Giá trị sống không có chỗ cho sự thờ ơ

Sự kiện một cô gái Bến Tre đăng quang Hoa hậu Trái đất thế giới năm 2018 đã gây nên một cơn bão mạng tại Việt Nam. Người ta bàn tán về sắc đẹp của người được trao vương miện, về phong thái tự tin, về khả năng ngoại ngữ lưu loát, nhưng trên tất cả, người ta “tâm phục khẩu phục” với câu ứng xử thông minh của hoa hậu.

Trước câu hỏi về điều quan trọng nhất với thế hệ mình, cô gái trẻ đã trả lời: “Đó là sự thờ ơ, vì chúng tôi có quá nhiều công nghệ, dùng mạng xã hội quá nhiều và chỉ nghĩ cho bản thân”. Có lẽ, vương miện Hoa hậu gọi tên cô gái đó vì cô ấy đã gọi đúng tên của một trong những vấn đề không hề nhỏ trong xã hội hiện đại ngày nay - đó là SỰ THỜ Ơ.

Không thể phủ nhận, xã hội với cả mặt phải và mặt trái, đang tạo cho con người rất nhiều áp lực, áp lực để tồn tại, áp lực để đi lên và áp lực để chăm lo tốt nhất cho gia đình. Trên dòng chảy đó, đôi lúc con người vô tình “lướt qua nhau”, rồi cứ vậy, dần dần trở nên thờ ơ, vô cảm, dửng dưng trước những cảnh ngộ xung quanh.

Không khó để chúng ta bắt gặp hằng ngày hình ảnh những bạn trẻ chăm chú sử dụng điện thoại, ipad… thay vì đối mặt, trò chuyện với nhau giữa cuộc sống đời thường, họ bỏ qua cơ hội ngắm nhìn và cảm nhận về cuộc sống. Những dịp lễ, Tết, sinh nhật, các biểu tượng cùng những câu chúc “điện tử” trên mạng xã hội dần trở thành “đại diện” cho những giọng nói, gương mặt thân quen. Câu chuyện về một nơi lũ lụt đang hoành hành hay môi trường đang báo động về tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa, rác thải ni-lông… bỗng trở nên xa xôi, xa lắm và không liên quan gì đến cuộc sống mỗi người.

Còn nhớ cô bạn của mình, hiện đang giảng dạy tại một trường đại học, mỗi sáng đều bị chính người bán và những người xung quanh tròn mắt nhìn chằm chằm như “vật thể lạ”, chỉ vì cô bạn đó luôn cầm theo một bao giấy tự chuẩn bị sẵn để mua bánh mì thay vì sử dụng bao ni-lông của người bán. Ám ảnh hơn, còn nhớ cách đây mấy năm, một tai nạn kinh hoàng đã xảy ra tại ngõ phố nhỏ tại Hà Nội, cướp đi mạng sống của 3 người vô tội.

Trong đó, có một em nhỏ chỉ mới 6 tuổi. Trong thời khắc chiếc ô-tô lao vào, hất em vào lề đường, em vẫn còn thoi thóp. Vẫn biết vết thương là quá nặng, nhưng biết đâu, nếu được đưa đến bệnh viện sớm hơn, em vẫn có thể sống để lại được đi học, lại được vui đùa cùng bạn bè.

Trong buổi sáng hôm ấy, rất nhiều người đã đứng chung quanh chứng kiến sự việc, không biết bao nhiêu xe máy, ô-tô đi ngang qua, chậm lại, dừng lại nhìn; vậy mà tại sao không có một ai trên những chiếc xe ấy sẵn sàng chở em đến bệnh viện nhanh nhất có thể, trong lúc chiếc xe cấp cứu còn đang phải len lỏi trên những con đường đông đúc? Thật sự rất xót xa!

Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là giới trẻ ngày nay hoàn toàn thờ ơ và vô cảm. Đâu đó vẫn có những câu chuyện, những hình ảnh đáng tự hào đến từ chàng trai tật nguyền với trái tim nhân hậu, đã tình nguyện chăm sóc một cụ già neo đơn nằm liệt giường tại Sài Gòn; từ những lớp học tình thương của các cô giáo, thầy giáo trên khắp mọi miền đất nước hay từ những y, bác sĩ trẻ sẵn sàng bỏ phố lên rừng với trăm ngàn khó khăn, thử thách để giúp đỡ người bệnh…

Đâu đó trên các diễn đàn, kênh truyền thông, trang mạng xã hội vẫn đăng tải, phát sóng hằng ngày nội dung kêu gọi gây quỹ từ thiện hay tổ chức các hoạt động thiện nguyện, hoặc đơn giản chỉ là những bài viết thể hiện quan điểm cá nhân về bảo vệ môi trường, đóng góp xây dựng trên các lĩnh vực của đời sống, tạo nên những thay đổi tích cực.

Có thể đơn cử, trong ba năm qua, chương trình “Cặp lá yêu thương” do Trung tâm Tin tức VTV24 chủ trì và khởi xướng đã đi qua 37 tỉnh, thành trên khắp cả nước, giúp đỡ 3.203 em nhỏ với số tiền hỗ trợ lên đến hơn 26 tỷ đồng; hay 4.500 em nhỏ được hỗ trợ phẫu thuật, 100.000 trẻ được khám sàng lọc tim miễn phí là hai trong rất nhiều những con số biết nói của hành trình 10 năm “Trái tim cho em” do Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) và Quỹ Tấm lòng Việt Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp thực hiện.

Có lẽ, sự HƯỚNG THIỆN tự thân sẽ có sức mạnh lan tỏa trong cộng đồng, để con người xích lại gần nhau hơn, quan tâm, đồng cảm, chia sẻ với nhau nhiều hơn. Biết đâu trong tương lai, những câu ứng xử tại các cuộc thi sẽ không còn từ khóa “SỰ THỜ Ơ” khi bàn luận về xã hội và con người.
Trao đi yêu thương để rồi nhận lại nhiều hơn những thương yêu- nghe đâu đây những ca từ ngọt ngào trong bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như một lời nhắc nhớ với mỗi người: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì, em biết không? Để gió cuốn đi”...

Đỗ Lan Hương
 

;
;
.
.
.
.
.