Nhà Trần với công cuộc Quảng-Nam-mở-cõi

.

LTS: Nhân kỷ niệm ba sự kiện lịch sử lớn của đất nước: 790 năm Ngày sinh Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn (1228-2018), 760 năm Nhà Trần chiến thắng quân Mông Nguyên lần thứ nhất (1258-2018) và 730 năm Nhà Trần chiến thắng quân Mông Nguyên lần thứ ba (1288-2018), ngày 28-12-2018, được sự thống nhất của Thường trực Thành ủy, Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng tổ chức Hội thảo khoa học “Nhà Trần trong lịch sử Việt Nam”.

Báo Đà Nẵng giới thiệu với bạn đọc tham luận của Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng.    

Núi Hải Vân sớm chiều mây phủ thuộc về Đại Việt sau đám cưới Huyền Trân-Chế Mân. Ảnh: XUÂN SƠN
Núi Hải Vân sớm chiều mây phủ thuộc về Đại Việt sau đám cưới Huyền Trân-Chế Mân. Ảnh: XUÂN SƠN

Những người đứng đầu triều đại quân chủ Đại Cồ Việt/Đại Việt từ đồng bằng sông Hồng từng mấy lần xuất quân chinh phạt Champa, nhưng lần sớm nhất - vào năm 982, và tiến xa nhất - đến tận xứ Quảng, là khi Lê Hoàn mở cuộc nam chinh đánh chiếm kinh đô Indrapura/Đồng Dương của Champa(1), khiến vua Champa là Indravarman Đệ tứ thân Trung Quốc phải bỏ kinh thành chạy vào tận Panduranga/Phan Rang, và sau đó Champa phải dời kinh đô từ Đồng Dương về Vijaya/Đồ Bàn.

Ngay cả vị vua khai sáng nhà Trần là Trần Thái Tông cũng từng mang quân chinh phạt Champa năm 1252. Nhìn chung, những cuộc nam chinh hoặc gần hoặc xa như vậy đều bắt nguồn/dẫn tới đụng độ quân sự hao người tốn của giữa hai vương triều Việt-Champa.

Mãi đến khi cục diện chính trị quốc tế và khu vực đương thời nóng lên với vó ngựa Mông Nguyên, hai vương triều Việt-Champa mới có cơ hội bang giao thân thiện nhằm đáp ứng đòi hỏi sống còn của cả hai vương quốc trong kháng chiến chống xâm lược phương bắc, mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ Việt-Champa vốn “luôn là mối quan hệ đối kháng tay đôi”(2).

Đó cũng chính là tiền đề dẫn tới chuyến thăm hữu nghị Champa của Thượng hoàng Trần Nhân Tông năm 1301 có cơ hội trở thành cuộc Quảng-Nam-mở-cõi êm đềm hòa hiếu thông qua một đám cưới mà cô dâu Huyền Trân Công chúa phải “nước non nghìn dặm ra đi”, còn chú rể Jaya Sinhavarman Đệ tam/vua Chế Mân thì nổi tiếng hào phóng với quà sính lễ là hai châu Ô/Rí.

Tiếc rằng chưa đầy một năm sau khi Huyền Trân Công chúa trở thành thứ phi Champa - tức năm 1307, vua Chế Mân sớm qua đời, và đáng tiếc hơn là ứng xử của Đại Việt trong trường hợp này - có thể do không nghiên cứu kỹ phong tục của Champa rằng vinh dự được theo vua lên giàn hỏa thiêu chỉ dành cho riêng hoàng hậu chính thức gốc Champa(3) chứ không phải cho các thứ phi, nên đã tổ chức kế hoạch giải cứu Huyền Trân Công chúa đưa về Thăng Long - dẫn đến mọi nỗ lực bang giao và thành tựu hòa bình giữa hai vương triều Việt-Champa trong mấy mươi năm nhanh chóng trở về số không! Năm 1311, người từng đồng ý gả em gái mình cho Chế Mân là vua Trần Anh Tông lại phải đem quân chinh phạt Champa lần nữa.  

Nói rằng đám cưới mang màu sắc chính trị giữa Huyền Trân-Chế Mân có cơ hội trở thành cuộc Quảng-Nam-mở-cõi-phi-quân-sự là bởi với quà sính lễ là hai châu Ô/Rí - sớm được Việt hóa thành Thuận/Hóa, biên giới cực nam của Đại Việt giữa thập niên đầu thế kỷ XIV đã vượt qua núi Hải Vân và kéo dài đến tận bờ bắc sông Thu Bồn. Địa chính trị của vùng đất mới đòi hỏi Đại Việt phải có một người quản lý - cũng là một đại sứ - thực sự tài năng để có thể thu phục nhân tâm của cư dân bản địa. Người đó chính là Đoàn Nhữ Hài.

Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng năm 1303 khi Đoàn Nhữ Hài lần đầu được vua Trần Anh Tông cử đi sứ Champa, Trần Nhân Tông đã trực tiếp thẩm định năng lực ngoại giao của ông và đi đến kết luận chọn Đoàn Nhữ Hài làm sứ thần là đúng người đúng việc.

