Tiếng hát ước mơ

.

Mỗi “nghệ sĩ” chỉ hát một giai điệu duy nhất – những câu hát nuôi lớn ước mơ của người lao động lặng lẽ mưu sinh giữa nhịp sống xênh xang xe ngựa và lưu vào năm tháng chút hồn phố thị. Một ngày nào đó, rồi sẽ vắng chất giọng thân quen ấy trên những con phố nhỏ, liệu còn ai vương chút nỗi niềm như Vũ Đình Liên ngày xưa trước những điều còn mất: Hồn ở đâu bây giờ?... 

Ông Trung “Bắp, chưng, chả” nói đùa rằng ông thở không khí Đà Nẵng còn nhiều hơn Hội An.
Ông Trung “Bắp, chưng, chả” nói đùa rằng ông thở không khí Đà Nẵng còn nhiều hơn Hội An.

1. “Chưng, chả đây…!”. Gần như đêm nào cũng cùng một giờ nhất định, tiếng rao vọng từ đầu hẻm trước khi bóng cậu bé đạp chiếc xe đạp cà tàng đổ dài dưới ánh đèn cao áp. Cuối một con hẻm nhỏ trên đường Trần Cao Vân, trong ngôi nhà có giàn thiên lý trước ngõ, một cô bé học lớp 5, đêm đêm đến tầm 9 giờ tối lại trông ngóng tiếng rao quen thuộc.

Cậu bé thì mỗi lần đi ngang qua đó, cố ý đi chậm lại và cất tiếng to hơn để chờ người mẹ gọi vào mua mấy chiếc bánh chưng cho con gái ăn khuya. Cậu bé mang từ Hội An ra những chiếc bánh chưng, cây chả mà hương vị cũng chân quê như tiếng rao.

Cả xóm lao động ngày đó không quán xá gì, chờ hàng rong quà vặt. Ở tầm 2-3 giờ chiều, phố nhỏ vẳng tiếng rao “Bao đây...!” của một ông già bán bánh bao tên là Khỏe. Đúng như tên gọi, ông vừa đẩy xe, vừa cất giọng to, rền vang như một ca sĩ opera giọng nam trung thực thụ.

Sớm hơn, vào khoảng 9 giờ sáng, là lúc người đàn bà bưng thúng quà vặt lanh lảnh cất giọng Huế nữ cao “Lọc, gói đây...!”. Nếu bánh bao hay chưng, chả dành cho những người thích ăn bữa lỡ hay chưa ăn bữa chính thì món bánh bột lọc, bánh gói chỉ phục vụ riêng cho quý bà, quý cô, ăn một vài cái rồi hít hà với nước mắm mặn cay, lấy quà làm vui chứ không hẳn để qua bữa.

Nhìn chung, tiếng rao quà vặt bất chấp những quy luật của ngôn ngữ, thanh điệu bao giờ cũng ngắn gọn, bình dân, dù phát âm thế nào cũng chỉ cốt cho người nghe hiểu ra và yêu nó. “Chưng, chả đây...!” hay “Lọc, gói đây...!” là cách viết cho người đọc dễ hiểu, chứ trong thực tế nó đi liền một mạch không chấm phẩy, lên cao hay xuống thấp, luyến láy hay thẳng tuột là tùy từng người.

Giọng cậu “Chưng chả” thì chân chất như dòng nước phía hạ lưu sông Thu Bồn, giọng bà “Lọc gói” thì lên bổng xuống trầm như dòng Hương giang vượt bao ghềnh thác. Chỉ có giọng ông “Bao đây” thì mời mọc mà dứt khoát, đanh gọn mà rền vang.

Thay gánh đậu hũ bằng chiếc xe đạp, bà Thủy là một trong những người còn lưu giữ món ăn vặt dân dã lâu đời giữa phố thị hiện đại.
Thay gánh đậu hũ bằng chiếc xe đạp, bà Thủy là một trong những người còn lưu giữ món ăn vặt dân dã lâu đời giữa phố thị hiện đại.

Ngày tháng trôi nhanh, những tiếng rao ấy đã trở thành nhịp đời thân thuộc của những cư dân trong phố nhỏ. Những ngày đông giá lạnh, con hẻm nhiều lúc vắng tiếng rao quen thuộc, chỉ còn hun hút tiếng gió rít từng cơn, tiếng mưa rơi buồn bã trên những mái tôn.

