Tỏ lòng thành kính tổ tiên

.

“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”.

Câu ca đậm đà tình nghĩa ấy đã đi vào lòng mỗi người dân Việt từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bắt đầu từ năm 2000, giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm chính thức trở thành Quốc lễ và là ngày hội truyền thống của dân tộc nhằm tưởng nhớ đến công ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước.

Người dân đến viếng Đền thờ Hùng Vương và Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Trừng Giang, xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Người dân đến viếng Đền thờ Hùng Vương và Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Trừng Giang, xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Đền thờ của những tấm lòng

Nếu ai có dịp về làng Trừng Giang, xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) trong những ngày tháng 3 lịch sử, sẽ cảm nhận được không khí rộn ràng, cờ xí ngập đường, chào đón những người con của mọi miền đất nước tập hợp về đây để giỗ Tổ Hùng Vương, các bậc tiền bối và anh hùng liệt sĩ đã góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo thường lệ, cứ vào ngày 10-3 (âm lịch), xã Điện Trung phối hợp luân phiên với các xã Điện Phong, Điện Quang tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại Đền tưởng niệm Khu truyền thống văn hóa làng Trừng Giang. Đây là dịp các cấp chính quyền cùng bà con 3 xã Gò Nổi đến thắp nén nhang hướng về cội nguồn dân tộc.

Nói về quá trình hình thành đền tưởng niệm này, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thị xã Điện Bàn cho biết, năm 1982, dân làng và những người con xa xứ của làng Trừng Giang đã góp công, góp của xây dựng quần thể khu di tích này. Đền thờ tọa lạc trên khu đất rộng gần 3.000m2, uy nghi, bề thế, rợp bóng cây và được chia làm 3 khu: Nơi trang trọng nhất thờ vua Hùng Vương và Bác Hồ và khắc câu nói nổi tiếng của Hồ Chủ tịch: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Phía trước đền thờ là bia thờ và khắc tên các anh hùng liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng, những người có công với cách mạng; bên trái là nơi thờ cúng những người có công lập và xây dựng làng.

Với bao mồ hôi, công sức sau bao năm xây dựng, ngày 24-4-2007 (nhằm ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch), chính quyền và nhân dân xã Điện Trung tổ chức khánh thành Đền thờ và tổ chức Lễ giỗ Tổ Hùng Vương lần thứ nhất. Dù chỉ là thờ vọng, song người dân ai cũng mong muốn ngôi đền phải có được sinh khí “quốc hồn” nên trước đó, đoàn đại biểu cán bộ, nhân dân 3 xã vùng Gò Nổi đã tổ chức chuyến hành hương về Đền Hùng (Phú Thọ) viếng Tổ và xin thỉnh nghinh linh khí Quốc Tổ gồm: chân hương, đất núi Hùng, nước giếng Ngọc đưa về tổ chức trọng thể Lễ An vị linh khí Quốc Tổ nhập tượng.

Từ đây, đền thờ Quốc Tổ ở làng Trừng Giang trở thành một phần không thể thiếu trong tâm thức người dân Gò Nổi, thành biểu tượng của lòng tri ân, hướng về nguồn cội, ngưỡng vọng công đức các Vua Hùng; là nơi hội tụ sức mạnh và niềm tự hào của các dòng tộc trong vùng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân và truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. Và hẳn nhiên, đền thờ này cùng với Lễ giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm trở thành một trong những địa chỉ văn hóa – du lịch hấp dẫn du khách gần xa.