Nhờ năng lực ngoại giao nổi trội mà năm 1307 khi vào Thuận/Hóa thực thi công vụ giữa bối cảnh lòng dân bản địa chưa thật thuận, Đoàn Nhữ Hài đã thành công trong việc hoạch định chính sách an dân, và kinh nghiệm của Đoàn Nhữ Hài sẽ được Nguyễn Cảnh Chân/Bùi Tá Hán… kế thừa trong cuộc Quảng-Nam-mở-cõi giai đoạn sau.

Trong thời gian Việt-Champa trở lại “mối quan hệ đối kháng tay đôi” từ sau cái chết của vua Champa Chế Mân năm 1307 và cả của Thượng hoàng Trần Nhân Tông sau đó một năm, đáng chú ý là cuộc Quảng-Nam-mở-cõi không thành công thậm chí đại bại của Đại Việt năm 1368, khi Thống quân hành khiển đồng tri Trần Thế Hưng đem quân vào tấn công Chiêm Động - phần lãnh thổ Champa phía bờ nam sông Thu Bồn và… bị bắt.

Phần lãnh thổ này của Champa chỉ có thể thuộc về quyền của Đại Việt qua cuộc Quảng-Nam-mở-cõi của Hồ Hán Thương vào năm 1402 thời nhà Hồ, dẫn đến vua Champa Campadhiraya phải xin nhường Chiêm Ðộng và buộc phải nhường thêm Cổ Lũy cho Đại Việt.

Điều này có nghĩa vào thời nhà Trần, biên giới cực nam của Đại Việt chỉ dừng ở bờ bắc sông Thu Bồn, nhưng có thể nói đây chính là trạm trung chuyển/bàn đạp hết sức quan trọng trên tiến trình Quảng-Nam-mở-cõi.

Để được như vậy, nhà Trần không chỉ phải làm tốt chính sách an dân ở Thuận/Hóa mà còn phải triển khai thật hiệu quả việc di dân vào vùng đất mới để cộng cư và tiếp biến văn hóa cùng cư dân bản địa.

Theo Đổng Thành Danh thì Quảng-Nam-mở-cõi thời nhà Trần “chỉ là thụ động chứ không phải là chủ động, quá trình lưu dân vào khai khẩn đất đai mới mở rộng chỉ là tự phát chứ chưa chuyển sang giai đoạn tự giác”(4). Nhưng dẫu là thụ động hay chủ động, tự phát hay tự giác thì những lưu dân Đại Việt cũng phải thích nghi bằng tiếp biến văn hóa và được bảo hộ bằng chính sách của Thăng Long để cộng cư một cách yên bình với cư dân Champa bản địa.

Và chính sách an dân hiệu quả của Đoàn Nhữ Hài từ đầu năm 1307 không chỉ tác động tích cực đến cư dân Champa bản địa mà còn trực tiếp tác động đến thế hệ lưu dân Đại Việt đầu tiên trên đất Thuận/Hóa. Huỳnh Công Bá còn nhấn mạnh: “Ít nhất khoảng 10 năm sau đám cưới Huyền Trân - Chế Mân, đã có người Việt đến khai khẩn Bắc Quảng Nam. Địa bàn khai phá diễn ra trên trọng điểm của đồng bằng Thu Bồn và cả ở phía nam sông này”(5). Như vậy mặc dầu sông Thu Bồn thời nhà Trần vẫn là biên giới chính thức giữa Việt và Champa, nhưng một bộ phận lưu dân Đại Việt đã sang làm ăn sinh sống “cả ở phía nam” sông Thu Bồn…(6)

Có điều lưu dân Đại Việt và cả cư dân bản địa đang cộng cư ở hai bên bờ sông Thu Bồn cũng khó mà yên ổn làm ăn, khó mà an cư lạc nghiệp thực sự một khi nền ngoại giao nhà nước giữa hai vương quốc đã chuyển mạnh từ đối thoại hòa bình là chính sang chủ yếu đối đầu quân sự sau cái chết của Chế Mân và Trần Nhân Tông.

Đối với Thuận/Hóa, ngay từ đầu nhà Trần chủ trương chỉ bổ nhiệm người Champa bản địa giữ một số chức quan nhỏ ở cơ sở - một trong những chính sách an dân của Đoàn Nhữ Hài, thì nay do áp lực của thực tiễn chính trường và chiến trường, năm 1372 vua Trần Nghệ Tông đã phải chấp nhận đề bạt một người Champa bản địa là Hồ Long làm Đại Tri châu của châu Hóa.

Tuy nhiên xem ra giải pháp tình thế này cũng không mấy hiệu quả trong việc tiếp tục bảo vệ chủ quyền của Đại Việt ở vùng phên giậu cực nam. Và cái gì đến đã phải đến: sau sự kiện vua Trần Duệ Tông tử trận ở thành Đồ Bàn trong cuộc chinh phạt Champa năm 1377, quân Champa nhanh chóng tái chiếm và làm chủ Thuận/Hóa suốt mười hai năm cho tới khi vua Champa Chế Bồng Nga tử trận trên sông Luộc năm 1390.

