng, chống thiên tai, cuối tháng 8 vừa rồi, tại Đà Nẵng, Hội CTĐ thành phố và Trung tâm Phòng ngừa ứng phó thảm họa và kho hàng cứu trợ khu vực miền Trung phối hợp tổ chức lớp tập huấn “Đánh giá thiệt hại và nhu cầu trong ứng phó thảm họa” cho 22 học viên đến từ Đội Ứng phó thảm họa và đại diện Hội CTĐ các quận/huyện. Học viên được trang bị kiến thức và kỹ năng về đánh giá thiệt hại và nhu cầu trong tình huống khẩn cấp nhằm chủ động ứng phó và xây dựng năng lực dự phòng trong giai đoạn phòng ngừa trước mùa mưa bão.

Mỗi khi mưa bão xảy ra, tất cả hệ thống PCTT-TKCN từ thành phố đến các quận/huyện đều chạy hết “công suất” trong tư thế sẵn sàng ứng cứu nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất các thiệt hại về người và của cho người dân.

VĂN THÀNH LÊ


 

;
;
.
.
.
.
.