Từ giấc mơ làm cầu nối du lịch

.

Sang bảo, ngày còn nhỏ, theo cha đi đánh cá trên con thuyền bé xíu, nhìn thấy những hướng dẫn viên dẫn khách du lịch về với biển Cửa Đại, trong cậu đã nuôi dần khát vọng trở thành nhịp cầu nối du lịch về với quê hương như các anh chị đi trước.

Gác lại mái chèo, chàng trai làng chài đã biến giấc mơ trở thành hiện thực. Đó là câu chuyện về Nguyễn Duy Sang (28 tuổi), hướng dẫn viên du lịch tiếng Tây Ban Nha ở phường Cửa Đại, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam.

 Nguyễn Duy Sang trong những lần hướng dẫn du khách nước ngoài. Ảnh: T.L
Nguyễn Duy Sang trong những lần hướng dẫn du khách nước ngoài. Ảnh: T.L

14 tuổi, Nguyễn Duy Sang nghỉ học. Nghỉ không phải vì lười mà vì cuộc sống nghèo khó. Gác bút rồi, Sang theo cha lênh đênh trên con thuyền nhỏ giăng lưới, buông câu bên cửa biển Cửa Đại và dọc dòng sông Hoài, sông Thu Bồn. Nương theo con nước mà đi kiếm mớ cá, con tôm trang trải cuộc sống.

Ngần ấy tuổi, Sang thấm nỗi nhọc nhằn của cha với gánh nặng mưu sinh trên vai. Đôi khi Sang chợt hình dung ra đời mình sau này không khác cha là mấy. Những lúc ngơi tay, Sang nhìn về bãi biển Cửa Đại, từng đoàn khách cùng hướng dẫn viên trong trang phục bảnh bao dạo biển. Sang bất chợt ước mơ mình trở thành một trong số những người hướng dẫn viên ấy. Giấc mơ giấu kín tận sâu thẳm đáy lòng.

Sang kể, ngoài đi giăng lưới cùng cha, ngày rỗi, Sang đi làm thuê như rọc xương cá bò. Ngày công được 10.000 đồng. Lúc ấy cốc chè 2.000 đồng, thèm lắm cũng không dám ăn bởi tiền công còn dùng mua gạo. Một ngày nọ, đang buông lưới gần bờ, một nhóm khách Tây Ban Nha qua phiên dịch hỏi Sang ước mơ điều gì?

Sau giây lát chần chừ, Sang bảo muốn làm hướng dẫn viên để nhiều du khách nước ngoài biết đến quê mình. Cuộc trao đổi ngắn gọn với 6 vị khách, họ bảo sẽ trả tiền học phí để Sang trở lại trường học. Tuy còn nhỏ nhưng Sang vạch ra lộ trình khá rõ rệt nếu có quyền ước mơ. Ít lâu sau, kế hoạch tưởng chỉ nói cho vui cùng dăm bảy người khách xa lạ thành sự thật.

Sang trở lại trường. “Em tiếp tục con đường học tập tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên TP. Hội An. Ngày đi học trở lại, em toàn băng qua ruộng chứ không đi đường lớn vì ngại với bạn bè cùng trang lứa. Suốt 3 năm như thế, dù hơi ngại nhưng vẫn quyết tâm học hành”, Sang kể.

Năm 2012, kết thúc khóa học, Sang đỗ một lúc hai trường đại học uy tín ở Đà Nẵng, với điểm môn tiếng Anh đạt 9,5 điểm. Sang chọn học ngoại ngữ để thực hiện đến cùng ước mơ làm hướng dẫn viên.  

Năm 2016, tốt nghiệp đại học, Sang bắt đầu làm quen với môi trường hướng dẫn viên du lịch tiếng Anh: “Ban đầu em đi xin việc mãi cũng hiếm nơi nào nhận. Một lần xin chưa được em trở lại nhiều lần, cuối cùng cũng có nơi nhận”.

Sang vẫn nhớ như in lần đầu tiên nhận tour lẻ đón khách từ sân bay đi thánh địa Mỹ Sơn. Do chưa có kinh nghiệm nên vừa hỏi thấy khách gật đầu cứ đinh ninh mình đón đúng khách. Khi đến gần Mỹ Sơn thì chủ công ty gọi, hóa ra nhầm.

Ngày hôm đó Sang trở về lại Đà Nẵng đón khách rồi miệt mài với công việc của mình. Thâm tâm Sang nghĩ, có thể hôm nay là ngày đầu tiên cũng là ngày cuối cùng được làm hướng dẫn viên nhưng vẫn phải nỗ lực trọn vẹn. Không ngờ hôm ấy khách khen, thế là Sang thoát khỏi cảnh thất nghiệp sau một ngày.

Sau một năm hướng dẫn khách bằng tiếng Anh, Sang vẫn đau đáu với việc tri ân nhóm người Tây Ban Nha đã giúp mình đạt được ước mơ, nên tự mày mò học tiếng Tây Ban Nha và chuyển sang hướng dẫn viên các khách nói tiếng nước này.

Vừa tự học, vừa chịu khó tìm tòi, Sang tìm được chỗ đứng vững chắc trên mảng khách du lịch nói tiếng Tây Ban Nha với nhiều tour, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Đến giờ, sau rất nhiều năm, nhóm những người Tây Ban Nha giúp Sang ngày đó vẫn là bạn của em, họ vẫn dõi theo em trong cuộc đời.

Tròn 3 năm trong nghề hướng dẫn viên, Sang bảo đó là chặng đường có nhiều buồn vui. Nghề hướng dẫn viên cũng mang lại cho Sang nhiều đức tính cần thiết như sự kiên nhẫn, biết lắng nghe. “Muốn ai đó nghe mình, trước hết mình phải là người biết lắng nghe.

Nghề hướng dẫn, không phải lúc nào mình cũng rành mạch mọi chuyện, có những việc liên quan đến văn hóa, ứng xử của nước họ, mình phải chịu khó học hỏi. Mình không chỉ dẫn về điểm đến mà còn học được ở họ nhiều điều”, Sang nói.

Khi du lịch phát triển, tour Con đường di sản miền Trung được du khách thập phương biết và tìm đến, Sang bắt đầu nghĩ xa hơn. Sang bảo, ước mơ của em là tổ chức tour du lịch trải nghiệm cộng đồng để dẫn du khách về quê mình, giới thiệu cho họ tận tường những nét văn hóa truyền thống của cha ông như vá lưới hay tham quan nhiều mô hình khác.

Sang vẫn luôn khiêm nhường bảo mọi thứ vẫn còn ước mơ, nhưng tôi biết, thêm một lần nữa chàng trai làng biển Cửa Đại Nguyễn Duy Sang ấy đang từng bước thực hiện kết nối, làm nhịp cầu để ngày càng có nhiều du khách đến với làng chài Cửa Đại hơn. Chỉ ngần ấy thôi đủ hình dung về tình yêu bỏng cháy và nỗ lực không mỏi mệt của Sang rồi.

Thiên Lam

;
;
.
.
.
.
.