Nao nức bài chòi

.

Để sẵn sàng phục vụ người chơi bài chòi dịp Tết, các câu lạc bộ (CLB) bài chòi trên địa bàn thành phố rộn ràng chuẩn bị cả tháng trước đó.

Chị Nguyễn Thị Lệ, Chủ nhiệm CLB Bài chòi sông Yên cho biết, đến thời điểm này, CLB đã sẵn sàng diễn Tết. Từ mồng một Tết, CLB tập trung biểu diễn ở Công viên 29-3; từ mồng 2 đến mồng 5, CLB phải chia lực lượng diễn ở UBND phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ. Sau đó, mồng chín, mồng 10 sẽ tập trung biểu diễn phục vụ ở lễ hội đình làng Túy Loan và các lễ hội ở nhiều địa phương khác... So với các năm, lực lượng của CLB năm nay có phần “khiêm tốn” hơn, do một số thành viên trong CLB tuổi cao sức yếu, một số nghỉ. Vì vậy, công tác chuẩn bị càng tất bật hơn từ việc học thuộc bộ bài trên 30 con, đến chuẩn bị chòi, trống, cờ, rồi phần thưởng cho người chơi... 

Chơi bài chòi ngày Tết là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Trung Bộ bao đời. Ảnh: CLB Bài chòi Sông Yên cung cấp.
Chơi bài chòi ngày Tết là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Trung Bộ bao đời. Ảnh: CLB Bài chòi Sông Yên cung cấp.

CLB Bài chòi sông Yên thành lập năm 2011 thì từ năm 2012 đi diễn Tết khắp thành phố cho đến nay. Không chỉ diễn Tết, CLB thường xuyên nhận được lời mời biểu diễn tại các lễ hội du lịch của thành phố như Điểm hẹn mùa hè, Lễ hội pháo hoa quốc tế, Lễ hội Quán Thế Âm, Lễ hội Cầu ngư Thanh Khê, hay biểu diễn ở các quận Liên Chiểu, Cẩm Lệ... Tuy nhiên, “bao giờ diễn Tết cũng thật đặc biệt, cũng khiến lòng người nao nức nhất. Nhớ những mùa diễn đầu tiên, có những đêm giao thừa thao thức không ngủ được, phần vì phấn khích, phần vì lo lắng, hồi hộp”, chị Lệ trải lòng.

Không chỉ học thuộc bộ bài với nào là những con nhứt trò, thái tử, ông ầm, con xe, nhứt nọc, con đấu, con quăng, lá liễu…, mà khi vào cuộc chơi, “anh hiệu”, “chị hiệu” (người hô thai) phải linh động đưa ca dao, điệu hò, phải có tài ứng khẩu để hội bài trở nên hấp dẫn. Mỗi hội bài thường được chia làm 9 ván, người cầm cờ sẽ đi rải thẻ bài quanh các chòi, sau câu hát của người hô thai, chòi nào trúng, thì gõ mõ để “ông hiệu”, “chị hiệu” mang con bài đến. Trúng ba con bài là chòi đó “tới”, người chơi sẽ được cắm lá cờ đỏ nhỏ vào chòi kèm một phần thưởng nho nhỏ.

Nghệ nhân ưu tú Đỗ Hữu Quế - người đã xuôi ngược với hoạt động của CLB Bài chòi Sông Yên từ ngày thành lập đến nay, giải thích chơi bài chòi ngày Tết có ý nghĩa văn hóa truyền thống đặc biệt, vừa thể hiện phong tục tập quán đặc trưng của vùng đất, vừa là dịp để mọi người dân, không phân biệt tuổi tác đến chung vui nhằm cầu mong một năm mới gặp may mắn, gặt hái được nhiều thắng lợi. Riêng ở Hòa Vang, vào những năm 90 của thế kỷ 20, lúc cao điểm, toàn huyện có đến 30 đội dân ca bài chòi. Nay cả huyện còn 4 đội: đội bài chòi Hòa Khương, Hòa Bắc, CLB Dân ca xã Hòa Liên và CLB Bài chòi Sông Yên (thuộc Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang) hoạt động khá tốt.

Gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống

Nhắc tới bài chòi ngày xuân, ông Trịnh Công Sơn, Phó Chủ nhiệm CLB Bài chòi Sông Hàn (Hội Nghệ sĩ sân khấu thành phố) phân tích “cái hay, cái độc đáo”, đặc trưng của bài chòi: Nét khác biệt của bài chòi với các loại hình nghệ thuật truyền thống khác nằm ở phách, nhịp và âm nhạc. Ví dụ, tất cả các bộ môn khác dù nhịp 2/4, 3/4, 4/4 đều đi lẻ, còn nhịp của bài chòi, bao giờ cũng 3 phách nổi, 1 phách chìm; nếu không thì không phải bài chòi.

Về âm nhạc, ngày trước, người ta gọi là “hô bài” chứ không phải “hát” vì không có gì để hát. Người hô thai (anh hiệu, chị hiệu) sẽ hô ngẫu nhiên câu ca dao, dân ca, điệu lý bất kỳ có một tiếng trùng với con bài là được, không cần quan tâm ngữ nghĩa. Dần về sau, để tăng tính hấp dẫn, sự cạnh tranh trong biểu diễn, những anh hiệu, chị hiệu muốn khẳng định mình tìm cách tạo nên nét riêng, sự khác biệt, bằng những vần điệu ý nghĩa, những câu hát có cao độ, trường độ. Âm nhạc bài chòi bắt đầu từ đó.

Điều nghệ nhân Trịnh Công Sơn tâm đắc nhất đối với bài chòi nguyên bản đó là tính “không có khúc thức” (trừ các bài lý của bài chòi, sau khi loại hình nghệ thuật dân gian này được định hình trên sân khấu). Tức là, người hô, hát cùng một câu, có thể biến tấu, sáng tạo nhịp ngắt, nghỉ, lên xuống sao cho phù hợp với ngữ cảnh, tâm trạng cần biểu đạt. Tài năng của người diễn xướng - những nghệ sĩ dân gian theo đó thể hiện rất rõ. Không một loại hình nghệ thuật truyền thống nào cho phép điều này.

Bài chòi cũng là một trong những loại hình nghệ thuật vừa bảo tồn nét truyền thống, vừa có những biến đổi linh hoạt để ngày một gần gũi, hấp dẫn hơn. Ngoài những biến tấu về nhạc điệu, nội dung những câu hô hát bài chòi ngày càng ý nghĩa, bám sát đời sống, chứ không chỉ là sự lựa chọn ngẫu nhiên để ghép con bài vào. Ví như để gọi con bài “Phì bí”, có câu: “Rượu say mất hết tính người/ Cờ bạc hút chích vướng rồi khó gỡ ra/ Sạch túi cho đến sạch nhà/ Bí đường bách lỗi phải ra làm liều” hay để gọi con Ông Thầy có câu: “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang/ Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe/ Nhờ ai đỗ Tổng, đỗ Nghè/ Nhờ ai lên xuống ngựa xe huy hoàng/ Nhờ ai chiếm được bảng vàng/ Nhờ công cha mẹ còn mang ơn thầy”...

Để chuẩn bị diễn Tết năm nay, CLB Bài chòi Sông Hàn có hẳn một bài chào xuân mới, do chính nghệ nhân Trịnh Công Sơn sáng tác. Xin trích một số câu mang khí vị mùa xuân đang tới rất gần như: “Anh có thấy gì không?/ Xuân về lan tỏa khắp nơi/ Nhà nhà sửa soạn đón mời xuân sang/ Từ thành thị đến buôn làng/ Người vui, hoa nở ngập tràn niềm tin/ Em à, anh nghe các cụ làng mình/ Tết nay mở hội chào xuân diễn bài chòi/ Bà con cô bác đến coi/ Rút thăm bói lộc để tỏ tường kiết hung...”

Chính nhờ những điệu hò, câu hát rộn ràng như thế mà hội bài chòi ngày Tết có sức hút đặc biệt. Mới hiểu, vì sao xưa có câu dân gian vẫn truyền khẩu, rằng: “Rủ nhau đi đánh bài chòi, để cho con khóc đến lòi rốn ra…”

Thanh Tân
 

;
;
.
.
.
.
.