Xây dựng tượng đài
Quốc Tổ Hùng Vương

Với ý nghĩa thiêng liêng của Quốc Tổ, hiện nay, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Văn hóa Hùng Vương, Chi nhánh Quảng Nam-Đà Nẵng đã lập thủ tục và chọn địa điểm để xây dựng tượng đài Quốc Tổ Hùng Vương. Kiến trúc sư Hồ Duy Diệm, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Văn hóa Hùng Vương Chi nhánh Quảng Nam-Đà Nẵng cho biết, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng đã có chủ trương xây dựng tượng đài Quốc Tổ Hùng Vương và giao cho Trung tâm chọn địa điểm, sau đó đề xuất, gợi ý cho lãnh đạo hai địa phương xem xét. Ngân sách xây dựng do xã hội đóng góp.

Theo ông Hồ Duy Diệm, đền thờ Hùng Vương - ông tổ của trăm họ, nếu muốn làm đền thờ Quốc Tổ thì cả trăm họ đều đóng góp xây dựng. Tượng đài nằm trong một công viên văn hóa tâm linh có quy mô khoảng 200.000 - 300.000 người đến dự. “Nếu chọn một địa điểm làm chung cho cả Quảng Nam và Đà Nẵng thì rất tốt nhưng việc chọn địa điểm rất khó vì phải có sự thỏa thuận của cả hai bên. Công trình gồm đền thờ Vua Hùng và thờ tất cả những gì liên quan đến các vua Hùng và cả trăm họ. Mỗi họ đều có một bức tượng ông tổ dòng họ để con cháu đến viếng. Ngoài ra còn có những khu văn hóa tâm linh, những công viên liên quan đến văn hóa truyền thống như tre, trúc...”, ông Diệm đề xuất.

Ông Diệm cũng đề xuất, nếu làm chung cho cả hai địa phương thì nên chọn vị trí ở đồi Bồ Bồ (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) bởi nơi đây là di tích lịch sử, có độ cao, gần dân, giao thông thuận lợi cho cả hai địa phương. Ngoài ra còn có một số địa điểm khác như phía nam đèo Hải Vân, núi Quế (huyện Quế Sơn, Quảng Nam), núi Hòn Tàu (Quảng Nam)… Còn nếu làm riêng thì Đà Nẵng nên chọn núi Gành ở phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn bởi nơi đây có vị thế đẹp, đất đai không rộng lớn nhưng gắn với Khu Công viên văn hóa tâm linh để tổ chức giỗ Tổ. Hiện Trung tâm đã đi khảo sát, xem xét chọn địa điểm và nghiên cứu để đề xuất với lãnh đạo hai địa phương.

Sau đó, bộ phận chuyên môn của tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng sẽ căn cứ đề xuất chọn phương án phù hợp nhất. Khi có địa điểm cụ thể, Trung tâm sẽ vẽ sơ đồ xin cấp đất rồi vận động các mạnh thường quân đầu tư. Tùy vị trí mà có kiến trúc phù hợp nhưng Công viên phải quy hoạch ít nhất từ 20-30 hecta, trong đó phải có nơi thờ tượng Vua Hùng và đền thờ. Mẫu Miếu thờ và tượng Vua Hùng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt và sử dụng chung cho toàn quốc. Nếu triển khai tốt thì dự kiến ngày 10-3 (âm lịch) năm 2019 sẽ khởi công xây dựng công trình và làm tế lễ vái trời đất.

“Điều quan trọng của việc xây dựng Tượng đài Quốc Tổ Hùng Vương là làm cho người dân hiểu được lịch sử dân tộc Việt Nam, lịch sử Vua Hùng và các dòng họ. Ngoài ngày giỗ Tổ mồng 10-3 âm lịch hằng năm, ở công viên văn hóa tâm linh này còn có thờ ông tổ của 100 dòng họ và có ngày giỗ của mỗi dòng họ nên các hoạt động văn hóa tâm linh sẽ diễn ra thường xuyên; qua đó giáo dục thế hệ con cháu truyền thống đánh giặc cứu nước, tinh thần yêu nước của các Vua Hùng, các bậc tiền nhân có công dựng nước và giữ nước”, ông Diệm nhấn mạnh.  

Đoàn Hạo Lương

 

;
;
.
.
.
.
.