2. Phố thị ngày càng hiện đại. Đường sá ngày một mở rộng ra nhưng sao vẫn thấy chật chội giữa những dãy nhà cao tầng với xe cộ nườm nượp ngày đêm. Vẻ quê kiểng của những gánh hàng dần biến mất. Những đôi quang gánh làm rã chân người lội bộ giờ đã được thay bằng xe đạp, xe máy. Ngay cả tiếng rao hàng, dù là hàng rong, cũng mang hơi hướng của khoa học kỹ thuật.

Mấy chục năm trôi qua, ông “Bao đây” phần đã luống tuổi, phần muốn đưa công nghệ hiện đại vào sản xuất nên đã thay xe đẩy bằng xe máy, thay rao miệng bằng... rao máy! Lời rao xưa cũng đã được ông “biên tập” lại cho hấp dẫn hơn.

Chiều chiều, ông lượn qua con hẻm, tiếng xe máy lạch bạch không át được tiếng rao hàng trên loa, lúc thì “Bao đây…! - Bây đâu?”, lúc lại “Bao nóng đây...! - Bây nóng đâu?”.

Lời rao lạ lẫm thế mà hay, người trong khu phố nghe mãi vẫn không chán. Mỗi khi nhà ai có chuyện “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, nghe giọng rao hàng dí dỏm của ông là trước sau gì mọi sự cũng lắng xuống ngay. Những lúc bình ắc-quy yếu, giọng ông chảy nhão ra, nghe càng buồn cười hơn và càng muốn gọi ông lại để mua một chiếc bánh bao nóng hổi.

Anh “Chưng chả” giờ đã lập gia đình, nhưng vẫn không có ý định từ bỏ cái nghề đã giúp anh đứng vững khi phải sớm rời ghế nhà trường để bươn chải trên đường đời. Đồng hương với anh giờ có ông Trung, tuổi đời gần 50, người phường Cẩm Nam, thành phố Hội An, nơi hằng năm có Lễ hội Bắp nếp nổi tiếng.

Hơn 10 năm nay, bất kể thời tiết thế nào ông cũng chạy xe máy ra Đà Nẵng, sáng đi chiều về, bán bắp kèm bánh chưng, chả với tiếng rao đặc sệt chất Quảng để nuôi 3 đứa con còn đi học.

Ông thường cắt qua nội thành Đà Nẵng rồi chạy dọc theo quốc lộ 1A, từ ngã ba Huế lên tận Nam Ô. Địa chỉ ông hay ghé là những tiệm net, nơi khách hàng, phần lớn là các game thủ, ngồi dọc theo mấy dãy bàn, đeo tai nghe, dán mắt vào màn hình.

Nhiều người trong số đó “ngồi đồng” có khi hàng buổi, bụng đói cồn cào nhưng vẫn không chịu rời ghế. Ông xuất hiện như một vị “cứu tinh”, đi tới từng người, cất tiếng rao bằng... động tác. Các game thủ liếc mắt trong giây lát vào “bắp, chưng, chả”, OK món nào thì ra hiệu bằng tay.

Anh Phan Đức Chính, Giám đốc Công ty TNHH Mara Studio nằm bên chợ Hòa An, quận Cẩm Lệ, kể rằng, ngành nghề chính của công ty anh là hoạt động kiến trúc và tư vấn kỹ thuật có liên quan, nhân viên ngồi dọc theo hai dãy máy, người đứng ngoài đường nhìn vô thấy không khác chi quán net.

Bữa nọ, ông dừng cái “quầy hàng di động” của mình trước cửa văn phòng công ty rồi xăm xăm bước qua cửa như vào nơi thân quen. Lúc đầu nhân viên thấy là lạ, sau quen dần. Từ đó, cứ tầm 4 giờ chiều là ông cùng với tiếng rao hàng thân thương tới “thăm” nhân viên công ty…

3.Sau 20 năm, cô bé chờ mẹ mua bánh chưng ăn khuya ngày nào đã thành danh ở nước ngoài, mỗi lần về thăm nhà lại thấy phố phường thêm thay đổi. Lòng cô như phố nhỏ, vẫn vẹn nguyên nỗi nhớ những tiếng rao như lúc cô ra đi.

