Chợ quê ngày Tết

.

Qua rằm tháng Chạp, những phiên chợ quê như bỗng bừng lên một sinh khí mới, khác hẳn những phiên chợ chiều đông ảm đạm trước đó. Và tôi - như một khách nhàn du, những ngày cuối năm, luôn tìm cách rảo về các chợ quê để ngắm, để nhìn cảnh bán mua nhộn nhịp của những người nông dân chân lấm tay bùn. Nhìn ngắm để nhớ về một thời thơ ấu đã từng lăn lộn ở chợ quê, và thấy yêu hơn những phiên chợ Tết như đã từng thuộc nằm lòng bài thơ “Chợ Tết” của nhà thơ Đoàn Văn Cừ từ hồi còn học tiểu học.

Chợ quê ngày Tết. Ảnh: KIM EM
Chợ quê ngày Tết. Ảnh: KIM EM

Tuy không khang trang, sạch đẹp như các khu chợ ở phố, nhưng chợ quê lại có những thứ mà chợ phố không bao giờ có. Có chợ họp ở khoảnh đất rộng ngoài đồng, có chợ thì họp sát ngay bên đường cái, kẻ qua người lại dập dìu như đi trẩy hội. Người mua kẻ bán ở chợ quê hồn nhiên hơn, thân thiện hơn bởi họ đều là người thân, người quen trong làng.

Những thứ mà họ chắt chiu đưa ra chợ bán là mớ rau vừa cắt trong vườn chiều qua, là mấy trái đu đủ vừa hườm hườm trên cây, nhà không có ai ăn vì mấy đứa nhỏ đi học xa chưa về kịp phải hái đưa ra chợ bán chớ sợ quên thì lũ dơi khoét uổng mất. Còn thùng đậu phụng để dành từ mùa trước, đem ra chợ bán, thêm tiền mua cho thằng út cái quần dài mặc Tết. Cái quần mua năm ngoái đến giờ đã ngắn lên trên ống chân mất rồi.

Rộn ràng nhất ở chợ Tết quê là khu bán hoa. Chỉ là vạn thọ, cúc vàng, mào gà… rồi hoa chuối, dừa nước, dâm bụt… những loại cây, loại hoa đồng nội dân dã nhưng vào chợ Tết bỗng như rực rỡ hẳn lên. Hoa là thứ không thể thiếu trong nhà vào những ngày Tết, nên ai cũng cố chọn cho mình những chậu nhiều nụ, nhiều hoa. Những chậu hoa Tết được buộc vào sau xe, cho vào giỏ xe đạp, theo chân người về nhà, làm cho đường quê như thêm rộn rã sắc màu.

Khác với ngày thường, chợ quê ngày giáp Tết có thêm gian hàng bán lá chuối, lá dong và lạt để gói bánh tét, bánh chưng. Rồi củ kiệu, củ cải, củ hành… cũng góp mặt với những thúng, những gánh do các bà, các chị lũ lượt đưa về chợ. Tết thì nhà ai cũng phải có bánh tét, dưa món nên các thứ hàng tươi này bán rất nhanh. Hương vị Tết như đã ngập tràn khắp các gian hàng bánh tổ, bánh nổ, bánh in, rồi mứt gừng, mứt dừa, mứt quất… những thứ bánh, mứt vốn quen thuộc với người dân xứ Quảng mộc mạc, chân chất từ bao đời.

Chợ Tết ở quê nhìn vui mắt bởi rau củ mùa này rất dồi dào và tươi non. Từ xà lách, tần ô, rau thơm, đến khổ qua, bắp chuối, khoai môn… những thứ mà mâm cỗ ngày Tết không thể thiếu đều có mặt ở chợ quê. Những gánh rau xếp hàng dài bên bờ ruộng chờ người mua chở về bán ở các chợ phố. Rau củ nhà ai cũng trồng, ăn không hết, đưa ra chợ bán được bao nhiêu thì mua hết bánh, kẹo, hạt dưa về cho lũ con nít có cái ăn chơi trong mấy ngày Tết.

Tôi hay để ý những bà cụ già ngồi bán hàng. Có cụ chỉ bán một buồng cau hay rổ trầu. Hình như các cụ ra chợ ngồi như một thói quen khó bỏ chứ không chỉ để bán mua. Nhìn cái cách các cụ ngồi xoáy trầu rồi móm mém ăn giữa chợ, tôi bỗng mủi lòng. Không biết rồi các cụ còn theo được bao nhiêu phiên chợ Tết nữa trong cái tuổi đã gần đất xa trời.

Và tôi cũng thấy chạnh lòng khi nhìn một cậu bé ngồi ôm cái lồng nhốt con gà trống choai với ánh mắt buồn bã. Con gà trống là thứ tài sản duy nhất có giá trị trong căn nhà quạnh quẽ của hai mẹ con cậu bé - mà người mẹ đang ốm đau không dậy đi chợ được nên cậy con đưa con gà ra chợ bán, kiếm ít tiền mua mấy thứ để chiều ba mươi Tết nấu mâm cơm mời ông bà và người chồng vắn số về ăn Tết. Chợ đang đông với kẻ qua, người lại, chắc không ai biết cậu bé đang mong có người mua giùm con gà để có chút tiền sắm Tết cho mẹ bớt lo.

Vui nhất trong các phiên chợ Tết ở quê là lũ trẻ con được theo mẹ đi chợ. Chúng theo mẹ sà vào các gian áo quần may sẵn, rồi tíu tít chọn lựa, rồi mặc thử. Nhìn gương mặt sáng bừng của lũ trẻ khi được mặc thử đồ mới, tôi như nhìn thấy tuổi thơ của mình.

Hồi tôi còn nhỏ, mỗi lần được mẹ hứa dắt đi chợ mua đồ mới mặc Tết là thao thức cả đêm chỉ mong trời sáng. Nhớ cảm giác lớp vải mới cọ vào da, mùi thơm của hồ như còn lẩn quất đâu đây. Bất giác tôi nhìn quanh, như thấy bóng dáng mẹ đang lúi húi chọn đồ cho mình rồi hối con mặc thử coi có vừa không.

Kim Em

;
;
.
.
.
.
.