Mua hoa sớm, chia sẻ yêu thương

.

Trước Tết Nguyên đán cả tuần, cộng đồng mạng kêu gọi người dân thành phố mua hoa sớm cho người nông dân về quê ăn Tết. Cùng với lời kêu gọi là những hình ảnh đau xót của người nông dân khi phải tự tay đập phá những chậu hoa cúc ngay trong đêm giao thừa của mấy năm trước. Facebook Đà Nẵng viết: “Các bạn ơi, làm ơn đừng đi mua hoa, cây cảnh hôm 30 Tết nếu bạn có điều kiện mua trước đó. Mình muốn vui Tết, người nông dân cũng muốn vui, vậy thì cùng làm nhau vui nếu như bạn có điều kiện mua cây, hoa cảnh trước đó. Đừng để đến 30 Tết mới mua... khi đó chỉ còn lại nước mắt, nỗi buồn...”.

Làng hoa Vân Dương sẵn sàng phục vụ Tết.
Làng hoa Vân Dương sẵn sàng phục vụ Tết.

Nhiều người dân có tâm lý đợi đến chiều hoặc tối 30, thậm chí giao thừa mới đi mua hoa cho rẻ. Trong khi đó, để có được những chậu hoa, cây cảnh đẹp mang bán trong dịp Tết, người nông dân phải bỏ ra bao công sức để trồng, chăm sóc quanh năm vất vả; đến khi cuối năm còn phải mang cả chăn màn ra chỗ bán ngủ canh suốt cả tuần dưới trời mưa rét.

Tiếc công chăm bón, nhiều năm trước đây, không ít người nông dân phải tự tay thà đập bỏ hoa còn hơn bán giá rẻ mạt. Anh Dương Thái (Facebook Duong Thai) chia sẻ: “Người ta trồng cực khổ chỉ nhờ có một cái Tết thôi, mình chỉ bỏ tiền ra mua, đâu biết cực ra sao?!”. Còn chị Lai Cẩm thì kêu gọi: “Mua sớm cho người ta hết sớm mà còn về lo Tết, chứ đợi tới 30 mới mua thì họ hết trễ, không lo được Tết. Tội quá!”. Có những chậu hoa bán mấy ngày trước Tết với giá 2-3 triệu đồng nhưng tới đêm 30 chỉ còn 300.000-500.000 đồng.

Năm nay, Đà Nẵng có nhiều vườn trồng hoa, phân bố ở các xã thuộc huyện Hòa Vang và các quận Cẩm Lệ, Liên Chiểu, Hải Châu. Trong đó, làng hoa Vân Dương (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) là nơi có diện tích trồng hoa lớn nhất với khoảng 3ha và 77 hộ trồng hoa. Mặc dù trong năm 2018, làng hoa Vân Dương chịu thiệt hại do mưa lớn giữa tháng 12 nhưng người dân đã chủ động khắc phục hậu quả để đưa hoa ra thị trường Tết Nguyên đán Kỷ Hợi khoảng 75.000 chậu hoa thuộc 40 loại như: thu hải đường, xác pháo, cúc, vạn thọ, ly... Trong khi đó, tại đường 30 Tháng 4 (quận Hải Châu), nhiều hộ dân tận dụng mặt bằng đất chưa xây nhà ở, trồng hơn 20.000 chậu các loại như cúc, vạn thọ, ly... Theo các chủ trồng hoa, so với dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, thị trường hoa Tết Kỷ Hợi năm 2019, giá hoa bán tăng 10 - 15% để bù chi phí phân bón, công chăm sóc, thiệt hại mưa lớn trong năm.

Còn nhớ 30 Tết năm ngoái, nhiều nông dân phải bán tháo để kịp về quê ăn Tết, có người ngồi thẫn thờ dưới gốc cây vì lỗ. Anh Võ Minh Triều (Tuy Phước, Bình Định) mang mấy trăm chậu hoa mai từ Bình Định ra Đà Nẵng bán, tâm sự: “Mấy ngày trước 30 Tết, một chậu hoa mai bán với giá khoảng 2 triệu đồng, nhưng đến 30 Tết chỉ còn 700.000 - 900.000 đồng/chậu. Người ta trả giá bằng một nửa cây mai thì làm sao tôi bán được. Nếu trễ quá mà bán không được, tôi đành nhổ gốc đem về chứ không hạ giá nữa”.

Bên cạnh hình ảnh dòng người hối hả về nhà sum vầy vào những ngày cận Tết thì vẫn còn những người vẫn đang phải cố bươn chải để mong kiếm tiền mua bộ quần áo mới, sắm sanh ngày Tết muộn. Vì vậy, việc kêu gọi mọi người mua hoa Tết sớm cho bà con nông dân là một việc làm ý nghĩa và có trách nhiệm. “Năm vừa qua, lũ lụt khiến người dân đau thương rồi, đừng để họ lại mất mát lần nữa; dù hoa năm nay thế nào, hãy cùng sẻ chia để họ được cái Tết ấm áp...”, Facebook Đà Nẵng kêu gọi.

TÂM NHƯ

;
;
.
.
.
.
.