Công cuộc Quảng-Nam-mở-cõi trong tham luận này được hiểu là hành trình mở rộng bờ cõi Đại Việt về phương nam và từ Quảng Nam. Đóng góp lớn nhất của nhà Trần trên hành trình này là đã bằng giải pháp hòa bình sáp nhập thành công vào lãnh thổ Đại Việt một vùng đất trải từ bờ nam sông Hiếu đến bờ bắc sông Thu Bồn, đưa biên giới cực nam của Đại Việt tiến khá xa về phía trước so với các tiền triều.

Tuy nhiên do nhiều biến động trên chính trường hai nước trong phần lớn thế kỷ XIV, mọi việc đã diễn ra không như mong đợi. Đặc biệt sau khi Trần Duệ Tông bỏ mình trong chiến trận, hành trình Quảng-Nam-mở-cõi của Đại Việt xem như chững lại hàng chục năm trời…

Mặc dầu vậy vẫn có thể nói hành trình mở rộng bờ cõi Đại Việt về phương nam và từ Quảng Nam vào thời nhà Trần có ý nghĩa rất quan trọng đối với tổng thể công cuộc Quảng-Nam-mở-cõi, tạo điều kiện để các chặng đường tiếp theo như thời nhà Hồ, thời Hậu Lê - với cuộc chinh phạt Champa năm 1471 của Lê Thánh Tông, và nhất là thời các chúa Nguyễn, rút ngắn được rất nhiều thời gian và trở lực để sớm đi đến tận chót mũi Cà Mau.  

Không phải ngẫu nhiên mà có người cho rằng vào đời nhà Trần, Hòn Chảo/Hòn Sơn Trà Con từng được đặt tên là Đảo Huyền Trân. Cuộc hôn nhân giữa Công chúa Huyền Trân nước Đại Việt với vua Chế Mân nước Champa khởi sự từ năm Tân Sửu - 1301 mà mãi đến năm Bính Ngọ - 1306 mới chính thức được cử hành.

Có thể lý giải sự chậm trễ này theo nhiều cách và cũng đã có người - như Hoàng Phủ Ngọc Tường - từng liên tưởng đến Hải Vân Sơn: cuộc nam chinh ngàn dặm của Công chúa Huyền Trân chưa thể bắt đầu khi triều đình hai nước chưa đồng thuận trong việc xác định biên giới giữa Đại Việt với Champa sau-hôn-nhân Huyền Trân-Chế Mân sẽ nằm ở đâu, ở phía nam hay ở phía bắc Hải Vân?

Lịch sử cho thấy câu hỏi này chỉ có thể tìm được câu trả lời sau nhiều tranh cãi trong suốt năm năm: biên giới giữa Đại Việt với Champa sau-hôn-nhân Huyền Trân-Chế Mân ở phía nam Hải Vân, nói khác đi núi Hải Vân sớm chiều mây phủ hiểm trở như một phên giậu tự nhiên từ đây đã thuộc về Đại Việt(7). Chính vì vậy đóng góp của nhà Trần vào công cuộc Quảng-Nam-mở-cõi cần được khẳng định.

Bùi Văn Tiếng

(1) Đến nay vẫn chưa thể giải thích vì sao khi chuyển đô về vùng đất cũ, Champa không trở lại Kinh thành Sư Tử/Simhapura ở Trà Kiệu như trước đây mà lại chọn Đồng Dương. Có thể vì vào thời điểm thiên đô, ở đây đã hình thành Phật viện Đồng Dương.

(2) Xem Trần Ngọc Vương, Trần Trọng Dương, Quan hệ Đại Việt - Champa nhìn từ sự kiện Huyền Trân - Chế Mân, Báo Đà Nẵng điện tử, Thứ Hai, 27-1-2014.

(3) Ngay cả thứ phi Tapasi, công chúa vương quốc Majapahit của Malaysia, cũng không được vinh dự này.

(4) Xem Đổng Thành Danh, Tiến trình Nam tiến của dân tộc (bài 2), Nghiên cứu lịch sử, ngày 29-8-2015.

(5) Huỳnh Công Bá, Công cuộc khai khẩn và phát triển làng xã ở Bắc Quảng Nam từ giữa thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XVIII, Luận án Tiến sĩ Sử học, Hà Nội, 1996

(6) Cần lưu ý thời điểm 1316 - mười năm sau đám cưới Huyền Trân và Chế Mân - do chính Huỳnh Công Bá nhấn mạnh.

(7) Xem thêm Bùi Văn Tiếng, Đèo Hải Vân trên hành trình Quảng Nam mở cõi, Báo Đà Nẵng ngày 18-11-2013.
 

;
;
.
.
.
.
.