Nghị lực của Trinh

.

Đến từ một miền quê nghèo khó của tỉnh Hà Tĩnh, Đào Thị Việt Trinh, sinh viên năm 2, ngành tiếng Trung, khoa Ngoại ngữ, Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng trải qua nhiều nghề từ đi nhặt ve chai cho đến phụ quán cà-phê, giao hàng, chạy grab… để kiếm tiền trang trải thêm chi phí đến trường.

Khó khăn là vậy, nhưng Trinh đạt thành tích học tập giỏi, tham gia nhiều hoạt động tình nguyện, xã hội và là lớp phó học tập suốt 2 năm nay.

Ngoài học tập và làm thêm kiếm sống, Trinh còn dành thời gian hướng dẫn em trai học tập. Ảnh: T.L
Ngoài học tập và làm thêm kiếm sống, Trinh còn dành thời gian hướng dẫn em trai học tập. Ảnh: T.L

Đà Nẵng vào mùa mưa, những cơn mưa dày hạt theo gió quất vào mặt người đi đường. Sau giờ tan trường tầm chiều muộn, Đào Thị Việt Trinh bật điện thoại nhận cuộc gọi grab và dắt xe ra đường trong mưa.

“Em chạy thêm grab và giao hàng để kiếm thêm ít tiền phụ ba mẹ trang trải chi phí cho cuộc sống và học tập. Trước đây, khi mới đến Đà Nẵng, làm việc nhặt phế liệu đôi khi em cũng ngại chạm mặt bạn bè nhưng nghĩ lại, kiếm sống bằng nghề nhặt và thu mua phế liệu cũng là cách kiếm tiền chân chính nên em mạnh dạn hơn”, Trinh nói.

Quê Trinh ở thị xã Hồng Lĩnh (tỉnh Hà Tĩnh). Mang tiếng cư dân thị xã nhưng bố mẹ Trinh đều theo nghề nông. Hành trình đến giảng đường của Trinh là một hành trình đầy gian khó và nghị lực. Bà Nguyễn Thị Mười - mẹ Trinh kể: “Suốt ba năm Trinh học THPT, tôi bận chăm em còn nhỏ nên gánh nặng cuộc sống dồn lên vai bố cháu. Để giúp bố đỡ đần cuộc sống, mỗi ngày ngoài giờ đi học, Trinh còn đi bán ruốc để kiếm thêm thu nhập. Có những lúc đi bán tới 8-9 giờ tối mới về nhưng cháu rất chăm ngoan và chịu khó, không phàn nàn lời nào”. Tốt nghiệp THPT, lỡ một năm vào đại học vì gia cảnh nghèo khó, trong khi bạn bè cùng trang lứa vào giảng đường đại học thì Trinh lặng lẽ ở nhà chăm em nhỏ, còn bố mẹ khăn gói vào tận Đà Lạt để tìm kế mưu sinh.

Cuộc sống nhọc nhằn dồn lên đôi vai bé nhỏ của Trinh khi mới 18 tuổi đầu đã đóng vai một người mẹ, vừa chăm em, ai kêu gì làm nấy vừa ôn thi nuôi ước mơ vào giảng đường để tìm cho mình một tương lai tươi sáng hơn. Một năm sau đó Trinh đỗ vào Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng. Cô nữ sinh trường làng lại lặn lội mang em vào Đà Nẵng ở nhờ nhà của một người quen ở quê để theo học. Hai tháng sau đó, để giảm bớt chi phí thuê trọ cũng như đoàn tụ gia đình, bố mẹ Trinh ở Đà Lạt cũng khăn gói trở về Đà Nẵng. Cả nhà 4 người quây quần trong căn phòng trọ chật hẹp tầm khoảng 15m2 ở đường Đỗ Thúc Tịnh (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ). Con đường đến trường đại học của Trinh từ đây lại tiếp tục song song với cuộc mưu sinh không hề dễ dàng ở thành phố.

Trinh kể: “Hồi mới từ quê vào Đà Nẵng, cứ sợ giọng mình nói khó nghe nên em đi nhặt ve chai, thường là giấy vụn và mua ve chai về bán lại để kiếm tiền. Một thời gian sau đó, giá giấy vụn xuống thấp, em xin vào phục vụ quán cà-phê; rồi chuyển dần sang bán trà sữa, giao hàng, chạy grab để tiện cho thời gian đến trường”. Cuộc sống giữa thành phố phồn hoa vốn không dễ dàng, thu nhập từ công phụ thợ nề bữa có việc, bữa không phụ thuộc vào thời tiết của ba mẹ Trinh cộng thêm chạy grab, giao hàng của em không đủ chi tiêu cho cuộc sống tới 4 miệng ăn, thiếu trước, hụt sau. Trong căn phòng trọ nhỏ bé ấy, chiếc bàn học của Trinh được làm từ một chiếc thùng nhựa mẹ nhặt ở vựa ve chai, kê thêm tấm ván mỏng. Đối nghịch với sự thiếu thốn ấy là những tấm giấy khen treo trang trọng trên bức tường khá cũ của căn phòng trọ.

Khó khăn, nhọc nhằn là vậy nhưng Trinh luôn nỗ lực trong học tập, điểm tổng kết cuối năm em đạt loại giỏi, 3.44/4.0 điểm. Không chỉ thế, Trinh còn được biết đến là một lớp phó học tập năng nổ. Trinh luôn có mặt trong nhiều hoạt động của lớp, khoa và trường, như: chương trình Xuân tình nguyện, Chủ nhật xanh, hoạt động Nụ cười của em, dạy vẽ và tổ chức các hoạt động cộng đồng, tham gia CLB Sinh viên 5 tốt, chương trình Kiến trúc vì cộng đồng ước mơ cho em… Ở hoạt động nào, Trinh cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình và được đánh giá cao. Trinh bảo, mỗi hoạt động mà Trinh tham gia mang về cho em những kinh nghiệm sống khác nhau, nên dù các hoạt động  đó chiếm khá nhiều thời gian học và kiếm sống, em vẫn cố gắng sắp xếp để tham gia.

Trinh như một con thoi chạy qua chạy lại giữa việc học, hoạt động ngoại khóa và kiếm kế mưu sinh. Nhìn vào khối lượng công việc tỷ lệ nghịch với thân hình bé nhỏ, ít ai hình dung được cô nữ sinh ấy phải phân chia thời gian như thế nào. Vậy mà Trinh vẫn luôn nở nụ cười thật tươi. “Bây giờ đang có tuổi trẻ, em muốn chọn những công việc nhiều áp lực để hiểu hơn về cuộc sống cũng như rèn luyện thêm khả năng chịu đựng, vượt qua của mình. Sau này khi tốt nghiệp đại học, ước mơ của em là làm cô giáo và có thể kiếm được tiền tự trang trải cuộc sống cũng như cùng bố mẹ cho em của em đến trường”, Trinh bộc bạch. Đôi mắt Trinh ánh lên niềm tin. Phía trước vẫn là chặng đường dài với muôn vàn khó khăn, tin rằng, với nghị lực của mình, cô nữ sinh ấy sẽ vững vàng vượt qua!

Thiên Lam
 

;
;
.
.
.
.
.