Sáng mãi đạo lý "Uống nước nhớ nguồn"

.

Tháng bảy, ở đâu đó trên mảnh đất này, giọt nước mắt vẫn lặng lẽ rơi sau mỗi nén hương đốt cháy. Và chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với người có công với cách mạng, hộ gia đình chính sách, như một sự tri ân, một niềm chia sẻ dù biết rằng, mọi bù đắp sẽ không bao giờ là đủ cho những hy sinh, mất mát của mỗi gia đình liệt sĩ, người có công cách mạng.

Thăm hỏi, chăm sóc gia đình chính sách, Bà mẹ Việt Nam anh hùng là việc làm thường xuyên của các tổ chức chính trị, đoàn thể trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. TRONG ẢNH: Đoàn Thanh niên phường Hòa Hải thăm, tặng quà mẹ VNAH Huỳnh Thị Sự, tổ 21 phường Hòa Hải.  (Ảnh do Đoàn phường Hòa Hải cung cấp)
Thăm hỏi, chăm sóc gia đình chính sách, Bà mẹ Việt Nam anh hùng là việc làm thường xuyên của các tổ chức chính trị, đoàn thể trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. TRONG ẢNH: Đoàn Thanh niên phường Hòa Hải thăm, tặng quà mẹ VNAH Huỳnh Thị Sự, tổ 21 phường Hòa Hải. (Ảnh do Đoàn phường Hòa Hải cung cấp)

1. Sau khi thắp nén nhang lên bàn thờ gia tiên, chị Huỳnh Thị Hồng, trú tổ 53, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn đon đả kéo ghế mời khách ngồi uống nước. Bao giờ cũng vậy, những ngày này, chị Hồng ở nhà nhiều hơn bởi “sợ có khách đến chơi mà mình lại đi vắng”. “Khách” ở đây là những người đồng đội từng vào sinh ra tử với ba chị, cứ tháng bảy lại đến thắp cho ba chị cây hương, ngồi với gia đình chị trong chốc lát, nói năm điều ba chuyện, những câu chuyện quen thuộc, không đầu không cuối nhưng chan chứa cảm xúc và hoài niệm khi buồn, khi vui.

Chị tiếp: “Những năm trước, mỗi khi đến nhà chơi, sau khi nhìn quanh một hồi, các cô chú ấy đều lặng lẽ nắm lấy tay tôi, bảo sao sống cực thế. Căn nhà cấp 4 ẩm thấp, bong tróc từng mảng xi-măng, nền nhà nham nhở. Biết thì biết vậy chứ tiền lấy đâu ra mà sửa. Hai năm nay thì khác rồi, nhờ số tiền hỗ trợ 60 triệu đồng của UBND quận Ngũ Hành Sơn và phường Khuê Mỹ, gia đình có động lực để cố gắng gom góp xây một căn nhà mới. Ở vùng thấp trũng, xây nhà be bé cũng được, nhưng phải có gác lửng kiên cố để tránh mưa lũ”.

Xây nhà là việc lớn. Niềm vui đến với gia đình chị Hồng không chỉ là sự hỗ trợ về vật chất mà là sự quan tâm, thường xuyên tới lui, thăm hỏi của cán bộ địa phương, sự chia sẻ của bà con hàng xóm qua gói trà, miếng bánh mời thợ. Niềm vui xây ngôi nhà mới mang theo cả sự ấm áp, sẻ chia của tình người. Chị bảo, những ngày xây nhà mới rất vui, mà vui nhất, là gia đình chị không làm điều đó một mình.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn có 26 căn nhà chính sách được xây mới, 43 nhà ở được sửa chữa với tổng kinh phí hơn 3 tỉ đồng. Ông Nguyễn Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận cho biết, ngoài hỗ trợ kinh phí, UBND quận chỉ đạo các đơn vị chức năng, cán bộ địa phương thường xuyên có mặt kiểm tra, đôn đốc tiến độ công trình, bảo đảm ngôi nhà hoàn thành 3 tiêu chí: cứng nền, cứng mái, cứng tường. “Quận Ngũ Hành Sơn là vùng thấp trũng, đặc biệt khu vực Hòa Hải, Hòa Quý, do đó việc thiết kế, xây dựng phải tính đến công năng tránh mưa, lụt. Phần nền, tường, mái dày, cứng cáp là điều rất quan trọng nên cũng ngốn khá nhiều vật liệu. Với những hoàn cảnh gia đình khó khăn, ngoài kinh phí Nhà nước, chúng tôi nỗ lực kêu gọi sự tiếp sức của doanh nghiệp, tổ chức xã hội để hỗ trợ thêm”.

Ngũ Hành Sơn là địa phương có hơn 3.500 thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gần 500 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (hiện 39 mẹ còn sống được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng). Theo ông Nguyễn Hòa, hiện trên địa bàn quận còn nhiều gia đình chính sách có nhà ở xuống cấp, thời gian tới quận sẽ yêu cầu các phường tiếp tục rà soát, lập danh sách cụ thể để xây dựng phương án hỗ trợ, phấn đấu tất cả gia đình chính sách có nơi ở kiên cố, ổn định, có cuộc sống từ mức khá trở lên.

Mới đây, để gia đình chính sách có điều kiện phát triển kinh tế, UBND quận đã trao sinh kế và đồ dùng thiết yếu cho 10 hộ với tổng kinh phí gần 138 triệu đồng; đối với những gia đình có hệ thống điện cũ kỹ, đoàn viên, thanh niên đã tổ chức sửa chữa, thay thế hệ thống dây điện, bóng điện an toàn và tiết kiệm hơn.