Trong cô, bóng dáng cậu trai “Chưng chả” đã trở thành kỷ niệm, giờ chiều chiều lại thấy một người đàn ông trung niên đạp chiếc xe đạp đi qua, chở phía sau một thùng nhôm rõ to. Ông rảo qua mấy con hẻm, chiếc loa sắt gắn phía bánh xe trước phát câu rao bằng giọng Bắc đều như vắt tranh “Xôi cúc đây! Xôi cúc đây!”.

Xôi cúc? Qua tìm hiểu, cô biết loại quà vặt này còn có tên là bánh khúc, được làm từ lá rau khúc mang hương vị vùng đồng bằng Bắc Bộ với gạo nếp, nhân đậu xanh, thịt lợn mỡ.

Ông tên Sơn, quê ngoài bến xe Giáp Bát, Hà Nội, 14 năm làm nghề bán xôi cúc. Đến Đà Nẵng ở trọ, buổi sáng ông bán dọc bãi biển đường Nguyễn Tất Thành, chiều bán ở Bến xe Trung tâm Đà Nẵng, dành dụm tiền gởi về cho vợ nuôi con. Những lúc rảnh rỗi, ông lấy chiếc ống điếu trước giỏ xe, kéo một hơi thuốc lào cho vơi nỗi nhớ quê kiểng.

Ông Sơn “Xôi cúc” mang một chút hương vị ẩm thực Hà Nội đến với Đà Nẵng. Ảnh: V.T.L
Ông Sơn “Xôi cúc” mang một chút hương vị ẩm thực Hà Nội đến với Đà Nẵng. Ảnh: V.T.L

Nhìn bóng ông gò lưng trên chiếc xe đạp khuất cuối góc phố, cô liên tưởng đến người bán đậu hũ dạo ở quê ngoại của mình. Bà tên Nguyễn Thị Thủy, ngót nghét tuổi sáu mươi, quê làng Lỗ Giáng làm dâu về làng Liêm Lạc, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang.

Mẹ bà ngày trước ở sát lò đậu hũ, học được nghề rồi gánh gánh đậu hũ kẽo kẹt qua các ngõ quê bươn chải nuôi con. Đến lượt mình, sau khi làm đủ nghề, bà lại quay về nối nghiệp mẹ. Có điều, bà thay quang gánh bằng chiếc xe đạp cũ kỹ, tiếng rao, nói theo ngôn ngữ thời thượng là rao “live” chứ không qua loa như ông Xôi cúc.

Hôm đó cô về thăm ngoại ở Hòa Châu, được thưởng thức lại món đậu hũ chân quê do chính người đàn bà hai đời nghề ấy nấu. Khi hương vị quê nhà phảng phất đâu đó trong món ăn thức uống, dù là hàng ăn vặt thôi, ta cũng có thể gọi đó là văn hóa ẩm thực mà không sợ lệch chuẩn.

4. Trên bước mưu sinh, những người bán hàng rong gánh, chở cả tương lai con cái trên vai. Ông “Bao đây” hơn 30 năm rảo quanh các con hẻm, nói đùa là có khi đã đi được mấy vòng trái đất. Trong cuộc đời mình, ông chỉ đi về trên một lộ trình định sẵn, nhưng các con ông thì có nhiều con đường hơn để lựa chọn. Cả 7 người đều học đại học, đã thành danh như ước nguyện của ông. Ông giờ đã “rửa tay gác kiếm”, chấm dứt cuộc đời của nghệ sĩ opera trên phố nhỏ.

Những ông Trung “Bắp, chưng, chả”, ông Sơn “Xôi cúc”, bà Thủy “Đậu hũ”... ngày ngày cất giấu ước mơ sau tiếng rao lên bổng xuống trầm. Một Đà Nẵng phố đang dần trẻ ra, những “nghệ sĩ dân gian” với tiếng rao ấy rồi sẽ trở thành “những người muôn năm cũ”. Một ngày nào đó, rồi sẽ vắng chất giọng thân quen ấy trên những con phố nhỏ, liệu còn ai vương chút nỗi niềm như Vũ Đình Liên ngày xưa trước những điều còn mất: Hồn ở đâu bây giờ?...  

Ghi chép của VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.
.