2. May mắn trở về sau khi tham gia giải phóng đất nước, ông Nguyễn Văn Ngọc, thương binh ¾ ở phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ cho biết, khi trực tiếp cầm súng chiến đấu, sự sống - cái chết chỉ trong gang tấc thì việc được trở về, lấy vợ sinh con, đoàn tụ với gia đình đã là may mắn. Thời bao cấp, đất nước còn nghèo, đời sống kinh tế còn chật vật, tiền trợ cấp hằng tháng chỉ vài chục ngàn đồng đã là vui, để cho biết bao gia đình qua cơn đói khát.

Nay cuộc sống ổn định hơn, số tiền trợ cấp trên dưới 2 triệu đồng hằng tháng của một người thương binh như ông trở thành của để dành, phòng khi ốm đau bệnh tật, an dưỡng tuổi già. Chưa kể, con em thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ trong quá trình đi học, đi làm cũng nhận được nhiều chế độ ưu đãi. “Trong điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn, nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền là rất quý. Mỗi năm đến dịp này, chúng tôi - những người đồng đội - lại có dịp ngồi bên nhau chia sẻ, động viên và nhận được những suất quà từ địa phương là vui và ấm lòng lắm rồi”, ông Ngọc chia sẻ.

Bên cạnh đó, sự quan tâm tưởng chừng rất nhỏ như trao tặng tủ thờ, lư hương cho các hộ gia đình chính sách, gia đình liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng tại quận Cẩm Lệ đã khiến không ít người rơi nước mắt vì cảm động. Vừa là thương binh, vừa là vợ liệt sĩ, bà Nguyễn Thị Thành ở phường Hòa Thọ Tây cho biết ngày nhận được chiếc tủ thờ còn thơm mùi vec-ni, bà đã bật khóc vì hạnh phúc.

Bà Thành bộc bạch: “Cảm động vô cùng. Có chiếc tủ mới, tôi sắm thêm cái lư hương, bình hoa mới đặt lên. Nhìn di ảnh người thân để ngay ngắn, bừng sáng giữa gian nhà, tôi mấy đêm liền lòng lâng lâng không ngủ được, cứ đi ra đi vào thắp hương, nhìn ngắm, chảy nước mắt vì mừng”.

Được biết, những chiếc tủ thờ mà UBND phường Hòa Thọ Tây hỗ trợ cho gia đình chính sách là tấm lòng của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong khu vực. Bí thư Đảng ủy phường Ngô Văn Hiệp cho biết ngoài kinh phí từ quận, thành phố cấp về, mỗi năm địa phương thường xuyên vận động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn, đồng thời vận động sự đóng góp từ chính đội ngũ cán bộ, đảng viên để có thêm sự hỗ trợ cần thiết cho những gia đình chính sách có đời sống kinh tế khó khăn.

3. Bằng trách nhiệm xã hội, tại Đà Nẵng, mỗi quận, huyện đều có cách làm hay, hướng đến chữ lý, chữ tình trong mỗi hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”. Ngoài kinh phí hỗ trợ hằng tháng, công tác chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, tượng đài, bia chiến tích…, Đà Nẵng còn ban hành một số chính sách riêng như trợ cấp cho 2.647 người có công có hoàn cảnh khó khăn mắc bệnh hiểm nghèo 500.000 đồng/người/tháng; với thương binh và người hưởng chính sách như thương binh (có tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30%) là hộ nghèo, được trợ cấp thêm 200.000 đồng/người/tháng.

Chăm lo cho gia đình chính sách thể hiện ở nhiều mặt. Trong ảnh: Các bạn đoàn viên ở xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) thăm hỏi sức khỏe của một hộ gia đình chính sách tại thôn Phước Thái. Ảnh: MAI HIỀN
Chăm lo cho gia đình chính sách thể hiện ở nhiều mặt. Trong ảnh: Các bạn đoàn viên ở xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) thăm hỏi sức khỏe của một hộ gia đình chính sách tại thôn Phước Thái. Ảnh: MAI HIỀN

Chưa kể mới đây, tại kỳ họp thứ 11, ngày 11-7-2019, HĐND thành phố ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe đối với người có công cách mạng, chính sách hỗ trợ người có công cách mạng và thân nhân người có công cách mạng thuộc hộ nghèo không còn sức lao động trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Theo đó, 485 người có công với cách mạng được hỗ trợ mức 1 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng/người/tháng để chăm sóc sức khỏe; hỗ trợ 443 người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng thuộc hộ nghèo không còn sức lao động, mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng. Tổng kinh phí thực hiện 2 mức hỗ trợ này vào khoảng 12 tỷ đồng/năm, từ nguồn ngân sách thành phố.

Ông Thái Đình Hoàng, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố cho biết năm 2019, ngoài chế độ trợ cấp theo quy định của Nhà nước, UBND thành phố Đà Nẵng quyết định chi hơn 10,7 tỉ đồng thăm, tặng quà gia đình chính sách, người có công với cách mạng nhân kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7.

Cùng với đó, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, chăm lo hài hòa giữa sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần, tập trung hỗ trợ sinh kế, phát triển kinh tế gia đình, với mong muốn sự quan tâm của các cấp, ngành trở thành động lực, niềm vui để mỗi gia đình chính sách vơi đi những mất mát, đau thương đã trải qua sau hai cuộc chiến, đồng thời bảo đảm công tác an sinh xã hội của thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn hiện nay. Từ những hoạt động đền ơn đáp nghĩa thiết thực như vậy đã góp phần làm sáng mãi đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.